Hà Giang:

Phát triển kinh tế tập thể trong trạng thái bình thường mới

Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid – 19, thời gian qua, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và có các phương án đối phó với tình hình dịch bệnh, duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

HTX Nông nghiệp và Thương mại Ngài Thầu, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ đậu tương.
HTX Nông nghiệp và Thương mại Ngài Thầu, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ đậu tương.

HTX Nông nghiệp và Thương mại Ngài Thầu, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) được thành lập từ năm 2017 với 18 thành viên. Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính là cung ứng giống cây ăn quả và thu mua, chế biến đậu tương. Mặc dù 2 năm trở lại đây chịu sự tác động của dịch bệnh Covid – 19, HTX vẫn nỗ lực hoạt động, duy trì sinh kế cho các thành viên, người lao động. Anh Lù Văn Tiến, Giám đốc HTX cho biết: Ban giám đốc HTX đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo thu mua đậu tương với giá cả ổn định cho người dân. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất để chế biến sâu các sản phẩm từ đậu tương như: Bột mầm đậu nành, bột ngũ cốc, đậu phộng, đậu tương khô… Đồng thời liên kết với các cơ sở tiêu thụ để xuất bán cho các thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó, không chỉ đảm bảo thu nhập cho các thành viên mà còn góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm đậu tương của người dân.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 736 HTX, vốn điều lệ của các HTX là 1.018,65 tỷ đồng, số vốn điều lệ bình quân 1,442 tỷ đồng. Trong đó có 428 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; 70 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 93 HTX xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng; 90 HTX thương mại, dịch vụ; 36 HTX vận tải; 10 quỹ tín dụng nhân dân; 9 HTX hoạt động trong các lĩnh vực khác. Toàn tỉnh hiện có 1.445 tổ hợp tác được thành lập và hoạt động theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, cung ứng các dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho thành viên.

Năm 2021, có 47 HTX thành lập mới, 12 HTX giải thể. Theo đại diện một số HTX, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết các HTX đều giảm về sản lượng và giá bán sản phẩm; gặp nhiều khó khăn trong giao dịch, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, vận tải cũng gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị giảm sút nghiêm trọng. Vận tải hành khách theo tuyến cố định chỉ hoạt động chưa đến 50% năng lực trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6.2021, sang tháng 7.2021 vận tải hành khách liên tỉnh dừng 100%, vận tải hành khách bằng xe taxi chỉ hoạt động bằng 20% năng lực; hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng gần như không hoạt động.

Đại diện Liên minh HTX tỉnh cho biết: Trước tác động của đại dịch Covid – 19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, tổ hợp tác, Liên minh HTX tỉnh đã định hướng cho các tổ hợp tác, HTX tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu trong đời sống xã hội để thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ. Hiện nay, phần lớn các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã chuyển sang sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Các HTX lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng tập trung huy động vốn, đổi mới trang thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; chú trọng đa dạng hóa và cải tiến mẫu mã sản phẩm, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Chế biến nông, lâm sản, cơ khí, sản xuất nông cụ; chế biến chè, dược liệu, tinh bột nghệ, rượu ngô men lá... Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã tăng cường hoạt động hỗ trợ vốn vay cho các HTX, tổ hợp tác. Trong năm 2021 đã giải ngân cho vay đối với 6 HTX, tổng số vốn là 1.755 triệu đồng.

Trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19, một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được duy trì, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho thành viên và người dân địa phương. Điển hình như HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc) thực hiện liên kết với trên 100 hộ dân phát triển 2.200 đàn ong mật. Sản lượng đạt 15.000 lít mật ong Bạc hà/năm, giá trị đạt 6.500 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 5 triệu đồng/tháng. Hay HTX trồng rau an toàn Tân Đức (Vị Xuyên) tập trung mở rộng mô hình nhà lưới với diện tích 12.000 m2 trồng các loại rau, quả chất lượng cao, đầu tư hệ thống trồng rau thủy canh, canh tác các loại rau trái vụ; doanh thu hàng năm đạt trên 1.200 triệu đồng.

Với phương châm đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp, HTX tháo gỡ khó khăn, khôi phục, duy trì sản xuất trong điều kiện bình thường mới, UBND tỉnh và các sở, ngành đang tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng KHKT và công nghệ mới; hỗ trợ chế biến sản phẩm… Cùng với đó, phát huy vai trò của Liên minh HTX trong việc tư vấn thành lập HTX, tổ hợp tác; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp luật cho HTX và các thành viên. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX, đóng góp thiết thực vào phát triển KT-XH của địa phương.

Bài, ảnh: YÊN HOA/ CTV báo Hà Giang


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam