Vĩnh Lộc phát triển ngành nghề nông thôn

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi, những năm qua, huyện Vĩnh Lộc đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn, trong đó chú trọng các nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, tạo việc làm cho người lao động.
Sản xuất đá thủ công mỹ nghệ tại xã Minh Tân.

Sản xuất đá thủ công mỹ nghệ tại xã Minh Tân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có 2 cụm công nghiệp (CCN) đã được quy hoạch là CCN Vĩnh Minh, xã Minh Tân, quy mô 30 ha và CCN Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hòa, quy mô 35 ha. Tính đến thời điểm này, tổng diện tích đất cho thuê và lấp đầy CCN trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc là 24,884 ha (đạt 54,69%); trong đó, CCN Vĩnh Minh đạt 49,64%, CCN Vĩnh Hòa trên 59%. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp chế tác đá ở CCN Vĩnh Minh đã không ngừng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm của các cơ sở chủ yếu tiêu thụ ở các địa phương trong nước, phục vụ việc xây dựng các công trình miếu, đình, chùa. Anh Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Phát Huy Hùng, CCN Vĩnh Minh, cho biết: Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ mặt hàng đá xẻ xuất khẩu cũng khá thuận lợi. Vào thời điểm cuối năm này, các đơn hàng khá dồi dào và công ty phải huy động thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu của đối tác.

Theo thống kê của xã Minh Tân, tại CCN Vĩnh Minh đang có hàng trăm cơ sở sản xuất đá ốp lát và chế tác đá mỹ nghệ; trong đó, có 28 doanh nghiệp, 2 HTX và 109 cơ sở sản xuất. Trung bình hàng năm thu hút trên 1.500 lao động, cho thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của CCN này là Công ty TNHH BNB Hà Nội, với các ngành nghề được định hướng phát triển là sản xuất, chế tác, trưng bày sản phẩm TTCN nghề đá, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí...

Cùng với việc phát triển các ngành nghề CN, TTCN tại các CCN đã được quy hoạch, huyện Vĩnh Lộc còn chú trọng thành lập, định hướng phát triển các làng nghề trên địa bàn huyện như: Làng nghề chế tác đá Làng Mai, xã Minh Tân; làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh tại Khu phố Đún Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc; làng nghề đan lồng đèn tại thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nghề sản xuất Chè lam Phủ Quảng truyền thống tại khu phố Cao Mật, thị trấn Vĩnh Lộc và 20 nghề khác đang hoạt động, với tổng số lao động đang làm nghề khoảng 2.600 người.

Trong số các nghề hiện có trên địa bàn huyện, có nhiều nghề đã và đang hoạt động hiệu quả như: Chế tác đá mỹ nghệ, nghề mộc, làm chè lam, kẹo lạc, rượu Sâm Báo, may mặc, đan lồng đèn, làm chổi đót, chế biến nông - lâm - thủy sản, đúc cấu kiện - hoa văn - con tiện bê tông. Đối với làng nghề chế tác đá Làng Mai tại xã Minh Tâm đang phát triển mạnh, ngày càng mở rộng về quy mô sản xuất và tạo việc làm cho khoảng 300 lao động. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu được sản xuất bằng máy móc, nhiều hộ trong làng nghề đã tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa cho các doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/lao động/tháng, doanh thu từ các sản phẩm đá mỹ nghệ đạt trên 75 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh tại khu phố Đún Sơn cũng hiện phát triển ổn định, với số lao động khoảng 100 người. Tổng doanh thu từ các sản phẩm hoa, cây cảnh hàng năm đạt khoảng 13 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4,9 triệu đồng/lao động/tháng. Làng nghề đan lồng đèn tại thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa cũng được đánh giá phát triển mạnh, có sự lan tỏa sang các thôn khác trong xã. Hiện làng nghề thu hút khoảng 200 lao động tham gia sản xuất, với thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2022, giá trị sản xuất CN, TTCN trên địa bàn huyện ước đạt 3.651 tỷ đồng, tăng 23,77% so với cùng kỳ và đạt 98,07% kế hoạch năm. Trong đó, một số sản phẩm tăng cao, như: Quần áo may sẵn tăng 29,01%, đá ốp lát xây dựng tăng 1,89%, cửa sắt các loại 2,37%...

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu song tốc độ phát triển CN, TTCN của huyện vẫn còn chậm và chưa đồng đều giữa các vùng. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ, số vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh còn eo hẹp, trình độ quản lý còn yếu nên việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế.

Thời gian tới, huyện Vĩnh Lộc định hướng, xác định khai thác đá, chế tác đá mỹ nghệ là hoạt động CN trọng điểm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huyện tiếp tục ưu tiên phát triển các nghề may mặc, giầy da và những ngành CN tạo việc làm cho nhiều lao động. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thương mại nhằm quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường để đưa các sản phẩm đá mỹ nghệ tiếp cận với thị trường xuất khẩu. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, cải tiến mẫu mã nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Chi Phạm/ theo Báo Thanh Hóa


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam