Sơn La: Cùng nông dân nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản
Kết nối tri thức khoa học với thực tiễn sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai đa dạng các mô hình trồng trọt, giúp nông dân thay đổi tư duy và phương pháp canh tác, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ mô hình thâm canh dứa an toàn tại bản Lốm Lầu, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai.
Bằng nguồn ngân sách Trung ương và của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai 47 loại mô hình khuyến nông về trồng trọt cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả và khuyến lâm, với trên 26.000 hộ tham gia. Tiêu biểu, như mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau theo hướng an toàn, rau trái vụ; ghép cải tạo vườn cây ăn quả, trồng thâm canh nhãn chín muộn, ghép cải tạo nhãn chín sớm để rải vụ; trồng thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; chuỗi giá trị chuối Yên Châu; trồng và thâm canh cải tạo quýt Chiềng Cọ; các mô hình lâm nông kết hợp trên đất dốc; trồng thâm canh cây mắc ca, cây giổi xanh, keo tai tượng...
“Xây dựng và phát triển mô hình nhãn ánh vàng 205 theo tiêu chuẩn VietGAP” là một trong những mô hình tiêu biểu được Trung tâm Khuyến nông quốc gia và tỉnh Sơn La hợp tác triển khai giai đoạn 2023-2025. Đến nay, mô hình đã cung cấp cây giống, hỗ trợ trồng mới 3 ha và cung cấp mắt ghép cải tạo 4 ha bằng giống nhãn ánh vàng, xây dựng các vườn đầu dòng tại các huyện Mai Sơn, Sông Mã và thành phố Sơn La.
Ông Phạm Ánh Hồng, tiểu khu 17, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Năm 2023, được sự hỗ trợ của dự án, gia đình đã ghép cải tạo 1,3 ha vườn nhãn miền bằng giống nhãn ánh vàng 205. Với sự đồng hành của cán bộ khuyến nông trong việc hướng dẫn kỹ thuật, giúp vườn nhãn của gia đình phát triển tốt, tỷ lệ sống của mắt ghép đạt trên 90%.
Trong khuôn khổ dự án Trung ương giai đoạn 2022-2024 “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 5 mô hình hỗ trợ trồng thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm 20 ha xoài, 5 ha chanh leo và 20 ha dứa, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, HTX Dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã, đã thực hiện thành công mô hình thâm canh xoài an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Năm nay, mặc dù thời tiết bất lợi, hạn hán đúng thời điểm xoài ra hoa, đậu quả nhưng nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và sử dụng túi bọc quả, 10 ha xoài của HTX vẫn đạt năng suất 20 tấn/ha và được cấp chứng nhận VietGAP. Không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mang lại doanh thu khoảng 1,4 tỷ đồng.
Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đánh giá: Các mô hình khuyến nông tập trung vào việc chuyển giao những kỹ thuật canh tác tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa phương. Bên cạnh đó, sự kết hợp hiệu quả giữa mô hình trình diễn và tập huấn, giúp nâng cao nhận thức và thay đổi tích cực tư duy, tập quán canh tác của nông dân, từ đó thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Các mô hình khuyến nông còn lan tỏa, phát triển thành các khu chuyên canh sản xuất tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và sản xuất hữu cơ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng và uy tín của nông sản địa phương. Đến nay, toàn tỉnh trồng trên 84.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra; có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hơn 2.700 ha cây trồng đạt các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt; hơn 8.200 ha sản xuất theo hướng hữu cơ; 280 chuỗi chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu và 151 sản phẩm OCOP...
Dựa trên nhu cầu thực tiễn ở địa phương, phát huy lợi thế từng vùng, từng vụ, phù hợp với định hướng phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, Khuyến nông Sơn La đã và đang tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông hiệu quả, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phan Trang/ Theo báo Sơn La
Tin liên quan
- HTX nuôi ong Ân Phú (Hà Tĩnh) phát triển theo chuỗi giúp thành viên ổn định cuộc sống
- Đồng Tháp: Bước khởi sắc từ phát triển KTTTT, HTX
- HTX thúc đẩy làng nghề phát triển
- Nhiều làng nghề nổi tiếng xứ Huế tất bật những ngày giáp Tết
- HTX rau củ quả Hồng Thái: Làm nông thời công nghệ
- Sơn La biểu dương 955 hộ gia đình, HTX, DN tiêu biểu lĩnh vực nông nghiệp
- Thái Nguyên: Phổ biến thông tin, kiến thức về Hiệp định EVFTA
- Đông Triều: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX
- Tiếp sức sáng tạo cho ngành nông nghiệp
- Cầu nối đưa nông sản Việt hội nhập quốc tế