Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai
Nghị quyết của Trung ương nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (ảnh Như Ý)
Chiều 21/7, trình bày báo cáo chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới", tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã khái quát lại những kết quả đã đạt được trong khu vực kinh tế tập thể thời gian qua.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số hạn chế, như tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm; năng lực còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao…
Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên…, ông Khái cho biết, Nghị quyết đề ra nhiều giải pháp, trong đó khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể, nhà nước hỗ trợ trả lương cho cán bộ quản lý và khoa học được đào tạo tại các trường đại học có chuyên ngành phù hợp.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.
Hoàn thiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, trong đó bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể thuê. Ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế tập thể chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất, bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả.
Về chính sách tài chính, Nghị quyết yêu cầu nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức kinh tế tập thể. Hỗ trợ phí kiểm toán, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với các tổ chức kinh tế tập thể.
Các tổ chức kinh tế tập thể được vay vốn như các tổ chức kinh tế khác; được hỗ trợ để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, các tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Nhằm đa dạng hóa các mô hình hoạt động của kinh tế tập thể, ông Khái cho biết, Trung ương cho phép nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực. Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước.
Tin liên quan
- Trung ương đề ra 8 chính sách trong đổi mới kinh tế tập thể
- Nghị quyết 20: Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
- Chính sách kinh tế tập thể tốt phải kèm với thực thi hiệu quả
- Sửa đổi, bổ sung chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp với thực tiễn
- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Khắc phục cho được quan niệm hợp tác xã là yếu kém
- Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai
- Nhiều chính sách mới hỗ trợ cho hợp tác xã trong nông nghiệp
- Tạo môi trường thuận lợi để mục tiêu phát triển kinh tế tập thể thành hiện thực
- Phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới: Năng động, hiệu quả, bền vững