Chôm chôm nghịch vụ cho lợi nhuận tăng gấp 3 lần
Hiện nay, giá thu mua quả chôm chôm tại Bến Tre tăng cao, 70.000-80.000 đồng/kg (chôm chôm Thái), các loại chôm chôm giống khác có giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, cao cấp 3-4 lần so với giá vào mùa thuận vụ.

Nông dân trồng chôm chôm tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã chủ động chuyển đổi mùa vụ (cho trái nghịch vụ) để mang lại lợi nhuận cao, tăng thu nhập so với cách làm truyền thống.
Sau nhiều năm chuyển đổi vườn chôm chôm với diện tích 1ha cho trái vào mùa nghịch vụ, ông Nguyễn Văn Bá, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc vườn cây, giúp cây cho trái đạt chất lượng và năng suất cao.
Theo ông Nguyễn Văn Bá, xử lý cho trái nghịch vụ đòi hỏi tốn nhiều công chăm sóc hơn, đầu tư nhiều hơn, mỗi công (1.000m2) tốn chi phí 12-15 triệu đồng. Nhưng đổi lại giá thành vào vụ nghịch tăng cao nhiều lần so với mùa thuận. Hiện tại, ông Bá thu hoạch chôm chôm Thái bán với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so với mùa thuận. Bên cạnh đó, ông Bá tham gia vào tổ hợp tác tại địa phương, hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm, nên ông bá không lo về đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Hoàng Triệu, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách cho biết, gia đình ông canh tác 5 công chôm chôm, giống chôm chôm Java và vừa thu hoạch hơn 10 tấn trái bán với giá 35.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng. Ông Triệu phân tích, vào mùa thuận, do các tỉnh khác cũng thu hoạch nên giá chôm chôm Java rất thấp từ 5.000-7.000 đồng/kg nên nếu làm cho trái nghịch vụ giá tăng cao nhiều lần, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 3-4 lần. Mặt khác, nông dân trồng chôm chôm tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trực tiếp tiêu thụ với công ty thu mua, hợp tác xã luôn thu mua cao hơn thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg, thu mua ổn định giúp nông dân an tâm sản xuất.

Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phụng Phạm Hồng Tùng, hiện tại hợp tác xã có 125 thành viên và 20 tổ hợp tác là vệ tinh. Hợp tác xã tổ chức thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm xã viên và các hộ dân trong khu vực. Đặc biệt, hợp tác xã ký liên kết trực tiếp công ty thu mua, một số nước tại Trung Đông hợp tác xã trực tiếp xuất khẩu. Các thành viên trong hợp tác xã luôn được thu mua với giá cao hơn thị trường điều nay mang lại lợi ích rất lớn cho các xã viên tham gia vào hợp tác xã. Sản phẩm chôm chôm của hợp tác xã được chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm )4 sao điều này mang lại giá trị thương hiệu rất lớn cho cây chôm chôm tại Phú Phụng.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị, chôm chôm là một trong những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của huyện Chợ Lách, riêng xã Phú Phụng cây chôm chôm chiếm đa số trong sản xuất với gần 500 ha chuyên canh. Những năm gần đây, người dân đã chuyển đổi sản xuất cho trái vào mùa nghịch vụ mang lại hiệu quả rất lớn cho cây trồng này, lợi nhuận tăng 3-4 lần so với trước.
Bên cạnh đó, sản phẩm chôm chôm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý góp phần quảng bá thương hiệu cho cây chôm chôm của Chợ Lách ngày càng phát triển. Tuy nhiên, ngành chức năng huyện khuyến cáo nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị cho cây chôm chôm sẽ mang lại hiệu quả phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tin liên quan
- Ngành nông nghiệp năm 2018: Thắng lợi toàn diện
- Mạnh tay rót tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao
- Không nghỉ tết, ngư dân Phú Yên liên tiếp trúng đậm cá ngừ
- Hơn 234 nghìn quả cam được dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh
- Chôm chôm chính thức có "giấy thông hành" sang New Zealand
- Mạnh dạn làm nông sản an toàn
- Kinh doanh nông nghiệp: Trông người để ngẫm về ta!
- Trung Quốc tăng mua lợn mỡ
- Dừa trái Bình Định `cháy hàng` do nắng gắt
- Thịt, tôm, cá… hữu cơ Việt hút nhà đầu tư ngoại