Giá lợn thịt tăng mạnh, người chăn nuôi phấn khởi
Hiện nay, giá lợn hơi tại Tiền Giang đang tăng cao, các hộ chăn nuôi hết sức phấn khởi.
Cụ thể, giá lợn hơi thương lái đang thu mua dao động khoảng 8,2 - 8,3 triệu đồng/tạ (100 kg), tăng từ 2 - 2,5 triệu đồng/tạ so với năm trước và là mức tăng khá mạnh trong vài năm gần đây.
Ông Dương Tấn Sĩ, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Tân Phú Đông cho biết, với giá này, mỗi con lợn thịt khi xuất chuồng có trọng lượng 120 kg, người nuôi lãi từ 5 - 5,5 triệu đồng trong mô hình nuôi nhỏ lẻ, còn nếu nuôi theo quy mô trang trại khép kín có thể lãi đến 10 triệu đồng/con (có trọng lượng 120 kg).
Theo ông Sĩ, từ đầu năm đến nay, lợn thịt có giá, chăn nuôi lợn cho thu nhập cao, là động lực để nông dân những địa bàn khó khăn quan tâm hơn đến tái đàn, phát triển và khôi phục nghề chăn nuôi lợn thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai nói chung.
Nông dân Trương Văn A, cư ngụ tại xã Phú An, huyện Cai Lậy phấn khởi cho biết, giá lợn hơi tăng mạnh, hứa hẹn người nuôi thu lợi nhuận cao, thúc đẩy nông dân Tiền Giang tái đàn, khôi phục ngành chăn nuôi lợn sau những năm tháng trầm lắng trước đây do giá thấp, bà con thua lỗ. Bản thân ông nhiều năm nay gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, kể cả trong những giai đoạn khó khăn nhất nên rất vui trước tình hình giá lợn hơi tăng mạnh giúp ông mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi đón trước thời cơ thuận lợi hiện nay.
Thực tế cho thấy, giá lợn thịt tăng mạnh đang là động lực thúc đẩy nghề nuôi lợn tại địa phương hồi phục, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho nông hộ; số lượng tổng đàn tăng khá so với năm trước, tạo nguồn cung nông sản dồi dào cho thị trường trước diễn biến giá cả đang có lợi cho người chăn nuôi.
Hiện nay, nắm bắt cơ hội giá sản phẩm thịt lợn đang tăng mạnh, người nuôi lãi cao, đồng thời để phát huy tiềm năng và lợi thế ngành chăn nuôi lợn, Tiền Giang quan tâm khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích hộ chăn nuôi từng bước chuyển đổi sang quy mô trang trại, chăn nuôi tập trung. Tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí và tăng cường áp dụng công nghệ cao vào quá trình chăn nuôi như: xây dựng chuồng lạnh, áp dụng công nghệ cho phép tự động hóa hoàn toàn khâu cho ăn. Qua đó, nâng cao hiệu quả chăn nuôi vừa khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang, định hướng quan trọng của địa phương là đầu tư chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cũng như chú trọng kiểm soát nguồn con giống sạch bệnh, khỏe mạnh và chất lượng tốt - một trong những yếu tố tiên quyết trong phát triển chăn nuôi bền vững hiện nay - từ đó, tiến tới giảm hẳn tình trạng chăn nuôi lợn nhỏ lẻ.
Tin liên quan
- Ngành nông nghiệp năm 2018: Thắng lợi toàn diện
- Mạnh tay rót tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao
- Không nghỉ tết, ngư dân Phú Yên liên tiếp trúng đậm cá ngừ
- Hơn 234 nghìn quả cam được dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh
- Chôm chôm chính thức có "giấy thông hành" sang New Zealand
- Mạnh dạn làm nông sản an toàn
- Kinh doanh nông nghiệp: Trông người để ngẫm về ta!
- Trung Quốc tăng mua lợn mỡ
- Dừa trái Bình Định `cháy hàng` do nắng gắt
- Thịt, tôm, cá… hữu cơ Việt hút nhà đầu tư ngoại