Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân
Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nhìn nhận kinh tế tập thể (KTTT) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Trong đó, vai trò của Liên minh Hợp tác xã (HTX) đã và đang đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển KTTT. Phóng viên Báo điện tử Vĩnh Phúc đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Thị Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh về những giải pháp phát triển KTTT, HTX theo Nghị quyết số 20 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”.
HTX Rau an toàn Thanh Hà, xã Hồ Sơn, được thành lập năm 2017 với 34 thành viên, HTX đang canh tác trên diện tích gần 8 ha, trong đó, chủ yếu là rau su su. Ảnh: Nguyễn Lượng
PV: Xin đồng chí khái quát thành tựu và quá trình phát triển nổi bật của KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh trong năm 2022?
Đồng chí Phan Thị Định: Về tổ hợp tác (THT) đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 38 THT đang hoạt động tất cả đều trong lĩnh vực nông nghiệp; về liên hiệp HTX, đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX, trong đó có 1 liên hiệp HTX đã ngừng hoạt động và thành lập mới 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về HTX, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 720 HTX đạt kế hoạch đề ra gồm có 371 HTX đang hoạt động và 349 HTX có đăng ký thuế nhưng đã ngừng hoạt động; số HTX thành lập mới là 15 HTX; số HTX giải thể là 47 HTX. Các HTX mới thành lập cơ bản tuân thủ quy định, nguyên tắc của Luật HTX năm 2012, phát triển đa dạng trong các lĩnh vực, các địa bàn, đáp ứng nhu cầu của thành viên và phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
Doanh thu bình quân của một HTX năm 2022 đạt khoảng hơn 1,6 tỷ đồng/năm. Lãi bình quân của một HTX khoảng hơn 230 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng hơn 51 triệu đồng/năm.
Các ngành, lĩnh vực hoạt động có hiệu quả phải kể đến một số lĩnh vực như lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp với 38 THT đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 195 HTX đang hoạt động, doanh thu bình quân mỗi HTX năm 2022 đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi HTX năm 2022 đạt 200 triệu đồng/năm. Lĩnh vực tín dụng với 31 Quỹ tín dụng nhân dân, doanh thu bình quân đạt 12,6 tỷ đồng/quỹ/năm, lợi nhuận bình quân đạt hơn 1,2 tỷ đồng/quỹ/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Lĩnh vực giao thông vận tải, đến hết tháng 12/2022 toàn tỉnh có 19 HTX giao thông vận tải đang hoạt động với doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân mỗi HTX đạt 500 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 78 triệu đồng/năm…
Một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, huyện Bình Xuyên; HTX Rau an toàn Vân Hội xanh, huyện Tam Dương; HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, huyện Tam Đảo… hoặc mô hình HTX công nghệ cao, quy trình nông nghiệp an toàn như HTX Rau an toàn Visa, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc…
PV: Khẳng định vai trò, vị trí của HTX, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới” đã đề ra mục tiêu phát triển “KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Vậy, trên địa bàn tỉnh đã triển khai những chương trình, giải pháp nào để thực hiện mục tiêu trên?
Đồng chí Phan Thị Định: Thực hiện Nghị quyết số 20 NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”, UBND tỉnh đã có những đề xuất, kiến nghị về một số nội dung như sau:
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20 làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Hiện nay luật HTX năm 2012 đang được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các Luật có liên quan, đề nghị Bộ KH&ĐT tham mưu các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sớm ban hành Luật HTX mới thay thế Luật HTX năm 2012 cho phù hợp với các pháp luật có liên quan.
Về tiêu chí đánh giá, phân loại HTX hàng năm đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quy định hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX hàng năm để địa phương thuận tiện trong việc triển khai thực hiện.
Đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, bố trí nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm được ghi thành mục hành khoản, mục riêng trong dự toán ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể để hỗ trợ địa phương triển khai các chương trình, nhiệm vụ, nội dung chỉ đạo về phát triển KTTT, HTX trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc.
Sửa đổi bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhân lực, nhận thức cho khu vực KTTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022, 2023 theo Văn bản số 6036/BHKĐT-HTX về dự kiến mức vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện nội dung đào tạo, bồi dưỡng HTX năm 2022 theo Chương trình hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025.
PV: Nhận định nững khó khăn, thuận lợi? Kế hoạch phát triển nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong năm 2023 của Liên minh HTX tỉnh là gì thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Thị Định: Về mặt thuận lợi: Lĩnh vực KTTT mà nòng cốt là HTX hiện nay đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện. Luật HTX ra đời kèm theo các chính sách hỗ trợ mới cùng sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành T.Ư, các cấp ủy đảng… đã tạo điều kiện cho các HTX đi vào hoạt động có định hướng, cơ hội để củng cố phát triển phù hợp với cơ chế thị trường.
Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng chú trọng công tác đổi mới, phát triển thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển KTTT; ban hành Đề án Đổi mới và phát triển KTTT tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 344/QĐ-UBND theo đó, Vĩnh Phúc sẽ dành gần 95 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện đề án bao gồm nguồn sự nghiệp kinh tế và nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Thời gian gần đây, nhiều HTX đã áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại sản xuất, đặc biệt các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh, từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ….
Tuy nhiên, việc phát triển KTTT, HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tỉ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh còn thấp; chưa xử lý dứt điểm được việc chuyển đổi các HTX chưa thực hiện tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và giải thể các HTX yếu kém, ngừng hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Cơ chế, chính sách về hỗ trợ HTX của Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể, nhiều cơ chế, chính sách được xây dựng ban hành nhưng không có hướng dẫn cụ thể; công tác quản lý Nhà nước về HTX còn nhiều khó khăn nhất là ở cấp huyện, xã… Đa số các HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều yếu kém; tài sản cố định đã xuống cấp nhiều, thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh; đội ngũ cán bộ quản lý không qua đào tạo còn nhiều, năng lực quản lý kinh doanh hạn chế…
Trong năm 2023, Liên minh HTX đã ban hành định hướng kế hoạch phát triển nâng cao hiệu quả KTTT, HTX cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, kết luận và chủ trương của Trung ương và của tỉnh về tiếp tục đổi mới, phát triển KTTT. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo mối liên kết, hợp tác, thúc đẩy phát triển KTTT.
Phát triển KTTT, HTX với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị; tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác; hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; thực hiện nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, góp phần tích cực phát triển kinh tế hộ…
Phấn đấu năm 2023 khu vực KTTT đạt được một số chỉ tiêu như sau: Số lượng HTX thành lập mới: 15 HTX; doanh thu bình quân một HTX đạt 1,8 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động trong HTX đạt 52 triệu đồng/năm.
Rà soát, đánh giá lại các HTX phải tổ chức lại, giải thể chuyển đổi hoặc ngừng theo Luật HTX năm 2012 và giải thể 78 HTX đã ngừng hoạt động trong năm 2023; tạo điều kiện thuận lợi để KTTT phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm, khuyến khích phát triển đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tạo mối liên kết, hợp tác, thúc đẩy phát triển KTTT.
PV: Đồng chí cho biết, để phát triển KTTT, HTX hiệu quả, bền vững là nền tảng của nền kinh tế của tỉnh, vậy cần những điều kiện gì??
Đồng chí Phan Thị Định: Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về KTTT, tăng cường các hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển KTTT các cấp, thường xuyên nắm bắt, kiểm tra HTX giải quyết kịp thời những vướng mắc, tham mưu xây dựng và triển khai giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX.
Kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của công tác quản lý Nhà nước về KTTT, HTX; chỉ đạo cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về KTTT, HTX ở các sở ngành địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX, đặc biệt là khâu đăng ký HTX, liên hiệp HTX để theo dõi, giám sát thi hành Luật HTX.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Liên minh HTX trong việc tham mưu, giúp việc theo dõi, quản lý, giám sát và báo cáo hoạt động HTX; các đoàn thể chính trị xã hội, các Hội… phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc vận động thành lập mới, tham gia HTX, THT; tham gia bồi dưỡng, đào tạo cho HTX, thúc đẩy phát triển HTX.
Cần huy động, tranh thủ nguồn lực từ các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể, tham gia thúc đẩy phát triển KTTT. Khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào HTX để đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH-KT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ… Lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, nhất là đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.
Xác định và đề xuất thực hiện các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh như : ứng dụng công nghệ cao, mô hình HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Khuyến khích các hộ nông dân góp tài sản, tư liệu sản xuất là đất đai; góp vốn đầu tư vào sản xuất theo quy định thành lập HTX; các HTX cùng lĩnh vực, nhóm sản phẩm liên kết thành lập Liên hiệp HTX.
Tin liên quan
- Trung ương đề ra 8 chính sách trong đổi mới kinh tế tập thể
- Nghị quyết 20: Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
- Chính sách kinh tế tập thể tốt phải kèm với thực thi hiệu quả
- Sửa đổi, bổ sung chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp với thực tiễn
- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Khắc phục cho được quan niệm hợp tác xã là yếu kém
- Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai
- Nhiều chính sách mới hỗ trợ cho hợp tác xã trong nông nghiệp
- Tạo môi trường thuận lợi để mục tiêu phát triển kinh tế tập thể thành hiện thực
- Phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới: Năng động, hiệu quả, bền vững