Tin NN Tây Nguyên: Gia Lai sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu

Canh tác điều hữu cơ, trồng chuối thu nhập cao, hiệu quả rõ rệt từ trồng sầu riêng xen bơ tại Tây Nguyên là tin được nhiều nông dân quan tâm.

Gia Lai sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu

Gần 1 tháng qua, Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phương Di Ia Grai (làng Klah 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) phối hợp với 2 xã Ia Chía và Ia O, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 133 nông hộ, chuyển đổi quy trình canh tác cây điều, theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu.

Liên kết trồng điều hữu cơ giúp nông dân nâng cao thu nhập Ảnh: S.C

Đây là bước đi cần thiết để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng hạt điều nguyên liệu, hạt điều thương phẩm có xuất xứ từ Ia Grai.  

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, toàn huyện có khoảng 5.755 ha điều, tập trung ở 6 xã phía Tây gồm: Ia O, Ia Chía, Ia Tô, Ia Krai, Ia Khai, Ia Grăng.

Sản lượng hàng năm khoảng 7.000-8.000 tấn, năng suất bình quân 1,4-1,5 tấn/ha. Nếu được chăm sóc tốt, điều có thể đạt năng suất 2-3,5 tấn/ha.

Để gia tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng điều, từ cuối tháng 4 đến nay, HTX Mật ong đã phối hợp cùng chính quyền và 133 nông hộ ở 2 xã Ia Chía, Ia O, liên kết trồng điều hữu cơ trên diện tích gần 370 ha.

Bước đầu, HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ, chuyển đổi quy trình canh tác cây điều theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA) và EU.

Tham gia dự án, anh Ksor Dớ (làng Kuc, xã Ia O) cho biết: “Cây điều rất dễ trồng, không phải đầu tư chăm sóc nhiều, chỉ cần làm cỏ, tỉa cành, bón phân.

Nay được tập huấn kỹ thuật chăm sóc điều theo tiêu chuẩn hữu cơ, tôi cần tuân thủ nghiêm quy trình, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân hóa học.

Tôi thấy quy trình canh tác này không khó lắm, giá bán hạt điều lại cao hơn”. Cũng theo anh Dớ, gia đình anh có 3 ha điều, mỗi năm đem lại nguồn thu vài chục triệu đồng.

Xã Ia O hiện có hơn 1.235 ha điều. Đây là loại cây trồng chủ lực của các hộ đồng bào DTTS.

Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-cho biết: “Cây điều là nguồn thu nhập chính của bà con DTTS số trong xã. Do đó, chính quyền địa phương rất ủng hộ việc chuyển đổi quy trình canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Nếu làm được, bà con sẽ nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất vì có HTX Mật ong Phương Di Ia Grai lo đầu ra. Hiện, xã đã xây dựng được tổ liên kết sản xuất, quản lý chặt chẽ tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hái”.

Ông Nghiệp còn cho biết, với vai trò đầu mối liên kết với HTX Mật ong, xã Ia O đã thành lập tổ liên kết gồm 63 hộ, trồng 170 ha điều.

Các hộ này tham gia làm thành viên HTX, được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, bao tiêu sản phẩm…

Ông Nguyễn Tấn Công-Giám đốc phụ trách kỹ thuật của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai-cho biết: “Tôi đã chia sẻ với bà con nông dân về nguyên tắc cơ bản trong canh tác cây trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Hướng dẫn bà con sử dụng bộ nhật ký nông hộ. Với quyết tâm của HTX và bà con, chắc chắn trong năm nay, sẽ có một diện tích điều hữu cơ được chứng nhận. Những năm tới, vùng điều hữu cơ sẽ được mở rộng”.

Qua khảo sát tại vùng nguyên liệu, trao đổi trực tiếp với nông hộ tham gia dự án thuộc 2 xã Ia Chía và Ia O, ông Công cho rằng, thay đổi thói quen canh tác không phải là quá khó khăn.

Quan trọng nhất là sự định hướng của đơn vị với bà con và chính sách hỗ trợ, động viên của chính quyền. Lâu nay, đồng bào DTTS có thói quen sử dụng thuốc BVTV hóa học trong trồng trọt. Do vậy, việc chuyển sang canh tác điều theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ tránh được những tác hại ô nhiễm môi trường.  

Bà Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Di Ia Grai-thông tin: “Song song với việc hỗ trợ bà con chuyển đổi quy trình sản xuất, chúng tôi đang tìm kiếm, ưu tiên lựa chọn diện tích điều được đồng bào canh tác theo xu hướng thuần tự nhiên để làm  mẫu kiểm tra, gửi Lab nước ngoài kiểm nghiệm.

Nếu diễn tiến thuận lợi, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, HTX sẽ có chứng nhận vườn điều nguyên liệu hữu cơ, cho một số diện tích”.

Cũng theo bà Hoàng Anh, xây dựng chứng nhận sản xuất điều hữu cơ là bước đi cần thiết, để phát huy lợi thế của vùng nguyên liệu điều Ia Grai.

Gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, HTX đã liên kết với đầu mối doanh nghiệp, sẵn sàng bao tiêu khoảng 2.000 tấn điều/vụ, của vùng nguyên liệu xã Ia O và Ia Chía.

Đắk Nông: Thu nhập ổn định nhờ trồng chuối Laba

Trong khi giá cà phê xuống thấp, anh Mai Văn Phúc, ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song), đã mạnh dạn chuyển đổi cây cà phê sang trồng chuối Laba.

Anh Phúc kiểm tra, chằng chống chuôi, vì mỗi buồng nặng 20 – 40 kg.

Đến nay, chuối Laba đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cho gia đình anh Phúc.

Anh đã trồng thí nghiệm để theo dõi, nắm bắt xem chuối thường bị bệnh gì, cách trị bệnh ra sao, xem khá năng của bản thân chủ động được bao nhiêu, để triển khai trồng đại trà.

Sau khi hiểu về cây chuối khá tường tận, năm 2018, anh Phúc mạnh dạn xuống giống 5.000 cây chuối Laba xen trong vườn cà phê. Tiếp đó, năm 2019, anh đầu tư thêm 12.000 cây để mở rộng quy mô sản xuất.

Anh Phúc chia sẻ, chuối Laba có chất lượng giống được bảo đảm, độ đồng đều cao, sạch bệnh, cho thu hoạch đồng loạt, thuận tiện cho việc canh tác bài bản để xuất khẩu.

Trồng chuối tốn ít công chăm sóc, nhưng người trồng phải đặc biệt chú ý khi cây chuối trổ buồng, rất cần tưới nước và bón phân đầy đủ để quả phát triển tốt.

 

Thêm một ưu điểm lớn là, ngoài chi phí mua giống ban đầu, chuối có thể cho thu hoạch liên tục từ 3 - 5 năm mới phải thay giống mới, nên hạn chế được đầu tư.

Sau khi trồng chuối khoảng 6 tháng, có thể tiến hành để chồi cho vụ sau. Theo anh Phúc, nên chọn những chồi con mập, khỏe, đều, cao dưới 1m, mọc cách xa cây mẹ 20 cm, và cùng hàng với cây mẹ, để làm cây giống.

Mỗi bụi chuối chỉ nên để 3 cây và có thời gian sinh trưởng cách nhau từ 3-4 tháng.

Anh Phúc chia sẻ, trồng chuối chú ý nước, vì cây chuối cần độ ẩm tương đối lớn. Ngoài ra, chuối thường bị sâu đục thân, rụt lá và sâu vẽ bùa lên trái.

Các bệnh này chú ý phòng chống bằng cách cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây, bọc quả sớm. Từ 6 - 8 tháng, chuối bắt đầu có buồng. Chuối Laba 1 năm thu hoạch 1 lần, mỗi buồng chuối nặng từ 20 - 40 kg.

Thời gian qua, anh Phúc đã tự đi chào hàng, kết nối đầu ra và hiện nay, đã có các đơn hàng để đưa chuối vào các siêu thị, công ty, điểm bán lẻ tại thị trường Bình Dương.

Hiện, mỗi ngày anh Phúc thu hoạch khoảng 1 tấn chuối, bán cho các thương lái ở Bình Dương. Đợt này, anh Phúc thu hoạch 5.000 cây chuối xuống giống năm 2018, ước đạt khoảng 100 - 120 tấn quả.

Với giá bán hiện nay khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg, anh Phúc dự trù thu về khoảng 500 - 700 triệu đồng trừ chi phí.

Theo tính toán của anh Phúc, 1 ha có thể trồng 2.000 cây chuối Laba, chi phí khoảng 100 triệu đồng, thu hoạch được  200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, các năm tiếp theo thì giảm đầu tư, và thu nhập tang, khi mỗi gốc đẻ từ 3 - 4 cây con, và không tốn tiền giống. Hiện, anh Phúc đang áp dụng quy trình sản xuất chuối theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng nguyên liệu hướng tới xuất khẩu.

Lâm Đồng: Sầu riêng "kết duyên" cùng bơ

Nắm bắt xu hướng để phát triển kinh tế trong việc trồng cà phê, nông dân Nguyễn Văn Tưởng (48 tuổi, thôn Tiền Lâm, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà) đã đầu tư trồng xen cây ăn trái. 

Việc chủ động trồng xen cây ăn trái đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, trên cùng đơn vị diện tích, với mức thu 250 triệu đồng/năm.

Với 3ha cà phê trồng xen sầu riêng, bơ đem lại thu nhập ổn định cho anh Tưởng.

Rời Đông Anh (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Tưởng cùng bố mẹ vào xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà) sinh sống từ năm 1979. Để có tiền trang trải cuộc sống, và lo cho con ăn học, bố mẹ anh vay mượn, mua được ít đất để trồng cà phê. 

Anh kể, quê nghèo nên bố mẹ chuyển vào đây sinh sống. Ở đây đất đai, khí hậu thuận lợi cho những ai đi tha phương cầu thực như gia đình anh.

Ngày ấy cà phê đang là cây phổ biến ở Nam Tây Nguyên, giá thành cao, dễ trồng, nên từ ngày lấy vợ rồi sống tự lập, anh Tưởng vẫn tiếp tục trồng cà phê.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cà phê xuống giá, chi phí phân bón, chăm sóc... cũng không còn lời lãi bao nhiêu, nên anh tính trồng thêm cây gì đó để phù hợp với nhu cầu của người dân.

Ngay sau đó, anh Tưởng tìm đến bạn bè, để nắm thêm kinh nghiệm canh tác. Khi được tư vấn trồng xen, đồng thời, nhận thấy hàng xóm hằng ngày vẫn có nguồn thu từ bơ, sầu riêng, anh Tưởng quyết định trồng xen sầu riêng, bơ. 

Mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để mua giống sầu riêng, bơ 034, bơ Booth, anh Tưởng bắt đầu trồng xen năm 2015.

Song, do chưa nắm được kỹ thuật, nên ngay từ đầu đã thất bại. Anh chia sẻ: “Sầu riêng, bơ là hai cây có giá trị cao, nhưng để chăm sóc được thì cần có thời gian, đặc biệt, sầu riêng là cây khó tính.

Nguyên lí của cây sầu riêng và bơ là phải trồng nổi, nhưng lúc đó tôi lại trồng quá sâu thân cây dưới lòng đất, nên xảy ra hiện tượng sì mủ, dẫn đến cây không phát triển và chết dần”.

Cuối năm 2018, khi đã ổn định, từ kinh nghiệm chăm sóc đến vốn, vợ chồng anh tiếp tục trồng xen. Rút kinh nghiệm, anh Tưởng chi hơn 70 triệu đồng, lắp đặt hệ thống tưới tự động cho 100 cây sầu riêng và 100 cây bơ.

Anh Tưởng cho hay: “Để triển khai mô hình, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi bạn bè. Sau nhiều lần nghiệm ra rằng, sầu riêng, bơ năng suất cao nhưng kháng bệnh yếu, nên thân cây trồng từ đầu phải chọn lọc từ cây bố mẹ khỏe nhất.

Riêng đối với bơ, khi cây lớn chừng 1,2 - 1,5 m thì mới ghép vào được. Còn đối với cà phê, tôi cải tạo, ghép lại hoàn toàn trên thân cây cũ và cắt tỉa cành gọn gang, sao cho khi thu hái chỉ cần vươn một sải tay là có thể hái dễ dàng”.

Anh Tưởng cho biết thêm, việc trồng xen bơ cùng cà phê và sầu riêng có rất nhiều lợi ích: thứ nhất là lợi ở bón phân, khi bón phân cho cà phê thì bơ và sầu riêng cũng ăn được một phần từ lượng phân đó.

Lợi nữa là, bơ đảm nhiệm vai trò là cây che chắn cho cà phê, còn cà phê sẽ giảm mức độ xói mòn của đất, từ đó sầu riêng, cà phê và bơ sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ngoài ra, trồng xen kết hợp với cắt tỉa cành, sẽ mang lại hiệu quả cao, dù diện tích đất ít.

Vườn nhà anh Tưởng có hơn 500 cây sầu riêng, 500 cây bơ Booth, 034. Chủ yếu được đưa về Bảo Lộc, Lâm Hà, Đức Trọng, Đà Lạt tiêu thụ. “Bơ có giá cao hơn sầu riêng, còn cà phê đã khống chế sản lượng, sao cho mỗi năm thu khoảng 3 tấn; thu nhập bình quân từ trồng xen hơn 250 triệu đồng, chưa kể lãi từ cà phê” - anh nói. 

Ông Đào Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh nhận xét, mô hình trồng xen của anh Tưởng đã giúp người dân nơi đây tìm đến học tập.

Hiện, xã cũng đã giới thiệu trồng xen canh các loại cây ăn quả, thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về nông nghiệp để bà con áp dụng.

 Theo An Như (Tổng hợp)/ báo Kinh tế nông thôn


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam