Hướng tới Đại hội Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiệm kỳ 2020- 2025:

Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định vai trò phát triển kinh tế tập thể

Theo báo cáo định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030 của UBND tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, kinh tế tập thể phấn đấu đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu này, định hướng xây dựng phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp trọng tâm.


Từng bước ổn định

Hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 470 tổ hợp tác (tăng 70 tổ hợp tác so với năm 2011), trong đó có 380 tổ hợp tác về lĩnh vực nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, còn lại là tổ hợp tác thuộc các lĩnh vực khác, với khoảng 3.080 thành viên và khoảng 12.600 lao động. Hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp và khai thác thủy sản. Năm 2020, ước doanh thu bình quân của một tổ hợp tác khoảng 600 triệu đồng/năm,với lãi bình quân khoảng 60 triệu đồng /năm.

Dự kiến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 140 hợp tác xã (tăng 75 HTX so với năm 2011). Vốn hoạt động là 900 triệu đồng (tăng 571 triệu đồng so với năm 2011); tổng số thành viên là 13.000 thành viên (tăng 1.564 thành viên so với năm 2011), trong đó có khoảng 11.136 thành viên cá nhân, 344 thành viên là đại diện hộ gia đình, 7 thành viên là pháp nhân. Số lượng thành viên mới tham gia vào hợp tác xã giai đoạn 2011-2020 khoảng 6.953 thành viên, số lao động làm việc trong khu vực HTX tại thời điểm 31/12/2020 khoảng 5.800 lao động (tăng 2.211 người so với thời điểm 31/12/2011). Năm 2020, doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 1.700 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 01 hợp tác xã đạt 170 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động trong hợp tác xã là 66 triệu đồng/năm (tăng 34 triệu đồng so với năm 2011).

Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Hợp tác xã, trong những năm qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung chỉ đạo, triển khai tích cực các nội dung hỗ trợ trong Chương trình hỗ trợ hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã chủ động ban hành Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện trong tỉnh. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và Ban Chỉ đạo về kinh tế tập thể các cấp được thành lập, kiện toàn thường xuyên; Công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ quản lý hợp tác xã được thực hiện; các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tư vấn thành lập mới, chuyển đổi hợp tác xã theo Luật hợp tác xã 2012, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các hợp tác xã được các sở, ban, ngành địa phương quan tâm thực hiện. Thông qua các chính sách hỗ trợ, góp phần thúc đẩy hợp tác xã hoạt động ổn định và hiệu quả hơn; công tác tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã chuyển đổi tổ chức lại hoạt động và công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm thường xuyên giúp các hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, các hợp tác xã được tổ chức lại hoạt động thực chất hơn, chất lượng dịch vụ, sản phẩm của mỗi hợp tác xã dần được nâng cao; số lượng hợp tác xã được thành lập mới đa dạng trong các ngành, lĩnh vực, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên; các hợp tác xã đã áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đã tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; một số hợp tác xã xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất; thực hiện việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Xây dựng phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao

Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030, nhiệm vụ cụ thể UBND tỉnh đặt ra cho lĩnh vực kinh tế tập thể trong 10 năm tới là tập trung phát triển HTX đa dạng về lĩnh vực, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trên mọi vùng lãnh thổ; các hình thức mở rộng quy mô thành viên; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên.... Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể về phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Tỉnh ủy BR - VT) về phát triển nông nghiệp mà nòng cốt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đây là cách để tỉnh từng bước trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Trong Đề án 04-ĐA/TU của Tỉnh ủy cũng chỉ rõ, tổng diện tích dự kiến quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng 5.100 ha để kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung ở 3 huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ và Thị xã Phú Mỹ.  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch hành động của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án này. Các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Đề án 04, chủ yếu tập trung các lĩnh vực trồng trọt như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel kết hợp bón phân. Mặt khác, một số doanh nghiệp còn áp dụng công nghệ thủy canh, công nghệ Aquaponics, công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ từ xa, công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR…. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân và cả các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, với quỹ đất và cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp hiện nay, với thực tế triển khai các nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên chú trọng phát triển các dự án cho hiệu quả kinh tế cao, hơn là chạy theo các giải pháp công nghệ cao, bởi như chính Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh từng phát biểu: Cốt lõi của vấn đề là nâng cao thu nhập cho người nông dân, dẫn dắt cộng đồng nông dân ở các vùng nông nghiệp công nghệ cao cùng thành công mới là mục tiêu quan trọng nhất. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mô hình liên kết này không chỉ phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững, mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, đây sẽ tiếp tục là hướng phát triển trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của lĩnh vực kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.

Mục tiêu đến năm 2030
Phát triển khoảng 85 tổ hợp tác có đăng ký thành lập theo quy định; mỗi năm thành lập mới 10-15 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2030 là 274 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổng số thành viên 20.280 người và 9.900 lao động. Phấn đấu đến cuối năm 2030, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã đạt khoảng 2.769 triệu đồng/năm, lợi nhuận hợp tác xã đạt 332 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động khoảng 85 triệu đồng/người/năm trong lĩnh vực nông nghiệp và116 triệu đồng/người/năm trong hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2030 có tối thiểu 80% số lượng hợp tác xã nông nghiệp có hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam