Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 2)

Luật Hợp tác xã, đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012 tại kỳ họp thứ 4 Khóa XIII và đã được Chủ tịch nước ký Lệnh về việc công bố Luật Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ngày 03 tháng 12 năm 2012. Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 và thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003.

Câu 11: Biểu quyết trong đại hội thành viên được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điêù 34 Luật HTX năm 2012 quy định về biểu quyết trong đại hội thành viên như sau:

Các nội dung sau đây được đại hội thành viên thông qua khi có ít nhất 75% tổng số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành:

a) Sửa đổi, bổ sung điều lệ;

b) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản HTX, Liên hiệp HTX.

c) Đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của HTX, Liên hiệp HTX.

Các nội dung không thuộc quy định tại khoản 1 nêu trên được thông qua khi có trên 50% tổng số đại biểu biểu quyết tán thành.

Mỗi thành viên, HTX thành viên tham dự đại hội thành viên có một phiếu biểu quyết. Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên, HTX thành viên hoặc đại biểu thành viên.

Câu 12: Số lượng thành viên tối thiểu của hội đồng quản trị là bao nhiêu người? Khi nào cuộc họp của hội đồng quản trị được thực hiện?

Trả lời:

Điều 35 Luật HTX năm 2012 quy định: thành viên hội đồng quản trị do điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người.

Hội đồng quản trị hợp tác xã hợp định kỳ theo quy định của điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần; hội đồng quản trị liên hiệp hợp tác xã họp định kỳ theo quy định của điều lệ nhưng ít nhất 06 tháng một lần do chủ tịch hội đồng quản trị hoặc thành viên hội đồng quản trị được chủ tịch hội đồng quản trị ủy quyền triệu tập.

Hội đồng quản trị họp bất thường khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Cuộc họp hội đồng quản trị được thực hiện như sau:

a) Cuộc họp hội đồng quản trị được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên hội đồng quản trị tham dự. Quyết định của hội đồng quản trị được thông qua theo nguyên tắc đa số, mỗi thành viên có một phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau;

b) Trường hợp triệu tập họp hội đồng quản trị theo định kỳ nhưng không đủ số thành viên tham dự theo quy định, chủ tịch hội đồng quản trị phải triệu tập cuộc họp hội đồng quản trị lần hai trong thời gian không quá 15 ngày, kể từ ngày dự định họp lần đầu. Sau hai lần triệu tập họp mà không đủ số thành viên tham dự, hội đồng quản trị triệu tập đại hội thành viên bất thường trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần hai để xem xét tư cách của thành viên hội đồng quản trị không tham dự họp và có biện pháp xử lý; chủ tịch hội đồng quản trị báo cáo đại hội thành viên gần nhất để xem xét tư cách của thành viên hội đồng quản trị không tham dự họp và biện pháp xử lý.

Câu 13: Luật hợp tác xã năm 2012 qui định quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị như thế nào?

Trả lời:

Điều 36 Luật Hợp tác xã năm 2012 qui định về Quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng quản trị như sau:

Quyết định tổ chức các bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của điều lệ.

Tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên và đánh giá kết quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,

Chuẩn bị và trình đại hội thành viên sửa đổi, bổ sung điều lệ, báo cáo kết quả hoạt động, phương án sản xuất, kinh doanh và phương án phân phối thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị.

Trình đại hội thành viên xem xét, thông qua báo cáo tài chính; việc quản lý, sử dụng các quỹ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Trình đại hội thành viên phương án về mức thù lao, tiền thưởng của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; mức tiền công, tiền lương và tiền thưởng của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc).

Chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản lưu động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo thẩm quyền do đại hội thành viên giao.

Kết nạp thành viên mới, giải quyết việc chấm dứt tư cách thành viên được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 của Luật này và báo cáo đại hội thành viên.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc).

Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, thuê hoặc chấm dứt hợp đồng thuê giám đốc (tổng giám đốc) theo nghị quyết của đại hội thành viên.

Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, thuê hoặc chấm dứt hợp đồng thuê phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và các chức danh khác theo đề nghị của giám đốc (tổng giám đốc) nếu điều lệ không quy định khác.

Khen thưởng, kỷ luật thành viên, hợp tác xã thành viên; khen thưởng các cá nhân, tổ chức không phải là thành viên, hợp tác xã thành viên nhưng có công xây dựng, phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Thông báo tới các thành viên, hợp tác xã thành viên nghị quyết, quyết định của đại hội thành viên, hội đồng quản trị.

Ban hành quy chế hoạt động của hội đồng quản trị để thực hiện quyền và nhiệm vụ được giao.

Thực hiện quyền, nhiệm vụ khác theo quy định của điều lệ, nghị quyết của đại hội thành viên và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước đại hội thành viên và trước pháp luật.

Câu 14: Ai là người đại diện theo pháp luật của HTX, Liên hiệp HTX? Quyền hạn và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật là gì?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 37 Luật HTX năm 2012 quy định rõ về người đại diện theo pháp luật của HTX và Quyền hạn và nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT như sau:

Là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của hội đồng quản trị và phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng quản trị.

Chuẩn bị nội dung, chương trình, triệu tập và chủ trì cuộc họp của hội đồng quản trị, đại hội thành viên trừ trường hợp Luật này hoặc điều lệ có quy định khác.

Chịu trách nhiệm trước đại hội thành viên và hội đồng quản trị về nhiệm vụ được giao.

Ký văn bản của hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và điều lệ.

Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và điều lệ.

Câu 15: Giám đốc (tổng giám đốc) HTX, Liên hiệp HTX có bắt buộc phải là thành viên HTX không? Giám đốc thực hiện những nhiệm vụ gì?

Trả lời:

Luật HTX năm 2012 chỉ qui định Đại hội thành viên bầu hội đồng quản trị và chủ tịch hội đồng quản trị, không qui định việc bầu giám đốc (tổng giám đốc) HTX. Như vậy, quyết định việc lựa chọn giám đốc (tổng giám đốc) là của Hội đồng quản trị (Trừ trường hợp có qui định riêng trong Điều lệ). Luật cũng không qui định bắt buộc giám đốc (tổng giám đốc) phải là thành viên HTX nên HĐQT hoàn toàn có thể lựa chọn và quyết định giám đốc trong số thành viên, đại diện hợp pháp của hợp tác xã thành viên hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc).

Giám đốc (tổng giám đốc) có quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

a) Tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

b) Thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên, quyết định của hội đồng quản trị;

c) Ký kết hợp đồng nhân danh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo ủy quyền của chủ tịch hội đồng quản trị;

d) Trình hội đồng quản trị báo cáo tài chính hằng năm;

đ) Xây dựng phương án tổ chức bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trình hội đồng quản trị quyết định;

e) Tuyển dụng lao động theo quyết định của hội đồng quản trị;

g) Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác được quy định tại điều lệ, quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Trường hợp giám đốc (tổng giám đốc) do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê thì ngoài việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều này còn phải thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ theo hợp đồng lao động và có thể được mời tham gia cuộc họp đại hội thành viên, hội đồng quản trị.

Câu 16: Chủ tịch hội đồng quản trị có thể kiêm nhiệm chức vụ giám đốc (tổng giám đốc) HTX, Liên hiệp HTX không? Nếu có thì được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định của Luật HTX năm 2012, Giám đốc (tổng giám đốc) có thể là thành viên HTX hoặc thuê ngoài. Vì vậy, Chủ tịch HĐQT hoàn toàn có thể kiêm nhiệm chức vụ giám đốc (tổng giám đốc) HTX , Liên hiệp HTX.

Theo khoản 8 Điều 21 Luật HTX năm 2012 qui định về nội dung Điều lệ HTX, liên hiệp HTX phải thể hiện: “ … Số lượng thành viên, cơ cấu và nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, trường hợp thành viên hội đồng quản trị đồng thời làm giám đốc (tổng giám đốc) …”

Khoản 10 Điều 32 Luật HTX năm 2012 có qui định Đại hội thành viên quyết định: Việc thành viên hội đồng quản trị đồng thời là giám đốc (tổng giám đốc) hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc)

Như vậy, việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức vụ giám đốc (Tổng giám đốc) là được phép, nhưng phải được ghi trong Điều lệ và được Đại hội thành viên thông qua. Nếu Điều lệ HTX, liên hiệp HTX không cho phép thì một người không được đồng thời giữ hai chức vụ này.

Câu 17: Trong trường hợp Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc (tổng giám đốc ) hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thì ai là người ký quyết định bổ nhiệm hoặc thuê giám đốc hoặc tổng giám đốc?

  Trả lời:

Căn cứ Luật hợp tác xã năm 2012. Tại khoản 9 Điều 36, quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị quy định: Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, thuê hoặc chấm dứt hợp đồng thuê giám đốc (tổng giám đốc) theo nghị quyết của đại hội thành viên. Tại khoản 1 Điều 37, quyền hạn và nhiệm vụ của Chủ tịch hội đồng quản trị quy định: Chủ tịch hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và khoản 5 quy định: Ký văn bản của hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và điều lệ…

Như vậy, trong trường hợp Đại hội thành viên và Điều lệ quy định là Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm nhiệm chức vụ giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thì sau khi đại hội thành viên bầu chủ tịch hội đồng quản trị đồng thời chính là giám đốc (tổng giám đốc) của hợp tác xã đó. Khi bắt buộc phải có văn bản để giám đốc (tổng giám đốc) giao dịch với các tổ chức cá nhân bên ngoài thì người ký quyết định bổ nhiệm giám đốc (tổng giám đốc) là Chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Câu 18:Quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Kiểm soát, trưởng Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được qui định như thế nào ?

Trả lời:

Theo khoản 4 Điều 39 Luật Hợp tác xã năm 2012, Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên chịu trách nhiệm trước đại hội thành viên và có quyền hạn, nhiệm vụ sau:

a) Kiểm tra, giám sát hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ;

b) Kiểm tra việc chấp hành điều lệ, nghị quyết, quyết định của đại hội thành viên, hội đồng quản trị và quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Giám sát hoạt động của hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định của pháp luật, điều lệ, nghị quyết của đại hội thành viên, quy chế của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

d) Kiểm tra hoạt động tài chính, việc chấp hành chế độ kế toán, phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, sử dụng các quỹ, tài sản, vốn vay của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các khoản hỗ trợ của Nhà nước;

đ) Thẩm định báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm của hội đồng quản trị trước khi trình đại hội thành viên;

e) Tiếp nhận kiến nghị liên quan đến hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị hội đồng quản trị, đại hội thành viên giải quyết theo thẩm quyền;

g) Trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên được tham dự các cuộc họp của hội đồng quản trị nhưng không được quyền biểu quyết;

h) Thông báo cho hội đồng quản trị và báo cáo trước đại hội thành viên về kết quả kiểm soát; kiến nghị hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) khắc phục những yếu kém, vi phạm trong hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

i) Yêu cầu cung cấp tài liệu, sổ sách, chứng từ và những thông tin cần thiết để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát nhưng không được sử dụng các tài liệu, thông tin đó vào mục đích khác;

k) Chuẩn bị chương trình và triệu tập đại hội thành viên bất thường theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật này;

l) Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và điều lệ.

Câu 19: Nội dung, hình thức của Hợp đồng dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX với thành viên được qui định như thế nào ?

Trả lời

Điều 4 Luật Hợp tác xã năm 2012 qui định: Hợp đồng dịch vụ là thỏa thuận giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với thành viên, hợp tác xã thành viên về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, hợp tác xã thành viên.

Mục 7 Điều 518 của Bộ luật Dân sự năm 2005 qui định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”. Theo qui định này, hợp đồng dịch vụ là loại hợp đồng dân sự.

Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2005 qui định hợp đồng dân sự có những nội dung sau:

Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;

Số lượng, chất lượng;

Giá, phương thức thanh toán;

Thời hạn, địa điểm phương thức thực hiện hợp đồng;

Quyền, nghĩa vụ của các bên;

Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

Phạt vi phạm hợp đồng;

Các nội dung khác

Về hình thức của Hợp đồng dịch vụ: Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2005 qui định như sau:

Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không qui định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng hình thức nhất định;

Trong trường hợp pháp luật có qui định hợp đồng phải được thực hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các qui định đó;

Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.

Như vậy, hợp tác xã, liên hiệp HTX hoàn toàn chủ động hình thức giao kết hợp đồng dịch vụ với các thành viên theo qui định của pháp luật và Điều lệ của HTX, liên hiệp HTX.

Câu 20: Điều kiện trở thành thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát (hoặc kiểm soát viên), giám đốc (tổng giám đốc) của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Trả lời:

Thành viên hội đồng quản trị hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là thành viên hợp xác xã;

b) Không đồng thời là thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã và không phải là cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con, con nuôi; anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, kiểm soát viên;

c) Điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.

Thành viên hội đồng quản trị liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người đại diện hợp pháp của hợp tác xã thành viên;

b) Không đồng thời là thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng liên hiệp hợp tác xã và không phải là cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con, con nuôi; anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, kiểm soát viên;

c) Điều kiện khác do điều lệ liên hiệp hợp tác xã quy định.

Kiểm soát viên, thành viên ban kiểm soát hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là thành viên hợp tác xã;

b) Không đồng thời là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã và không phải là cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con, con nuôi; anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, thành viên khác của ban kiểm soát;

c) Điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.

Kiểm soát viên, thành viên ban kiểm soát liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người đại diện hợp pháp của hợp tác xã thành viên theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này;

b) Không đồng thời là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng liên hiệp hợp tác xã và không phải là cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con, con nuôi; anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, thành viên khác của ban kiểm soát;

c) Điều kiện khác do điều lệ liên hiệp hợp tác xã quy định.

Giám đốc (tổng giám đốc) phải đáp ứng các điều kiện theo sau đây :

a) Giám đốc hợp tác xã do ủy viên hội đồng quản trị kiêm (đối với hợp tác xã không thuê giám đốc). Không đồng thời là thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, kế toán trưởng, thủ quỹ của cùng hợp tác xã và không phải là cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; vợ, chồng; con, con nuôi; anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát.

b) Giám đốc HTX (đối với hợp tác xã thuê giám đốc) phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và điều lệ quy định theo điều kiện cụ thể của từng loại hình hoạt động của hợp tác xã.

Những người sau đây không được là thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên hoặc giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:

a) Đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh;

b) Đã bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm sở hữu, các tội phạm về quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;

c) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ.

Lê Huy ( Theo Trang Thông tin điện tử Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ )