Các ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm mạnh lãi suất huy động
Kể từ hôm nay 14/9, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới nhất với mức giảm từ 0,2-0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Lãi suất cao nhất tại Vietcombank và Agribank theo đó chỉ còn 5,5%/năm áp dụng với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, giảm 0,3 điểm % so với trước.
Đối với tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất giảm 0,2 điểm % xuống còn 4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 3,5%/năm.
Các kỳ hạn còn lại, Vietcombank và Agribank giữ nguyên lãi suất cũ ở mức 3%/năm với kỳ hạn 1 tháng; 0,2%/năm với kỳ hạn 7 và 14 ngày; 0,1%/năm với tiền gửi không kỳ hạn.
Sau đợt điều chỉnh này, lãi suất huy động 12 tháng tại Vietcombank và Agribank đã về mức thấp nhất từng ghi nhận trong giai đoạn dịch COVID-19.
Còn tại 2 ngân hàng lớn khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất cao nhất vẫn niêm yết ở mức 5,8%/năm dành cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo giảm lãi suất huy động, đặc biệt đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), kể từ ngày 13/9, lãi suất huy động đã giảm từ 0,25-0,3%/năm đối với tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất của ngân hàng này xuống còn 6,4%/năm. Tuy nhiên lãi suất này chỉ áp dụng với số dư gửi tiền trên 1 tỷ đồng kỳ hạn từ 13 tháng; dưới 1 tỷ đồng, lãi suất cao nhất chỉ 6,2%/năm cho cùng kỳ hạn.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng giảm đồng loạt 0,3%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động cao nhất của Saigonbank xuống còn 6,3%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng.
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng về mức 6,1%/năm trong khi giữ nguyên mức 6,6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng và 6,7%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất hạ thấp, nhà đầu tư có xu hướng đa dạng danh mục đầu tư để gia tăng tài sản, nâng cao hiệu quả sinh lời. Nhưng đây cũng là thời điểm cần cẩn trọng và thông thái khi đưa ra quyết định đầu tư, không nên "bỏ trứng vào một giỏ".
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tuy tăng 5,33% so với cuối năm 2022 nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 9,87% của cùng kỳ năm 2022.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tiến sát mức thấp trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Điều này làm gia tăng áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Tin liên quan
- Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã
- Thủ tướng: Không nhất thiết phải đánh đổi giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng
- Con đường lúa gạo miệt Ngàn
- Agribank hỗ trợ tích cực cho hợp tác xã tăng trưởng bền vững
- Khi “3 nhà” cùng liên kết
- Lâm Đồng trồng giống bí Nhật mini lạ mắt
- Sức sống mới sau sáu nhập
- Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp: Ưu tiên các sản phẩm lợi thế
- Siêu thị Co.opmart đẩy mạnh dịch vụ đi chợ qua zalo điện thoại
- Hải Dương mở rộng vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế