Tăng cơ hội cho tiêu thụ nông sản

Dịch Covid-19 bùng phát khiến xuất khẩu nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương Hà Nội đã liên tục tổ chức nhiều Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, người sản xuất cần chú trọng xây dựng thương hiệu, nắm rõ tình hình cung - cầu, từ đó chủ động sản xuất, kinh doanh.
Một gian hàng trưng bày sản phẩm trong Tuần lễ hàng trái cây, nông sản các tỉnh tại Hà Nội 2020.
Ảnh: Lê Nam
Người tiêu dùng thêm cơ hội tiếp cận đặc sản vùng miền

Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội 2020 (diễn ra từ 20 - 22/11) tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ với quy mô 80 gian hàng đã thu hút nhiều DN của 15 tỉnh, thành tham gia như: Sơn La, Hải Dương, Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Ngãi...

Chọn mua các sản phẩm đặc sản Tây Bắc, chị Nguyễn Thị Liên ở 53 đường Hồng Hà chia sẻ: Tuần hàng diễn ra vào những ngày cuối tuần tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm nên chị có cơ hội mua các loại nông sản như măng khô, khoai sọ mán, rau cải mèo... Hà Giang, Sơn La chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Thực tế cho thấy, việc tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội 2020 đã giúp người tiêu dùng chọn được những sản phẩm nông sản, đặc sản của nhiều vùng miền, sản phẩm thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp.

Nhiều DN tham dự sự kiện đánh giá: Tuần hàng đã giúp DN, HTX kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tới người tiêu dùng Thủ đô. Đại diện HTX Nông nghiệp Mường Bú (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) Nguyễn Thị Toán chia sẻ: Tuần hàng không chỉ giúp HTX Mường Bú tiêu thụ sản phẩm mà còn kết nối với hệ thống siêu thị, tìm được đầu ra ổn định cho hàng nông sản. “Sau nhiều lần tham gia Tuần hàng nông sản, chúng tôi đã kết nối được với DN bán lẻ lớn như Big C, Vinmart tiêu thụ sản phẩm của HTX” - bà Toán chia sẻ. Trong khi đó, Trưởng phòng kinh doanh - Công ty Xuất nhập khẩu và Phát triển công nghệ Nhật Bản Nguyễn Thị Trang nêu rõ: Tuần hàng giúp DN quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng nông sản qua chế biến như tỏi đen, hà thu ô đỏ, trà tỏi đen Kochi sản xuất theo công nghệ Nhật Bản.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Cuối năm cũng là thời điểm có nhiều sản phẩm nông sản, trái cây của nhiều tỉnh, thành vào vụ thu hoạch. Nguồn cung tăng, trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế thị trường nội địa đang là “điểm tựa” tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cân đối cung - cầu cho thị trường Hà Nội.

Cần chú trọng xây dựng thương hiệu

Theo các chuyên gia bán lẻ, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa chất lượng cao, nhiều tỉnh đã quan tâm đến việc sản xuất hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global… Tuy nhiên, hoạt động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của nhiều DN, HTX chưa tương xứng với giá trị của sản phẩm.

Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC) Đặng Đức Thành: Nguyên nhân khiến việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam gặp khó khăn do chất lượng không đồng đều, ổn định. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường gây ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị thương hiệu của sản phẩm. Quan trọng nhất là DN chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ, manh mún từ trong cách làm thương hiệu, cách quản lý, sản xuất những mặt hàng nông sản. “Cái thiếu của Việt Nam hiện nay là thương hiệu và xuất khẩu thô quá nhiều. Điều đó làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản, gây thiệt hại cho nền kinh tế”- ông Thành phân tích.

Để thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản Việt, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ cho các thương hiệu của đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP phát triển thông qua việc tổ chức quảng bá, hội chợ, triển lãm... Về phía Hà Nội, TP cũng đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND triển khai mô hình chỉ đạo điểm chương trình OCOP TP Hà Nội 2020. Tại kế hoạch này, TP đã đưa ra các nội dung triển khai cụ thể như: Tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa từng vùng miền tại các tuyến phố đi bộ; xây dựng thực hiện thí điểm một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP... qua đó hỗ trợ ngành nông nghiệp Thủ đô xây dựng thương hiệu nông sản.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, địa phương còn đòi hỏi chính bản thân DN phải thay đổi nhận thức theo hướng đặt chất lượng lên hàng đầu, đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng các phương thức khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh liên kết với DN bán lẻ để mở rộng kênh phân phối… đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Để tiêu thụ nông sản một cách bền vững bên cạnh việc nâng cao chất lượng, DN và người sản xuất cần quan tâm đến mẫu mã, bao bì, giá cả... Đặc biệt, cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Khi thương hiệu được người tiêu dùng chấp nhận, sản phẩm sẽ đứng vững trên thị trường.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Link bài gốc: http://kinhtedothi.vn/tang-co-hoi-cho-tieu-thu-nong-san-402491.html

Báo Kinh tế đô thị 


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam