Thái Nguyên: Hợp tác xã thích ứng với chuyển đổi số

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình có 74 hợp tác xã (HTX), chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, địa phương đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích các chủ thể HTX tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý, điều hành, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện các Hợp tác xã và tiktoker, streamer bán hàng bằng hình thức livetream trên mạng xã hội tiktok.
Đại diện các Hợp tác xã và tiktoker, streamer bán hàng bằng hình thức livestream trên mạng xã hội tiktok.
Để giúp các HTX thích ứng với CĐS, những năm qua, UBND huyện Phú Bình đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho lãnh đạo và thành viên các HTX về phương pháp tiếp cận, ứng dụng CĐS trong quản lý, điều hành, tiêu thụ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời giới thiệu tham gia các lớp tập huấn do các sở, ngành của tỉnh tổ chức.
Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, phòng chuyên môn của huyện đã phối hợp tổ chức được 120 lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, trong đó có lồng ghép nội dung về CĐS cho gần 7.200 lượt người là đại diện các HTX, chủ cơ sở sản xuất. Cùng với đó, huyện đã phối hợp hướng dẫn các cơ sở sản xuất, HTX có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ thực hiện số hóa quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đăng bán các sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực trên sàn thương mại điện tử...
Ông Bùi Quang Hĩu, Giám đốc HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, ở xã Tân Khánh, cho biết: Sau khi được thành lập năm 2022, chúng tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, CĐS. Ngoài ra, phòng chuyên môn cũng hỗ trợ HTX kết nối với các đơn vị chuyên xây dựng website và số hóa quy trình sản xuất. Nhờ đó, chúng tôi đã từng bước tiếp cận được công nghệ số, nền tảng số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, UBND huyện Phú Bình còn đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, trong đó có hoạt động bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Nổi bật như cuối tháng 11-2023, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức chương trình livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, với sự tham gia của 15 tiktoker, streamer và 20 đại diện HTX. Phiên livestream đã thu hút gần 12 triệu lượt xem, hơn 300 đơn hàng đặt trực tuyến. Thông qua hoạt động này, các chủ thể HTX được làm quen với phương pháp bán hàng trực tuyến.
Thành viên HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, ở xã Tân Khánh (Phú Bình), chụp hình sản phẩm để quảng bá trên nền tảng mạng xã hội.
Thành viên HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, ở xã Tân Khánh (Phú Bình), chụp hình sản phẩm để quảng bá trên nền tảng mạng xã hội.
Với những giải pháp nêu trên, các HTX trên địa bàn huyện đã hiểu được tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của công tác CĐS. Từ nhận thức, nhiều chủ thể HTX đã mạnh dạn tiếp cận, học hỏi và ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong quản lý, điều hành và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, 100% sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn huyện đều đã được số hóa quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; 25 sản phẩm OCOP được đăng bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hầu hết các HTX đã trang bị điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet để quảng bá, bán hàng trên nền tảng số, mạng xã hội và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, một số HTX còn chủ động đầu tư phần mềm quản lý bán hàng, kế toán, xây dựng website... Nhờ CĐS, các HTX dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn, giảm bớt chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Anh Dương Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My, cho biết: Từ cuối năm 2023, HTX đã chính thức ra mắt và phân phối trên thị trường các sản phẩm chế biến sâu từ bò, gà, lợn. Để tiếp cận khách hàng, ngoài hình thức tiếp thị trực tiếp, chúng tôi tập trung giới thiệu sản phẩm trên trang “htxchannuoibongamy.com” và Facebook. Nhờ đó, sản phẩm của HTX đã nhanh chóng được nhiều khách hàng biết đến, đặt mua. Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh thu của HTX đã đạt trên 630 triệu đồng. Không chỉ trong hoạt động tiếp thị sản phẩm, chúng tôi còn mua phần mềm KiotViet để quản lý bán hàng. Từ khi có phần mềm này, việc theo dõi thu chi, kiểm soát hàng hóa xuất bán bảo đảm nhanh chóng, chính xác hơn trước rất nhiều.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, việc triển khai CĐS tại các HTX trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn. Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng của chủ thể, thành viên các HTX về sử dụng các nền tảng số, công nghệ số trong quản lý, điều hành, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời rà soát nhu cầu của các HTX để có cơ chế khuyến khích thúc đẩy CĐS nói chung, kinh tế số nói riêng.
Theo báo Thái Nguyên


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam