Nghị quyết 20: Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 20 Hội nghị TW 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Hình ảnh tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Ảnh: VGP
Sau đây là những nội dung quan trọng liên quan đến quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết 20:
Về quan điểm chỉ đạo
Nghị quyết 20 khẳng định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
- Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước.
- Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn.
- Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp.
Về mục tiêu
- Đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Đến năm 2045, bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết; phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu.
Về nhiệm vụ, giải pháp
Để thực hiện các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu nêu trên, Nghị quyết 20 đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong đó cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
- Nhà nước không can thiệp trực tiếp, mà chỉ quản lý hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể thông qua pháp luật và chính sách.
- Đóng góp về mặt kinh tế của kinh tế tập thể là tỉ trọng đóng góp vào GDP, là hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của tổ chức, thu nhập của thành viên.
- Đóng góp về mặt xã hội của kinh tế tập thể là số lượng thành viên, số lượng việc làm, đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua, hoạt động nhân đạo từ thiện.
- Phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; là cơ sở để "hợp tác" trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Nghị quyết 20 cũng đưa ra giải pháp để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, cần ưu tiên những chính sách như:
- Đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, Đảng viên. - Khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Các tổ chức kinh tế tập thể được vay vốn như các tổ chức kinh tế khác;
- Nâng cao và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, Nghị quyết 20 cũng đưa ra giải pháp như:
- Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của kinh tế tập thể gồm: Nợ tồn đọng kéo dài trong hợp tác xã.
- Rà soát, sắp xếp lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước ưu tiên hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả.
Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới cũng đã nêu rõ: Khẩn trương sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quy định pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam
Tin liên quan
- Trung ương đề ra 8 chính sách trong đổi mới kinh tế tập thể
- Nghị quyết 20: Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
- Chính sách kinh tế tập thể tốt phải kèm với thực thi hiệu quả
- Sửa đổi, bổ sung chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp với thực tiễn
- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Khắc phục cho được quan niệm hợp tác xã là yếu kém
- Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai
- Nhiều chính sách mới hỗ trợ cho hợp tác xã trong nông nghiệp
- Tạo môi trường thuận lợi để mục tiêu phát triển kinh tế tập thể thành hiện thực
- Phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới: Năng động, hiệu quả, bền vững