Hòa Bình:
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, liên kết và tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng nông thôn mới
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung sản xuất an toàn tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; quan tâm hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap, GlobalGap và hữu cơ); đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản ở trong và ngoài nước. Hoàn thiện chính sách phát triển trang trại, kinh tế hộ, kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.
Đến nay, giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác trồng trọt tăng dần (năm 2021 là 135 triệu đồng/ha đến năm 2023 khoảng 185 triệu đồng/ha); giá trị sản phẩm chủ lực trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2024 bình quân đạt 220 triệu đồng/ha. Bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo như: Chuỗi sản xuất gạo J02 tại Đà Bắc; chuỗi sản xuất gạo BC15 tại huyện Mai Châu; chuỗi sản xuất gạo theo hướng hữu cơ tại huyện Lương Sơn. Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm như: Vùng sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lặc lày,... tại các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ tại huyện Lương sơn, vùng rau susu tại huyện Mai Châu, Tân Lạc; sản xuất tỏi tía tại huyện Mai Châu. Diện tích đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ.... đạt 320ha.
Giai đoạn 2021 đến nay, Công tác xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở trí tuệ nông sản chủ lực tiếp tục được chú trọng. Thực hiện hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng và duy trì thương hiệu 38 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tiếp tục duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ https://hb.check.net.vn, hiện đã có 77 doanh nghiệp, hợp tác xã với 360 sản phẩm tham gia; triển khai dán trên 8 triệu tem truy xuất nguồn gốc để gắn lên sản phẩm của tỉnh Hòa Bình nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ thương hiệu của sản phẩm. Chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm sản của tỉnh tại các tỉnh, thành phố, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị,...; do đó, nhiều mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Hòa Bình đã vào được hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội như: Big C, Hapro Mart, T Mart, Winmart, Qmart, Coop Mart, Lotte, Fivimart, 13 Biggreen, Sói Biển... Giới thiệu và kết nối cho 147 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản trong và ngoài nước, có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã có sản phẩm nông sản, lâm sản được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật bản, Đài loan, Canada, thị trường EU...
Đến nay, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí; toàn tỉnh có 30 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhằm duy trì, phát triển, phát huy các kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả theo Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó chú trọng thực hiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm chủ lực; tiếp tục củng cố kiện toàn và phát triển mới doanh nghiệp, HTX tham gia thực hiện Chương trình OCOP; đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, mô hình liên kết sản xuất kinh doanh hiệu quả./.
Tú Nguyễn
Tin liên quan
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An thực sự phải là nòng cốt để phát triển kinh tế tập thể
- Nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho các hợp tác xã
- VCA hỗ trợ HTX Muối Tuyết Diêm giữ nghề truyền thống, phát triển bền vững theo chuỗi giá trị
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với HTX Tân Bình, Đồng Tháp
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với Hội quán tại Đồng Tháp
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về tình hình KTHT, HTX
- Kinh tế hợp tác Hải Phòng: Một năm nhìn lại!
- Cụm Tây Bắc tổng kết tình hình KTHT, HTX và hoạt động Liên minh HTX 7 tỉnh
- Hiệu quả từ mô hình thu gom rác thôn An Lợi ở Quảng Trị
- Ninh Bình: Các cấp ngành vào cuộc phát triển HTX