Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Tiếp tục Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chiều 21-7, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã truyền đạt chuyên đề Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới”.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày nội dung Nghị quyết 20-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Ảnh TTXVN

Từ những hạn chế, khó khăn của KTTT giai đoạn vừa qua, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết mới là yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn, tạo nguồn lực phấn đấu đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Phó thủ tướng cho hay, Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển KTTT là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Nghị quyết số 20 nêu rõ, KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt, đồng thời đặt ra yêu cầu tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn.

Để tiếp tục phát triển KTTT trong giai đoạn mới, Nghị quyết đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Phó thủ tướng cho rằng đây là nội dung rất khó trong quá trình thực hiện, nhất là trong việc xử lý các vướng mắc, tồn đọng, đồng thời nâng cao năng lực nội tại của hợp tác xã phù hợp yêu cầu mới. Kiên quyết xử lý dứt điểm các hợp tác xã yếu kém, đổi mới hình thức hoạt động của khu vực KTTT.

Một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (ảnh chụp màn hình)

Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT bao gồm chính sách phát triển nguồn nhân lực; đất đai, tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... theo Phó thủ tướng, Nghị quyết chỉ rõ cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức KTTT tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn.

Từ thực tiễn thời gian qua, Trung ương cho phép nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình Liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực. Cùng với đó là tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước.

Văn Gia/ CTV Báo Đồng Nai


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam