Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 6)
Luật Hợp tác xã, đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012 tại kỳ họp thứ 4 Khóa XIII và đã được Chủ tịch nước ký Lệnh về việc công bố Luật Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ngày 03 tháng 12 năm 2012. Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 và thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003.
Câu 51: Việc xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào ?
Trả lời:
Theo Điều 50 Luật HTX năm 2012, việc xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như sau:
Kết thúc năm tài chính, nếu phát sinh lỗ thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải xử lý giảm lỗ theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã xử lý giảm lỗ nhưng vẫn không đủ thì sử dụng quỹ dự phòng tài chính để bù đắp; nếu vẫn chưa đủ thì khoản lỗ còn lại được chuyển sang năm sau; khoản lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển các khoản lỗ thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Các khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được xử lý theo quy định của pháp luật và điều lệ.
Câu 52: Xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thế, phá sản được quy định như thế nào ?
Trả lời:
Điều 49 Luật HTX năm 2012 quy định:
Trình tự xử lý vốn, tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
a) Thu hồi các tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Thanh lý tài sản, trừ phần tài sản không chia;
c) Thanh toán các khoản nợ phải trả và thực hiện nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Xử lý tài sản còn lại, trừ tài sản không chia được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Thanh toán chi phí giải thể, bao gồm cả khoản chi cho việc thu hồi và thanh lý tài sản;
b) Thanh toán nợ lương, trợ cấp và bảo hiểm xã hội của người lao động;
c) Thanh toán các khoản nợ có bảo đảm theo quy định của pháp luật;
d) Thanh toán các khoản nợ không bảo đảm;
đ) Giá trị tài sản còn lại được hoàn trả cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ.
Việc xử lý tài sản thực hiện theo thứ tự ưu tiên được quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp giá trị tài sản còn lại không đủ để thanh toán các khoản nợ thuộc cùng một hàng ưu tiên thanh toán thì thực hiện thanh toán một phần theo tỷ lệ tương ứng với các khoản nợ phải chi trả trong hàng ưu tiên đó.
Chính phủ quy định việc xử lý tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể, phá sản.
Theo đó, Điều 21 Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định về xử lý tài sản không chia khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản được xử lý như sau:
Tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Hợp tác xã khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản được xử lý như sau:
a)Phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước thì chuyển vào ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b)Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách hợp tác xã thành viên; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được Điều lệ quy định là tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách hợp tác xã thành viên thì đại hội thành viên quyết định phương án xử lý thích hợp;
c)Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chấm dứt hoạt động; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chấm dứt hoạt động thì đại hội thành viên quyết định chuyển giao cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức khác nằm trên địa bàn nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn;
d)Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.
Trường hợp giải thể, phá sản mà vốn, tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không đủ để thanh toán các khoản nợ thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được sử dụng tài sản không chia theo thứ tự sau đây để thanh toán các khoản nợ:
a)Khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia;
b)Phần trích từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia;
c)Vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.
Câu 53: Việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào ?
Trả lời:
Điều 56 Luật HTX năm 2012 quy định như sau:
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Giải thể, phá sản, bị hợp nhất, bị sáp nhập;
Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không trung thực, không chính xác;
Lợi dụng danh nghĩa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để hoạt động trái pháp luật;
Hoạt động trong ngành, nghề mà pháp luật cấm;
Hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 01 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký;
Chuyển trụ sở chính sang địa phương khác với nơi đăng ký trong thời hạn 01 năm mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Câu 54: Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tá xã được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 61 Luật HTX năm 2012, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như sau:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định, pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Việc kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do Chính phủ quy định.
Điều 22 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định về kế toán, kiểm toán như sau:
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thành viên là pháp nhân phải thực hiện kiểm toán bắt buộc.
Khuyến khích hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện kiểm toán nội bộ.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chế độ tài chính, kếtoán đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Câu 55: Chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 23 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
Chậm nhất vào ngày 31 tháng 3 hàng năm, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã báo cáo trung thực, đầy đủ, chính xác bằng văn bản tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của năm trước đó với cơ quan đăng ký hợp tác xã.
Nội dung báo cáo gồm có: số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên; số lượng lao động, việc làm; kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với thành viên; tài sản, vốn, hoạt động đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn mẫu báo cáo của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và quy định chế độ báo cáo của cơ quan đăng ký hợp tác xã.
Tại Điều 25 Thông tư số 03 ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã như sau:
Chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 hàng năm, hợp tác xã báo cáo trung thực, đầy đủ, chính xác bằng văn bản tình hình hoạt động của hợp tác xã của năm trước đó với cơ quan đăng ký hợp tác xã theo mẫu quy định tại Phụ lục I-18.
Chậm nhất vào ngày 28 tháng 02 hàng năm, cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp huyện tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã của năm trước đó trên địa bàn huyện theo mẫu quy định tại Phụ lục II-13 gửi cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp tỉnh.
Chậm nhất vào ngày 31 tháng 03 hàng năm, cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của năm trước đó trên địa bàn tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục II-14 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp tỉnh, cấp huyện tổng hợp, gửi các cơ quan có liên quan cùng cấp.
Câu 56: Chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lính vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật HTX năm 2012 và Điều 25 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của chính phủ, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi như đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực khác, còn được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi sau đây:
Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
a)Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bao gồm: trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, điện, nước sinh hoạt, chợ, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cửa hàng vật tư nông nghiệp, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên cơ sở các dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b)Các công trình kết cấu hạ tầng được nhà nước hỗ trợ xây dựng theo quy định tại Điểm a Khoản này, sau khi hoàn thành là tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chịu trách nhiệm bảo quản, duy tu và bảo dưỡng các công trình trong quá trình sử dụng.
Chính sách giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
Việc hỗ trợ đất đai đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chính sách ưu đãi về tín dụng
a)Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới hoặc có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh được ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành;
b)Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thuộc diện ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Tùy theo mức độ thiệt hại, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và nhu cầu thực tế, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật hiện hành về việc hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất đối với vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh.
Chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm
a)Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nhu cầu chế biến sản phẩm được hỗ trợ nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư chế biếnsản phẩmquy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 24 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP: Nhà nước hỗ trợ nghên cứu khoa học công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b)Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ưu đãi về tín dụng trong việc triển khai dự án đầu tư chế biến sản phẩm theo quy định tạiKhoản 3 Điều 25 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP.
Câu 57: Chính sách hỗ trợ tổ chức lại hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 26 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tổ chức lại hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ thành lập mới, cụ thể:
Trường hợp đăng ký thay đổi theo quy định của Luật Hợp tác xã thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng các chính sáchhỗ trợ như thành lập mới:
a)Sáng lập viên hợp tác xã được cung cấp miễn phí thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp Luật Hợp tác xã trước khi thành lập hợp tác xã;
b)Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ tư vấn xây dựng điều lệ, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Trường hợp đăng ký do tiến hành sáp nhập, hợp nhất, chia, tách hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí như đối với thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Như vậy tùy từng trường hợp, việc tổ chức lại hoạt động hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ 50% hoặc 100% các kinh phí sau:
– Cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật hợp tác xã.
– Hỗ trợ tư vấn xây dựng điều lệ, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Câu 58: Khi nào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải cấp giấy chứng nhận thành viên của hợp tác xã và hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã? Giấy chứng nhận vốn góp có những nội dung gì ?
Trả lời:
Theo khoản 4 Điều 17 Luật HTX năm 2012, sau khi góp đủ vốn, thành viên, hợp tác xã thành viên được hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp.
Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình.
Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Đối với hợp tác xã thành viên thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số giấy chứng nhận đăng ký của hợp tác xã thành viên; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên;
d) Tổng số vốn góp; thời điểm góp vốn;
đ) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Câu 59: Một người có được giữ chức vụ giám đốc nhiều hợp tác xã không? Tại sao? Cơ chế trả lương cho giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào?
Trả lời:
Luật HTX năm 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX không cấm một người giữ chức vụ giám đốc của nhiều hợp tác xã.
Tuy nhiên khoản 5 Điều 40 của Luật HTX năm 2012 quy định điều kiện để trở thành giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng các quy định của pháp luật và điều lệ hợp tác xã.
Như vậy, nếu điều lệ hợp tác xã có quy định giám đốc (tổng giám đốc) của hợp tác xã không được kiêm nhiệm giám đốc (tổng giám đốc) ở hợp tác xã khác hoặc tổ chức kinh tế khác thì người đó không được làm giám đốc (tổng giám đốc) ở bất kỳ tổ chức kinh tế nào khác ngoài hợp tác xã đó.
Về cơ chế trả lương cho giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như sau:
Khoản 15 Điều 32 Luật HTX năm 2012 quy định đại hội thành viên quyết định: “Mức thù lao, tiền thưởng của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; tiền công, tiền lương và tiền thưởng của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và các chức danh quản lý khác theo quy định của điều lệ”.
Và tại khoản 17 Điều 21 Luật HTX năm 2012 cũng quy định điều lệ hợp tác xã phải xác định: “Nguyên tắc trả thù lao cho thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; nguyên tắc trả tiền lương, tiền công cho người điều hành, người lao động”.
Như vậy, nguyên tắc trả tiền lương, thưởng cho giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ do đại hội thành viên quyết định và được ghi trong điiều lệ.
Câu 60: Đối với các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập theo Luật HTX năm 2003 sau khi hết thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành mà vẫn không chuyển đổi thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Điều 62 Luật HTX năm 2012 quy định:
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không trái với quy định của Luật này thì tiếp tục hoạt động và không phải đăng ký lại.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với quy định của Luật này thì phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng, kể từ khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, sau thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/7/2013, ngày Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, nếu hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nằm trong diện phải chuyển đổi sang tổ chức kinh tế khác hoặc phải đăng ký lại mà không thực hiện thì phải tiến hành một trong các hình thức sau đây:
Nếu muốn tiếp tục hoạt động theo Luật HTX năm 2012 thì người đại diện theoo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có văn bản báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp, với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hộp tác xã về lý do tại sao chưa thực hiện được và xin gia hạn thời giann thực hiện. Nếu được Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chấp thuận thì tiến hành ngay các thủ tục để đăng ký lại trong thời gian được gia hạn.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải giải thể hoặc phá sản, cụ thể:
– Giải thể tự nguyện: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải tuyên bố giải thể tự nguyện và làm các thủ tục giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật HTX năm 2012 và khoản 1 Điều 19 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Sau đó phụ thuộc vào yêu cầu của các thành viên, hoặc thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mới hoặc lựa chọn loại hình tổ chức khác theo nhu cầu của thành viên và tiến hành thực hiện theo quy định của pháp luật đối với tổ chức mới đó.
– Giải thể bắt buộc: Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ ra quyết định giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đó theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật HTX năm 2012 và khoản 2 Điều 19 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã.
– Tuyên bố phá sản: Việc tuyên bố, giải quyết phá sản đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản doanh nghiệp, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Phá sản doanh nghiệp và các văn bản pháp luật về phá sản doanh nghiệp; trừ việc giải quyết tài sản không chia theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật HTX năm 2012. Xử lý tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện theo Điều 21 của Nghị định 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Lê Huy (Theo Trang Thông tin điện tử Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ)
Tin liên quan
- Quy trình thành lập Hợp tác xã
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 1)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 3)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 4)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 2)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 5)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 6)
- Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về “Dự thảo Kế hoạch và Đề cương Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012”
- Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2021 sẽ được tổ chức trong quý III
- Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012