Phú Yên: Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế
Người dân TX Sông Cầu được vay vốn Ngân hàng NN&PTNT để nuôi trồng thủy hải sản. Ảnh: LÊ HÀ
Bằng việc đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để phát triển kinh tế…, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã giúp nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay
Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thấu hiểu khó khăn và nhu cầu cần vay vốn làm ăn của hội viên, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, các cấp hội phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ vay vốn trên cơ sở các chi, tổ hội nông dân theo đúng hướng dẫn quy định. Sau khi người vay tiếp cận được nguồn vốn, các cấp hội tổ chức giám sát để hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hướng dẫn họ làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Là một nông dân năng động và được vay vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp với sự bảo lãnh của Hội Nông dân huyện, gia đình ông Nguyễn Văn Hảo ở xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân trở thành điển hình vươn lên thoát nghèo. Hiện ông Hảo đầu tư 1 trang trại nuôi heo thịt với quy mô 590 con/trại và 1 trang trại nuôi gà. Cùng với đó, gia đình ông còn trồng trọt, chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu nhập từ nuôi heo, bò, trồng mía, keo lai hơn 300 triệu đồng. Ông Hảo bày tỏ: “Nếu không có sự giúp đỡ từ các cấp hội, cũng như nguồn vốn vay ngân hàng, không biết đến khi nào gia đình tôi mới khá giả lên được”.
Từ sự hỗ trợ tạo điều kiện về vốn và kỹ thuật của các cấp hội, chị Nguyễn Thị Diệu Linh ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh đã có thêm động lực để khởi nghiệp, đầu tư xưởng sản xuất và thành công cho ra sản phẩm bò một nắng muối kiến vàng; ba chỉ, sườn heo một nắng mang thương hiệu Y Phát đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hiện cơ sở của chị Linh được đầu tư xây dựng khá bài bản với đầy đủ các loại máy móc thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, có thể cho ra lò từ 500kg đến 1 tấn sản phẩm/ngày, đáp ứng được nhu cầu thị trường tại nhiều tỉnh thành, địa phương.
Ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Agribank chi nhánh Phú Yên cho biết: “Sự kết hợp đồng bộ các giải pháp cùng sự chỉ đạo nhanh chóng, dứt khoát, kịp thời của Ban điều hành Agribank chi nhánh Phú Yên đã trợ lực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đến 30/6/2024, tổng dư nợ của Agribank Phú Yên đạt hơn 9.400 tỉ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ cho vay, với sự tham gia của hơn 35.500 hộ dân, 180 doanh nghiệp và 10 HTX trên địa bàn tỉnh.
Tiếp sức cho người dân bằng nguồn vốn ưu đãi
Bên cạnh nguồn vốn Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh trong thời gian qua đã góp phần vào thành công và lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trở thành điểm sáng trong đời sống KT-XH ở nông thôn.
Theo đó, thông qua các dự án Quỹ HTND đã thành lập được 34 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, là nền móng vững chắc của tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân Việt Nam xuất sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 58.782 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 5 nông dân Việt Nam xuất sắc.
Tổng dư nợ vốn Quỹ HTND tính đến hết tháng 7/2024 là 44,3 tỉ đồng, với 169 dự án, cho 1.345 hộ vay, tạo việc làm hơn 2.000 lao động. Một số dự án tiêu biểu mang lại hiệu quả như: Dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An), Dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa), Dự án nuôi cá mú thương phẩm xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu), Dự án trồng khóm Đồng Din tại thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), Dự án trồng chăm sóc cây cảnh tại phường 9 (TP Tuy Hòa), Dự án đánh bắt thủy hải sản trên biển tại xã An Mỹ (huyện Tuy An)...
Ông Phan Xuân Hạnh cho biết, từ những kết quả đạt được, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với ngân hàng củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ vay vốn; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho hội cơ sở và các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, không ngừng nâng cao năng lực quản lý vốn để đáp ứng nhu cầu công việc trong thời gian tới. Ngoài ra, Tỉnh hội cũng chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác kiểm tra giám sát hội cơ sở, tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ viên, nhằm sớm phát hiện những sai phạm, cũng như khó khăn vướng mắc để cùng nhau xử lý kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, giúp hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tính đến ngày 30/6/2024, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Agribank tỉnh giải ngân cho vay vốn, nâng tổng dư nợ lên hơn 1.151 tỉ đồng với 14.886 hộ vay, 751 tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn ủy thác hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nâng tổng dư nợ lên hơn 1.488 tỉ đồng với 29.615 hộ vay, 747 tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện Hội Nông dân tỉnh tích cực tham gia thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi để ngày càng có nhiều nông dân nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận, sử dụng nguồn vốn nhằm giảm nghèo bền vững. Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
LÊ HÀ/Theo Phú Yên
Tin liên quan
- Thái Nguyên: Gà đồi Phú Bình vào vụ Tết
- Đẩy mạnh liên kết chăn nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh
- Nông dân bán hàng vào siêu thị được miễn chiết khấu, bao tiêu sản phẩm
- Phát triển chuỗi rau, khắc phục cảnh `sáng tươi, chiều héo`: Kiến nghị từ thực tế
- Công nghiệp chế biến phát triển sẽ quyết định giá thành sản phẩm
- 314 tỷ USD bất ngờ "bốc hơi" khỏi thị TTCK Nhật Bản
- 7 lý do để Vincom Village là KĐT bậc nhất Châu Á
- Giảm phát trở lại trong tháng 5
- Giá vàng lại nới rộng chênh lệch mua - bán
- Hà Nội: Cận Trung thu, nhiều quầy bánh vẫn ế ẩm