Bắc Giang: "Biệt đội trai xinh gái đẹp" bỏ bằng Đại học về quê rủ nhau nâng tầm nông sản địa phương

Với mong muốn bảo vệ thương hiệu cho những đặc sản quê hương. Đoàn viên thanh niên Lục Ngạn đã cùng nhau quyết tâm xây dựng kinh tế, tạo ra những sản phẩm có nét đặc trưng riêng và hướng tới xếp hạng OCOP.

Quyết tâm bảo vệ đặc sản quê hương Bắc Giang

Mặc dù học chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp nhưng Hà Thị Minh Thuỳ (sinh năm 1993), xã Đồng Cốc (huyện Lục Ngạn) lại có niềm đam mê với nghề nông. Tốt nghiệp xong Minh Thuỳ không trụ lại ở Thủ đô như các bạn cùng trang lứa mà quyết tâm trở về quê lập nghiệp.

Bắc Giang: Trai xinh gái đẹp quyết tâm xây dựng sản phẩm OCOP nâng cao thương hiệu cho sản vật quê hương - Ảnh 1.

Hà Thị Minh Thuỳ, cô giám đốc trẻ của HTX Lục Ngạn xanh đang kiểm tra chất lượng vườn táo của thành viên HTX. Ảnh: Nguyễn Chương

Minh Thuỳ chia sẻ: Hồi còn đi học thấy nhiều nơi họ làm truyền thông cho sản phẩm nông nghiệp địa phương rất tốt, được người tiêu dùng biết đến. Vậy mà Lục Ngạn quê hương mình cái gì cũng có, hoa quả ngon, chất lượng nhưng để có thương hiệu thì lại chưa được đánh giá nhiều.

Ví dụ như quả vải thiều, ở Hà Nội hay các tỉnh khác người ta hay nói đến vải Hải Dương, chứ rất ít người nhắc đến vải Bắc Giang. Lúc đó mình cảm thấy rất bất công và trong lòng cũng hơi tự ái. "Vì vậy, một phần là yêu thích, phần khác là tự trọng về quê hương, rất muốn làm một cái gì đó để bảo vệ cho quê hương nên mình đã quyết định về quê để lập nghiệp từ chính những đặc sản của Bắc Giang" – Thuỳ tâm sự.

Với những quyết tâm đó,  Minh Thuỳ và 3 người bạn lập lên HTX Lục Ngạn xanh và đến nay đã có 11 thành viên và 7 hộ liên kết. Các thành viên trong HTX Lục Ngạn xanh đều là các đoàn viên thanh niên có độ tuổi còn rất trẻ.

Còn với chàng trai trẻ Phan Văn Nết (ở xã Phì Điền, Lục Ngạn) với suy nghĩ muốn làm gì đó để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của quê hương. Nên khi nhìn thấy ở quê cây trồng phát triển tốt nhưng chưa có tính quy chuẩn, vẫn còn manh mún. Nết đã cùng 15 thành viên có độ tuổi dưới 36 tuổi thành lập HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền.

Nết và các thành viên trong HTX đã cùng nhau xây dựng, quy hoạch lại các vườn cây quy chuẩn, bài bản và sản xuất theo hướng hữu cơ nên sản phẩm của HTX được thị trường ưa chuộng nhờ đó giá trị kinh tế cũng tăng cao.

Bắc Giang: Trai xinh gái đẹp quyết tâm xây dựng sản phẩm OCOP nâng cao thương hiệu cho sản vật quê hương - Ảnh 2.

Mong muốn của các thành viên HTXX Lục Ngạn xanh là xây dựng lên các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn với người tiêu dùng

"Trước kia mỗi thành viên đều có định hướng riêng lẻ, thu nhập chỉ khoảng 200 triệu/năm. Nhưng từ khi tham gia vào HTX được đào tạo và định hướng cụ thể hơn, nhờ đó thu nhập của các thành viên đã tăng lên 500-700tr/năm" - Nết cho biết.

Nhờ nhiệt huyết của tuổi trẻ và sức sáng tạo trong cách làm của những đoàn viên thanh niên, các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang dần khẳng định thương hiệu, đã có mặt trên các sàn điện tử Soppe, Lazada; kênh Youtobe… với sản lượng tiêu thụ cũng không hề nhỏ.

Vào OCOP để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của quê hương

Thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của quê hương

Nói định hướng trong thời gian tới của HTX Lục Ngạn xanh, giám đốc trẻ Minh Thuỳ tâm sự: Mục tiêu thời gian tới là sẽ cùng các thành viên của HTX tạo ra những sản phẩm có nét đặc trưng riêng và hướng tới xếp hạng OCOP.

Bắc Giang: Trai xinh gái đẹp quyết tâm xây dựng sản phẩm OCOP nâng cao thương hiệu cho sản vật quê hương - Ảnh 3.

Phan Văn Nết với sản phẩm OCOP 3 sao của HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền. Ảnh Nguyễn Chương

Với niềm đam mê nông nghiệp, nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Minh Thuỳ đã theo dõi rất nhiều chương trình về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có chương trình OCOP.

Hà Thị Minh Thuỳ cho biết: Cô đã theo dõi chương trình OCOP từ ở bên Nhật cho đến khi vào Việt Nam, nên cô hiểu rất rõ ý nghĩa của Chương trình.

"Chương trình OCOP rất hay và có ý nghĩa, nó giúp người nông dân hiểu cần phải thay đổi từ tư duy sản xuất đến chất lượng, mẫu mã bao bì cũng như tem mác truy suất nguồn gốc. Khi các sản phẩm được làm ra từ những quy trình bài bản đó thì ắt hẳn sẽ được người tiêu dùng tin tưởng và thương hiệu sẽ nâng được tầm" Minh Thuỳ nhận xét.

Bắc Giang: Trai xinh gái đẹp quyết tâm xây dựng sản phẩm OCOP nâng cao thương hiệu cho sản vật quê hương - Ảnh 4.

Vải thiều sấy khô Lục Ngạn của HTX Lục Ngạn Xanh dự kiến sẽ được xếp hạng OCOP 4 sao.

Cùng chung đánh giá về chương trình OCOP, Phan Văn Nết cho biết: Qua chương trình OCOP thì thanh niên có nhận thức hơn về thương hiệu, giá trị của thương hiệu và có kiến thức hơn để xây dựng thương hiệu cho chính sản phẩm của mình.

Với quan điểm sản phẩm OCOP không chỉ là của riêng mình mà còn là của địa phương. Vì vậy, các đoàn viên thanh niên Bắc Giang đang xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của quê hương như: cam, bưởi, vải thiều, táo xuân, táo đài loan, chuối ngự…

Năm 2020 HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền đã có sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Còn HTX Lục Ngạn xanh, 2021 này cũng đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia OCOP với sản phẩm vải thiều sấy khô Lục Ngạn, dự kiến sẽ đạt OCOP 4 sao.

"Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng biết được giá trị của chương trình OCOP nên HTX vẫn hướng các sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn OCOP với mục tiêu sản xuất nông nghiêp an toàn, mô hình chuỗi liên kết để phát triển bền vững. HTX Lục Ngạn Xanh sẽ luôn lỗ lực cố gắng để đưa đặc sản của Bắc Giang ngày càng bay xa" – Vị giám đốc trẻ HTX Lục Ngạn xanh khẳng định.

Theo báo Nông thôn Ngày nay


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam