Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ, các bô,̣ ngành và chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó doanh nghiệp (DN), người dân được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một thành phần khác là khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Sản xuất chè tại Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La).

Khó chồng khó

Những ngày này, Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) trở thành một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cả nước. Người dân nơi đây, một mặt phải đối phó với dịch bệnh, mặt khác cũng đang chật vật giải bài toán kinh tế cho những thiệt hại mà cánh đồng hoa - nguồn thu nhập chính của gia đình họ đang phải đối diện. Theo Giám đốc HTX Hạ Lôi Phạm Văn Hồng, việc tiêu thụ hoa của người dân thôn Hạ Lôi đã trở nên khó khăn từ ngay dịp đầu năm, do nhu cầu của thị trường hạn chế bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy vậy, bà con vẫn ít nhiều có doanh thu. Nhưng vào thời điểm này, chính xác là kể từ khi toàn thôn bị cách ly y tế, người dân gần như đành bỏ mặc, không ai thu hái, chăm và bán hoa. Thiệt hại về doanh thu cũng như phải cắt bỏ diện tích hoa đang kỳ nở rộ do không có người chăm sóc để bảo đảm thời vụ canh tác, có lẽ là hậu quả trước mắt mà ai cũng có thể nhìn thấy được.

Cũng chịu tác động của dịch Covid-19, các thành viên HTX Thương mại dịch vụ vận tải Nhơn Trạch (ấp Chợ Mới, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đang đau đầu xoay xở. Giám đốc HTX Phan Huy Sự cho biết, HTX thành lập tháng 9-2004, ban đầu có hơn 20 thành viên đăng ký tham gia với 30 đầu xe. Đến nay, HTX đã thu hút hơn 4.000 thành viên tham gia với gần 6.000 đầu xe; thu nhập khá ổn định, từ 20 - 25 triệu đồng/xe/tháng. Nhưng kể từ khi dịch bệnh xảy ra, cũng như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vận tải ô-tô gặp vô vàn khó khăn. Doanh thu vận tải của thành viên (chủ xe) HTX ước giảm 60%. “Khó khăn là vậy, nhưng thực tế đến nay HTX vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Các tổ chức tín dụng cũng chưa đến làm việc để giãn nợ cho thành viên vay trung hạn mua xe. Trước mắt, chúng tôi đang phải tập trung giải quyết nợ tồn kho và tiền lương cho công nhân” - ông Phan Huy Sự chia sẻ. Một số biện pháp mà HTX đang triển khai để vượt qua “cơn bão dịch bệnh” lần này là tiếp tục sử dụng vốn tự có và nguồn thu tiền mặt để hỗ trợ thành viên, trả lương cho người lao động, nhưng cũng chỉ cố gắng hoạt động cầm chừng trong khoảng ba, bốn tháng tới. Sau đó, phải tính tới khả năng chuyển đổi nghề cho các lao động.

Theo số liệu mới nhất từ Liên minh HTX Việt Nam, trong quý I-2020, cả nước có 296 HTX thành lập mới, giảm 135 HTX so cùng kỳ; giải thể 66 HTX yếu kém. Tính chung đến cuối quý I, cả nước có 24.848 HTX, tăng 230 HTX so với cuối năm 2019; 91 liên hiệp HTX, 112.000 tổ hợp tác (THT); 1.741 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Tổng hợp sơ bộ báo cáo của các liên minh HTX cấp tỉnh và HTX thành viên cho thấy, đến đầu tháng 3-2020, trừ một bộ phận các HTX, liên hiệp HTX, THT sản xuất lúa gạo, chăn nuôi gia cầm, lợn, rau xanh tiếp tục duy trì được sản xuất do nhu cầu thị trường trong nước tăng, giá bán có lãi, còn lại phần lớn HTX, liên hiệp HTX, THT trong các ngành khác đều suy giảm mạnh cả về sản xuất, tiêu thụ và doanh thu, khiến thu nhập và đời sống của người lao động, thành viên HTX gặp nhiều khó khăn.

Cần giải pháp hỗ trợ kịp thời

Do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, số lượng HTX, THT thành lập mới và thu hút thành viên mới đến nay chỉ đạt khoảng 12% kế hoạch. Khó khăn chồng chất khó khăn dường như là tình trạng chung của hầu hết HTX trong thời điểm hiện nay. Cụ thể, đối với HTX nông nghiệp, có tới gần 70% thành viên không nhập được giống cá, giống cây trồng từ Trung Quốc; giảm 45% giá bán nông sản, thực phẩm so với tháng 12-2019; các HTX, liên hiệp HTX xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ, giảm 40% kim ngạch xuất khẩu. Đối với HTX phi nông nghiệp, 1.338 HTX vận tải hành khách du lịch chỉ có 20% khách thuê; HTX vận chuyển hành khách xe buýt và tuyến cố định sụt giảm khoảng 40% lượng khách; HTX vận chuyển hàng hóa bằng công-ten-nơ xuất nông sản sang Trung Quốc nằm chờ rải rác ở cửa khẩu, phát sinh nhiều chi phí kho bãi, hàng hóa hư hỏng nhiều. Phần lớn HTX thương mại, dịch vụ, du lịch giảm khoảng 40% doanh thu; các HTX tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, may mặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, lao động và khó khăn về tiêu thụ. Riêng với Quỹ tín dụng nhân dân, doanh số cho vay cũng bị sụt giảm đáng kể do các thành viên không tiêu thụ được sản phẩm, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giảm nhu cầu vay vốn.

Nhằm phần nào khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, HTX, Liên minh HTX Việt Nam với chức năng đại diện và hỗ trợ cho tất cả HTX trên phạm vi cả nước, đã liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu liên minh HTX cấp tỉnh, đơn vị trực thuộc, các đơn vị thành viên chủ động nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc, thiệt hại sản xuất, kinh doanh của HTX, liên hiệp HTX để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và Thủ tướng Chính phủ. Triển khai mạnh mẽ việc hỗ trợ các đơn vị thông qua tư vấn, tiếp cận vay vốn các tổ chức tín dụng, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu và tiêu thụ hàng nông sản. Đồng thời, chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, góp phần nâng cao năng lực quản trị của các HTX... Mặc dù Chính phủ rất quyết liệt trong triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, song thực tế trong các chính sách đợt này, các bộ, ngành chưa chú ý nhiều đến khu vực kinh tế tập thể, HTX. Vì vậy, đến thời điểm này rất ít HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, cụ thể ở đây là chính sách tín dụng, giãn, giảm thuế, phí hay các chính sách hỗ trợ của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch Covid-19 đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX và đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, triển khai một số giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Cụ thể, đề nghị các tổ chức tín dụng cho phép kéo dài thời hạn cho vay, giãn kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất tiền vay; giảm các loại phí liên quan đến khoản vay, thanh toán và các giao dịch khác. Giãn thời hạn nộp thuế VAT sáu tháng; giảm một năm thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp hơn so với doanh nghiệp và áp dụng dài hạn; giảm tiền thuê đất, phí và lệ phí trong thời hạn ít nhất một năm; giãn thời hạn nộp bảo hiểm xã hội sáu tháng/lần. Ngoài ra, cần sớm ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương để Liên minh HTX Việt Nam và các địa phương có khung khổ pháp lý tạo điều kiện cho các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX mở rộng cho vay đối với HTX; cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng theo Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương để có nguồn vốn mở rộng tín dụng, hỗ trợ HTX.

Theo Nhân dân