Phát triển bền vững và đổi mới mô hình tăng trưởng đối với các HTX nông nghiệp ở Việt Nam

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM
Đặt vấn đề:
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, dưới góc độ phát triển kinh tế bền vững, nước ta còn không ít những thách thức đặt ra. Bài viết đề cập vấn đề phát bền vững dưới góc độ kinh tế phát triển, đề xuất, khuyến nghị đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta và đổi mới mô hình, hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã hiện nay.
  1. Nhận thức chung về phát triển bền vững
Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của nhân loại, không phân biệt trình độ phát triển cũng như chế độ chính trị - xã hội. Nhận thức phát triển bền vững có lịch sử hình thành tiếp cận dưới góc độ khác nhau.
Năm 1982, thuật ngữ phát triển bền vững – Sustainable Development, lần đầu tiên xuất hiện trong tuyến bố “Chiến lược bảo tồn thế giới” của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế - IUCN. Khái niệm phát triển bền vững được hiểu theo nghĩa hẹp, đó là sự phát triển đạt được sự bền vững về sinh thái.
Năm 1987, trong báo cáo “Tương lai của chúng ta”, Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED (nay là Brudtland) đã mở rộng nội hàm và định nghĩa: Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Hội nghị Thượng đỉnh trái đát tổ chức năm 1992 tại Rio De Janeiro tái khẳng định nội hàm phát triển bền vững của WCED và phát đi thông điệp tới tất cả các chính phủ về sự cấp bách phải đẩy mạnh phát triển kinh tế hoà hợp giữa kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Năm 2003, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững (Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg) tổ chức tại Công hoà Nam Phi đã thống nhất: Phát triển bền vững là quá tình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển. Đó là, phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Từ những nghiên cứu trên đây, có thể hiểu: “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường[1].
Như vậy, khái niệm phát triển bền vững luôn hàm nghĩa: Một là, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội là “khan hiếm”. Vì vậy, trong quá trình phát triển kinh tế, các thế hệ đi trước huy động, sử dụng nguồn lực, nhất là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên phải có kế hoạch, tiết kiệm và hiệu quả để các thế hệ tương lai cũng được thụ hưởng những giá trị vật chất và phi vật chất do xã hội, nhất là thiên nhiên ban tặng. Hai là, trong tiến trình phát triển, các thế hệ phải đảm bảo tính kết nối, hài hoà và hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Phát triển bền vững vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc sống còn của quá trình phát triển tiến tới một xã hội văn minh, hiện đại về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái. Dưới góc độ phát triển kinh tế bền vững thì: “Phát triển bền vững về kinh tế là sự phát triển đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (hợp lý), liên tục, ổn định và dài hạn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng ngày càng hiện đại và tiến bộ; gia tăng năng lực nội sinh và đảm bảo sự thịnh vượng của xã hội gắn với giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội”. Phát triển bền vững về kinh tế đảm bảo sự biến đổi về chất của nền kinh tế, gia tăng được tiềm lực, sức mạnh của nền kinh tế sẽ tác động tích cực và lan toả đến với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Vì vậy, phát triển bền vững về kinh tế chính là trụ cột, là xương sống của phát triển bền vững.
2. Đánh giá thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững
Đánh giá kết quả kinh tế vĩ mô và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2015, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ: “Mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo rộng đã bước đầu có sự chuyển biến sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu”, “Hiệu quả đầu tư xã hội, đầu tư công từng bước được cải thiện, tình trạng đầu tư dàn trải bước đầu được hạn chế”[2]. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đã giảm từ 42,7% giai đoạn 2006-2010, xuống 31,7% giai đoạn 2011-2015. Hiệu quả đầu tư được nâng lên, hệ số ICOR của nền kinh tế giảm từ 6,2 lần giai đoạn 2006-2010 xuống 5,4 lần giai đoạn 2011-2015. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 30%, cao hơn giai đoạn 2001-2010. Tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ tăng lên, ngành nông nghiệp giảm đi…
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết Đại hội XII giai đoạn 2016 - 2019 có thể thấy: tăng trưởng đạt 6,8%/năm, năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 2%, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm. Tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011 - 2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới 2. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỉ USD năm 2010 lên 268,4 tỉ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020”[3].
Kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế có thể thấy, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0%, vượt mục tiêu Chiến lược đề ra (35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm. Hiệu quả đầu tư được nâng lên; hệ số ICOR giảm từ gần 6,3 giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 6,1 giai đoạn 2016 - 2019 3. 
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô còn không ít khó khăn, cơ bản là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra; GDP tăng bình quân khoảng 5,9%/năm giai đoạn 2011 - 2020 so với mục tiêu Chiến lược là 7 - 8%/năm và thấp hơn so với hai giai đoạn trước . GDP bình quân đầu người năm 2020 tăng thêm khoảng 1.420 USD so với năm 2010, thấp hơn nhiều nước trong khu vực 58. Quy mô nền kinh tế của nước ta đứng thứ sáu, trong khi quy mô dân số xếp thứ ba trong các nước ASEAN. Nền tảng vĩ mô, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc, năng lực cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế còn hạn chế, cán cân thương mại phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài . Tỉ lệ tích luỹ tài sản giai đoạn 2011 - 2020 đạt 27% GDP, thấp hơn các nước trong khu vực. Trong đó đổi mới mô hình kinh tế có khó khăn thách thức nhất định:
Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Phương thức tăng trưởng thay đổi chưa rõ rệt, vẫn còn dựa vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, lao động và các nguồn lực đầu vào khác; chất lượng tăng trưởng có mặt chậm được cải thiện, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất trong nước còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước.  
Hai là, Cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng lãng phí, chất lượng công trình thấp chưa được giải quyết triệt để. Chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn thấp so với mức trung bình của các nước ASEAN-4, nhất là về công tác thẩm định, lựa chọn dự án và giám sát thực hiện đầu tư. Công tác quản lý tài chính, tài sản công, đất đai ở một số cơ quan, đơn vị còn kém hiệu quả.
Ba là, Cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng doanh nghiệp, hiệu quả quản trị doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu; thiếu chiến lược phát triển doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với vị thế, nguồn lực đang nắm giữ. Số lượng doanh nghiệp tư nhân còn ít, quy mô chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp; mức độ sẵn sàng cho hội nhập và liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Đội ngũ doanh nhân phát triển chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu.
Bốn là, Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam nhỏ so với khu vực; năng lực cạnh tranh và mức độ lành mạnh tài chính của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế. Mức độ an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng chưa bền vững so với các nước trong khu vực; dễ bị tổn thương trước tác động bất lợi, đột ngột từ bên ngoài. Việc thực hiện cơ cấu lại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gặp khó khăn về bổ sung vốn điều lệ. Năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng còn hạn chế; xử lý nợ xấu còn một số khó khăn, vướng mắc; tiến độ cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm. 
Năm là, Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, tỉ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên liệu còn lớn, trình độ công nghệ sản xuất nhìn chung vẫn thấp so với thế giới; chưa hình thành được mô hình các cụm ngành chuyên môn hoá, công nghiệp hỗ trợ, tỉ lệ nội địa hoá còn ở mức thấp.
Sáu là, Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chuyển biến chưa rõ nét và thiếu bền vững. Đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, việc sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp hiệu quả thấp. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tập trung, tích tụ ruộng đất còn khó khăn; kinh tế hộ nhỏ lẻ là chủ yếu. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, chất lượng và khả năng cạnh tranh một số mặt hàng còn thấp. 
Bảy là, Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Phát triển du lịch còn một số hạn chế, chưa bảo đảm tính bền vững; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống phân phối còn bất cập, chưa kết nối hiệu quả, thông suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chi phí logistics cao hơn mức bình quân thế giới.
Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ, lao động có kỹ năng. Năng suất lao động chậm được cải thiện, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế còn thấp. Chưa phát huy được lợi thế so sánh và chưa tận dụng được các cam kết hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững.
  1. Định hướng, giải pháp phát triển bền vữngđổi mới mô hình tăng trưởng đối với các HTX nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương đảng khoá XII, Đảng ta đã chỉ rõ nội hàm, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng đó là: “Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước”[4].
Đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công. Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, cần lưu ý thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cụ thể sau đây:
Một là, Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận động đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn, thời kỳ phát triển, đảm bảo hiện đại, hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hai là, Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài.
Ba là, phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.  Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam; phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, địa phương. 
Bốn là, Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm. iếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, sau khi thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng lên. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật được quan tâm hoàn thiện. Tổ chức bộ máy và quản lý nhà nước từng bước được củng cố. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, xuất hiện nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể kiểu mới, làm ăn có hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho thành viên, xây dựng nông thôn mới.
Đến cuối năm 2020, cả nước có 26.040 hợp tác xã; trong đó có 16.953 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 65,1%; 1.188 quỹ tín dụng nhân dân; 2.079 hợp tác xã  thương mại và dịch vụ; 1.496 hợp tác xã vận tải; 2.474 hợp tác xã công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; 1.026 hợp tác xã xây dựng; 521 hợp tác xã môi trường; 303 hợp tác xã khác.
Các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chủ yếu theo 02 mô hình là hợp tác xã kinh doanh tổng hợp, chiếm 72% và hợp tác xã chuyên ngành chiếm 28%. Với 3,7 triệu thành viên, hợp tác xã nông nghiệp đã cung ứng ít nhất 03 dịch vụ cho thành viên (vật tư, tưới tiêu, khuyến nông). Nhiều nhất là 16 dịch vụ (giống, vật tư, tưới tiêu, khai thác cơ sở hạ tầng; làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến...). Có hơn 45% hợp tác xã nông nghiệp thực liên kết đầu vào, đầu ra bằng hợp đồng với doanh nghiệp; nhiều hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Đến cuối năm 2020, tổng số vốn điều lệ hợp tác xã nông nghiệp là 14.969 tỷ đồng; doanh thu bình quân là 2,2 tỷ đồng/hợp tác xã; lãi bình quân 382 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động 3,2 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên bên cạnh đó, các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bấp cập. Tốc độ tăng trưởng thấp so với khu vực kinh tế khác, tỷ lệ góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền. Việc thực hiện chuyển đôi mô hình theo Luật Hợp tác xã còn nhiều vướng mắc. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức, loại hình còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập…Thực tiễn đó, đòi hỏi phải chuyển đổi mô hình phát triển để có bước về chất, nâng cao hiệu quả hoạt động quan trọng này.
Trên cơ sở những định hướng đổi mới mô hình tăng trương, phát triển bền vững, để hợp tác xã nông nghiệp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, theo chúng tôi cần quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là về hợp tác xã kiểu mới. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tát yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên, tạo ra phong trào hợp tác xã  khởi nghiệp trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động trong nền kinh tế.
Thứ hai, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan (đất đai, giiongs cây trồng, vật nuôi, thuế, tín dụng…), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hợp tác xã và cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể. Cơ cấu lại và có phương án xử lý dứt điểm việc nợ động ở các hợp tác xã nói chung và hợp tacx xã nông nghiệp nói riêng; tạo điều kiện để giải thể các hợp tác xã kiểu cũ, yếu kém hoặc chuyển sang hình thức kinh tế khác. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với  hợp tác xã nông nghiệp giúp các hợp tác xã phát triển.
Thứ ba, đổi mới phương thức hoạt động, mô hình tăng trưởng, hoạt động theo hướng xây dựng các chuỗi sản phẩm mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của vùng miền, đất nước trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đặc biệt là các sản phẩm mang thế mạnh nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng kỹ thuật cao, công nghệ sạch đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế. Phát triển các loại hình dịch vụ trong nông nghiệp, dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với sự biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn nước.
Thứ tư, tập trung triển khai, làm tốt công tác hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp về chính sách đất đai, tài chính – tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất trong hợp tác xã nông nghiệp. Ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin..., qua hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực một số viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ ở các vùng, nhằm hỗ trợ hợp tác xã và hộ nông dân. Khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học - công nghệ liên kết với hợp tác xã, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới cho hợp tác xã, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới, khai thác và sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thành lập, phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp và các loại hình hợp tác xã khác, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, gắn với phát huy vai trò làm chủ, lợi ích của các thành viên, khả năng huy động, tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc. Lan tỏa tinh thần quốc gia khởi nghiệp trong các loại hình hợp tác xã kiểu mới. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ hợp tác xã và cán bộ làm công tác tham mưu, xây dựng chính sách, chiến lược phát triển và quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thứ sáu, củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm hệ thống liên minh HTX cơ sở với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, thật sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên. Tham gia có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, Mặt trận Tổ quốc, các hội quần chúng trong việc thực hiện, gips phần thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển./.
Ths. Nguyễn Như Trung,
Trưởng Khoa Cơ Bản, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Trung ương.
[1] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (20014): Luật bảo vệ môi trường, Mục 4, Điều 3, tr.1
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.26.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo báo cáo Tổng kết  thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 05-NQ/TW khoá XII ngày 1/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.