Thúc đẩy vai trò lãnh đạo trong quản trị công
Chiều 18/3, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp với Đại sứ quán 4 nước Bắc Âu (Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy) tổ chức Toạ đàm thường niên lần thứ 8 chia sẻ kinh nghiệm phát triển với chủ đề “Lãnh đạo và quản trị công hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Kinh nghiệm Bắc Âu và Việt Nam”. Về phía Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, có đồng chí Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tham dự Tọa đàm.
Đồng chí Dương Trung Ý, PGS.TS, Phó Giám đốc Học viện; Ngài Johan Ndisi, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam; Ngài Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam; Bà Hile Solbakken, Đại sứ Nauy tại Việt Nam; Ngài Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đồng chủ trì buổi gặp mặt. Chương trình nhằm góp phần chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn về hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, tăng trưởng bứt phá về kinh tế và phát triển nhanh, bền vững xã hội.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Sự phát triển của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số đã và đang tạo ra những thay đổi sâu rộng về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lãnh đạo và quản trị công trở thành là nhân tố then chốt, quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.
Các quốc gia Bắc Âu, bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan là những quốc gia có nền kinh tế thị trường xã hội phát triển, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, bình đẳng và an sinh xã hội luôn được bảo đảm và luôn đứng trong Top 10 quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Các nước Bắc Âu đã trở thành hình mẫu về quản trị công minh bạch, hiệu quả và bền vững. Kinh nghiệm lãnh đạo và quản trị quốc gia chú trọng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hiệu quả nhằm phát triển bền vững xã hội của mô hình Bắc Âu rất hữu ích đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PGS.TS. Phó Giám đốc Học viện Dương Trung Ý đã nhấn mạnh rằng: "Kinh nghiệm lãnh đạo và quản trị quốc gia chú trọng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và quản trị hiệu quả nhằm phát triển bền vững xã hội của mô hình Bắc Âu là rất hữu ích đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Thụy Điển, với mô hình phi tập trung, cho thấy sức mạnh của sự tham gia và hợp tác liên ngành. Đại sứ Johan Ndisi chia sẻ, "Quản trị hiệu quả nhất khi mang tính bao trùm, đổi mới và lấy người dân làm trung tâm." Đây không chỉ là lời nói, mà là cam kết hành động, là sự thấu hiểu sâu sắc về vai trò của người dân trong tiến trình phát triển.
Ngài Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt nam, đã chứng minh rằng chuyển đổi số không chỉ là công cụ, mà là phương tiện để xây dựng lòng tin và sự tham gia của công dân. Đại sứ nhấn mạnh, "Quản trị hiệu quả phải dựa trên khả năng thích ứng, đổi mới và xây dựng niềm tin."
Phần Lan là quốc gia tiên phong trong phân cấp quản lý và thúc đẩy đổi mới sáng tạo với sự tiên phong trong phân cấp quản lý, đã tạo ra một hệ thống quản trị linh hoạt và lấy người dân làm trung tâm. Đại sứ Keijo Norvanto khẳng định, "Hành chính công chính là nền tảng của xã hội."
Na Uy tập trung vào việc cân bằng giữa chính quyền trung ương và địa phương, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người dân để xây dựng một hệ thống quản trị toàn diện và linh hoạt hơn. "Quản trị tốt được xây dựng trên niềm tin, sự minh bạch và sự tham gia của công dân," Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Linh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham dự Tọa đàm
(vị trí thứ 3 từ trái sang)
Chương trình “Lãnh đạo và quản trị công hiệu quả, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Kinh nghiệm Bắc Âu và Việt Nam” đã khép lại thành công, mở ra một diễn đàn hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và các quốc gia Bắc Âu. Những kinh nghiệm quý báu được chia sẻ trong suốt chương trình là cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị công, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Với sự quyết tâm và nỗ lực chung, Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính công hiện đại, minh bạch và phát triển hơn nữa.
Ban Tuyên truyền
Tin liên quan
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo chủ trì hội nghị giao ban đánh giá công tác 4 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5
- Bắc Giang: Nâng lợi nhuận, thuận đầu ra
- VCA: Hội thảo về phát triển HTX theo Luật HTX năm 2012
- VCA hỗ trợ HTX diêm nghiệp Doanh Điền ở miền đất cực Nam phát triển theo chuỗi giá trị
- Hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Liên minh HTX Việt Nam
- [ẢNH]: Lễ ký chương trình phối hợp giữa MTTQ với các đoàn thể, hiệp hội
- Không khí Tết sớm của người Mông ở Pà Cò
- VCA ủng hộ đồng bào lũ lụt
- Đại hội V Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2017-2022
- Chủ tịch công tác Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa