Trà Vinh tăng hơn 4.000 ha diện tích vườn dừa
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, thực hiện Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa và phát triển vùng nguyên liệu dừa chất lượng cao, sau 3 năm nông dân trong tỉnh đã trồng mới hơn 4.000 ha vườn dừa, nâng tổng diện tích hiện có của tỉnh đạt hơn 27.800 ha, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bến Tre).
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đã qui hoạch vùng trồng dừa và đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển diện tích vườn dừa đạt khoảng 30.000 ha. Hiện nay, diện tích vườn dừa cho trái trong tỉnh là hơn 20.500 ha với sản lượng trên 3,9 triệu tấn/năm. Diện tích vườn dừa của tỉnh được trồng ở tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; trong đó, các huyện Tiểu Cần, Càng Long, Cầu Kè, Trà Cú là những địa phương có diện tích cây dừa lớn nhất tỉnh.
Việc phát triển diện tích vườn dừa được ngành nông nghiệp Trà Vinh hỗ trợ khuyến khích nông dân thực hiện phương thức canh tác cây dừa tiên tiến đạt tiêu chuẩn hữu cơ, các tiêu chuẩn châu Âu - UE, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Australia - ACO, Thụy Điển - KRAV, GlobalGAP để thuận lợi liên kết cùng doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa xuất khẩu, nâng cao chuỗi giá trị cây dừa, giúp nông dân trồng dừa tăng thu nhập.
Trong 3 năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến với nhiều doanh nghiệp chuyên về chế biến ngành dừa tham gia liên kết đầu tư mở rộng diện tích và chế biến dừa hữu cơ. Kết quả, toàn tỉnh đã có khoảng 5.100 ha dừa hữu cơ được các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Betrimex Bến Tre, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu, Công ty TNHH Chế biến Nông sản Thuận Phong đã ký kết cùng nông dân xây dựng phát triển gần 2.000 ha dừa hữu cơ.
Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích cây dừa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha/năm và có ít nhất 8.000 ha dừa trồng theo hướng hữu cơ; trong đó, có 6.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Tỉnh phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu dừa phục vụ chế biến, tiêu thụ chuỗi sản phẩm dừa và được các doanh nghiệp cam kết thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%.
Thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.000 ha vườn dừa sáp, với 45.000 cây; trong số này, có trên 37.000 cây đang cho trái. Trái dừa sáp hiện được Công ty TNHH Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) chế biến với hơn 40 sản phẩm. Trong số các sản phẩm chế biến từ dừa sáp có 8 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt thứ hạng 4 và 5 năm sao cấp quốc gia đã được bán rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tin liên quan
- Thái Nguyên: Gà đồi Phú Bình vào vụ Tết
- Đẩy mạnh liên kết chăn nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh
- Nông dân bán hàng vào siêu thị được miễn chiết khấu, bao tiêu sản phẩm
- Phát triển chuỗi rau, khắc phục cảnh `sáng tươi, chiều héo`: Kiến nghị từ thực tế
- Công nghiệp chế biến phát triển sẽ quyết định giá thành sản phẩm
- 314 tỷ USD bất ngờ "bốc hơi" khỏi thị TTCK Nhật Bản
- 7 lý do để Vincom Village là KĐT bậc nhất Châu Á
- Giảm phát trở lại trong tháng 5
- Giá vàng lại nới rộng chênh lệch mua - bán
- Hà Nội: Cận Trung thu, nhiều quầy bánh vẫn ế ẩm