Tuyên Quang: “Đòn bẩy” cho nông dân
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình sản xuất ốc nhồi ống lam Chiến Thắng, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang). Đến nay, Quỹ HTND tỉnh đang quản lý hiệu quả số tiền trên 40 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2024 đã thực hiện giải ngân gần 4 tỷ đồng cho 90 hộ vay thực hiện 9 dự án, nâng tổng số dư nợ đến nay gần 39 tỷ đồng cho trên 950 hộ vay thực hiện 127 dự án. Các cấp hội ưu tiên cho vay nguồn tín dụng này theo nhóm hộ liên kết sản xuất, mô hình mới, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa... Các dự án trước khi giải ngân vốn đều được thẩm định kỹ lưỡng từ cơ sở, đảm bảo tính khả thi, đúng đối tượng và đúng mục đích. Lãnh đạo Hội Nông dân cấp xã là chủ dự án nên gắn rõ trách nhiệm trong quản lý, giám sát hội viên sử dụng đúng mục đích, tạo sự liên kết giữa các hộ vay. Trong quá trình triển khai vay vốn, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nhận vay vốn cùng nhau liên kết để sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ đó đã có nhiều dự án tiêu biểu như: Trồng rau an toàn ở phường Ỷ La (TP Tuyên Quang); nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang ở xã Khuôn Hà, Thượng Lâm (Lâm Bình); chăn nuôi gà giống, dê xã Lang Quán, trồng bưởi xã Xuân Vân (Yên Sơn); Chăn nuôi hươu (thành phố Tuyên Quang)… Được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND huyện, gia đình bà Bàn Thị Sâm, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã có thêm vốn mua phân bón, máy móc làm cỏ vườn bưởi. Bà Sâm cho biết, hiện, gia đình bà có trên 1.200 cây bưởi, bình quân mỗi năm thu trên 7 vạn quả. Trước đây, việc làm cỏ vườn bưởi chủ yếu bằng tay, rất vất vả, tốn nhân lực, nhưng từ ngày gia đình bà được vay nguồn quỹ, bà đã mua máy cắt cỏ, việc làm cỏ cũng nhanh hơn, đỡ vất vả hơn, đặc biệt hiệu suất cao hơn. Ngoài trồng bưởi, gia đình bà còn trồng na, hồng nhân hậu... Ước tính, tổng doanh thu của gia đình đạt trên 650 triệu đồng/năm. Anh Lý Xuân Quyết (trái), tổ dân phố Đồng Lương, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND phát triển mô hình chăn nuôi gà giống. Cùng với bà Sâm, anh Quan Văn Tiệp, phường Tân Hà (Thành phố Tuyên Quang) cũng được vay nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh để phát triển nghề chăn nuôi hươu. Anh Tiệp cho biết: Đầu tư chăn nuôi hươu cần vốn lớn, chính vì vậy khi được vay nguồn vốn từ Quỹ, gia đình tôi rất phấn khởi. Mọi thủ tục, hồ sơ đều được cán bộ Hội hướng dẫn rất tận tình, chu đáo; quá trình thẩm định, giải ngân nguồn vốn nhanh chóng. Với 90 triệu đồng được vay gia đình tôi đã mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống… Đến nay gia đình cũng có thu nhập khá từ bán hươu giống, hươu thịt. Để cùng lan tỏa nghề chăn nuôi và làm giàu từ nuôi hươu trên địa bàn, anh Tiệp còn hỗ trợ 4 hộ gia đình khác lập dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND tỉnh. Tiếp đó anh Tiệp cùng các hộ gia đình đã thành lập Hợp tác xã Hươu sao Tuyên Quang. HTX đã tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ hươu. Quỹ HTND là một kênh dẫn vốn quan trọng, nhanh chóng, thuận lợi, giúp nông dân có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng cho hội viên nông dân, thu hút tập hợp nông dân vào tổ chức Hội. Ngoài mang lại nguồn vốn kịp thời để giúp các hộ phát triển kinh tế hiệu quả, nguồn vốn đã tạo động lực quan trọng giúp nông dân xây dựng các chi/tổ hội nông dân nghề nghiệp thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng công tác giảm nghèo tại địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề và hỗ trợ tiêu thụ nông sản... Đồng thời, chủ động và tích cực tham mưu với chính quyền trích ngân sách bổ sung cho Quỹ HTND; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nguồn ngoài ngân sách; phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế, giúp cải thiện, nâng cao đời sống hội viên nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa phương.
Tin liên quan
- Thái Nguyên: Gà đồi Phú Bình vào vụ Tết
- Đẩy mạnh liên kết chăn nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh
- Nông dân bán hàng vào siêu thị được miễn chiết khấu, bao tiêu sản phẩm
- Phát triển chuỗi rau, khắc phục cảnh `sáng tươi, chiều héo`: Kiến nghị từ thực tế
- Công nghiệp chế biến phát triển sẽ quyết định giá thành sản phẩm
- 314 tỷ USD bất ngờ "bốc hơi" khỏi thị TTCK Nhật Bản
- 7 lý do để Vincom Village là KĐT bậc nhất Châu Á
- Giảm phát trở lại trong tháng 5
- Giá vàng lại nới rộng chênh lệch mua - bán
- Hà Nội: Cận Trung thu, nhiều quầy bánh vẫn ế ẩm