Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 3)

Luật Hợp tác xã, đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012 tại kỳ họp thứ 4 Khóa XIII và đã được Chủ tịch nước ký Lệnh về việc công bố Luật Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ngày 03 tháng 12 năm 2012. Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 và thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003.

Câu 21: Miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng các chức danh quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xảy ra trong trường hợp nào ? Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định việc này ?

Trả lời:

Thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc) bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc chấm dứt hợp đồng nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

a) Bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

b) Tự nguyện xin từ chức;

c) Bị Tòa án tuyên án hình phạt tù hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

d) Trường hợp khác theo quy định của điều lệ hoặc theo quy định trong hợp đồng lao động ký kết giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với giám đốc (tổng giám đốc).

Thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc) sau khi bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc chấm dứt hợp đồng lao động phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình trong thời gian đảm nhiệm chức vụ đó.

Theo khoản 11 Điều 32 Luật hợp tác xã năm 2012. Đại hội thành viên quyết định bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; tăng, giảm số lượng thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát.

Theo khoản 9 và 10 Điều 36 Luật hợp tác xã năm 2012, hội đồng quản trị quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, thuê hoặc chấm dứt hợp đồng thuê giám đốc (tổng giám đốc)theo nghị quyết của đại hội thành viên. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, thuê hoặc chấm dứt hợp đồng thuê phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và các chức danh khác theo đề nghị của giám đốc (tổng giám đốc) nếu điều lệ không quy định khác.

Câu 22: Thế nào là tài sản không chia? Tại sao hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có tài sản không chia?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 4 Luật Hợp tác xã năm 2012 qui định: Tài sản không chia là một bộ phận tài sản của HTX, liên hiệp HTX không được chia cho thành viên, HTX thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách HTX thành viên hoặc khi HTX, liên hiệp HTX chấm dứt hoạt động.

HTX, liên hiệp HTX có tài sản không chia là vì bản chất HTX không chỉ là tổ chức kinh tế thuần túy, mà mang tính xã hội và thường gắn với cộng đồng dân cư trên địa bàn; đối tượng tham gia HTX lúc ban đầu thường là những cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân yếu thế trong xã hội, ít có khả năng góp nhiều vốn vào HTX, nên Luật HTX năm 2012 khuyến khích và cho phép Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, trợ cấp, tặng, cho tài sản cho HTX nhằm giúp HTX phát triển và những khoản trợ cấp, hỗ trợ, tặng, cho này thường không chia cho thành viên khi thành viên ra khỏi HTX hoặc khi HTX chấm dứt hoạt động mà thường được chuyển cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức khác nằm trên địa bàn nhằm mục tiêu phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng dân cư tại địa bàn. Đồng thời, để HTX phát triển lâu dài, HTX được khuyến khích trích quĩ đầu tư phát triển và các tài sản, vốn khác đưa vào tài sản không chia để tích lũy cho mai sau. Vì vậy, HTX mới có tài sản không chia.

Câu 23: Vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tăng, giảm trong trường hợp nào ?

Trả lời:

Điều 43 Luật hợp tác xã năm 2012 quy định về việc tăng, giảm vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã  như sau:

Vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tăng trong trường hợp đại hội thành viên quyết định tăng mức vốn góp tối thiểu hoặc huy động thêm vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc kết nạp thành viên, hợp tác xã thành viên mới.

Vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giảm khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên. Trường hợp vốn điều lệ giảm mà có thành viên, hợp tác xã thành viên có vốn góp vượt quá mức vốn góp tối đa theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 của Luật hợp tác xã năm 2012 thì phải trả lại phần vốn vượt mức vốn góp tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật hợp tác xã năm 2012 hoặc huy động thêm vốn của thành viên, hợp tác xã thành, viên khác hoặc kết nạp thành viên, hợp tác xã thành viên mới để bảo đảm về tỷ lệ vốn góp tối đa theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012 và điều lệ.

Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ sau khi giảm không được thấp hơn vốn pháp định áp dụng đối với ngành, nghề đó.

Câu 24: Tài sản của HTX, liên hiệp HTX được hình thành từ những nguồn nào?

Trả lời:

Điều 48 Luật Hợp tác xã năm 2012 qui định:

Tài sản của HTX, Liên hiệp HTX được hình thành từ các nguồn sau đây:

a) Vốn góp của thành viên, HTX thành viên;

b) Vốn huy động của thành viên, HTX thành viên và vốn huy động khác;

c) Vốn, tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX;

d) Khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước và khoản được tặng, cho khác.

Tài sản không chia của HTX, Liên hiệp HTX bao gồm:

a) Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất;

b) Khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia;

c) Phần trích lại từ quĩ đầu tư phát triển hàng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia;

d) Vốn, tài sản khác được điều lệ qui định là tài sản không chia.

Việc quản lý, sử dụng tài sản của HTX, liên hiệp HTX được thực hiện theo qui định của Điều lệ

Câu 25: Việc chuyển đổi hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012 cần làm thủ tục gì ? Trình tự chuyển đổi thế nào ? Thời gian quy định các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải chuyển đổi xong theo luật hợp tác xã  năm 2012?

Trả lời:

Việc chuyển đổi hợp tác xã theo Luật hợp xã năm 2012 cần làm những thủ tục sau:

Theo Quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật hợp tác xã năm 2012 và tại Điều 7 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hợp tác xã gửi tới cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã có trụ sở chính 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã, gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký lại hợp tác xã;

b) Điều lệ của hợp tác xã được xây dựng theo Điều 21 Luật Hợp tác xã năm 2012;

c) Phương án sản xuất kinh doanh;

d) Danh sách thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

e) Biên bản họp đại hội đại biểu (hay đại hội toàn thể) về việc chuyển đổi đăng ký lại Hợp tác xã đã được biểu quyết thông qua.

Trình tự các bước chuyển đổi đăng ký lại hợp tác xã như sau:

Bước 1: Ban quản trị, chủ nhiệm, ban kiểm soát (hoặc kiểm soát viên) họp bàn các nội dung chuẩn bị cho đại hội chuyển đổi.

Bước 2: Tổ chức tuyên truyền, giải thích cho xã viên hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc chuyển đổi đăng ký lại hợp tác xã; Rà soát lại danh sách xã viên; kiểm kê đánh giá tài sản, vốn hợp tác xã, vốn điều lệ, xác định vốn góp của xã viên; xác định tài sản không chia của hợp tác xã.

Bước 3: Dự thảo bổ sung điều lệ theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP và Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.

Bước 4: Người triệu tập đại hội thành viên phải lập danh sách thành viên, đại biểu thành viên có quyền dự họp; chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu và dự thảo nghị quyết; xác định thời gian, địa điểm và gửi giấy mời đến thành viên, hoặc đại biểu thành viên dự họp. Giấy mời họp phải kèm theo chương trình, tài liệu liên quan đến nội dung đại hội thành viên ít nhất 07 ngày trước ngày đại hội thành viên khai mạc.

Bước 5: Tiến hành đại hội theo quy định

Bước 6: Lập hồ sơ đăng ký hợp tác xã gửi đến phòng tài chính kế hoạch đế làm thủ tục đăng ký lại hợp tác xã.

Thời gian quy định các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải chuyển đổi xong theo luật hợp tác xã năm 2012 như sau:

Theo Quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật hợp tác xã năm 2012 và Điều 32 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày Luật hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với quy định của Luật thì phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng, kể từ khi Luật hợp tác xã  năm 2012 có hiệu lực thi hành từ 01/07/2013.

Câu 26: Xác định giá trị vốn góp của thành viên vào HTX, liên hiệp HTX được qui định như thế nào?

Trả lời:

Khi tham gia HTX, liên hiệp HTX, các thành viên phải tiến hành góp vốn. Thực tế các thành viên góp vốn vào HTX, liên hiệp HTX có thể bằng nhiều hình thức như bằng tiền, hiện vật, tài giản có giá vv …  Tuy nhiên, phải xác định giá trị vốn góp bằng tiền Việt Nam để giúp cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến vốn góp như: xác lập tư cách thành viên; giấy chứng nhận vốn góp; chia lãi; trả lại vốn góp khi ra HTX hoặc chấm dứt tư cách thành viên vv …

Điều 42 Luật Hợp tác xã năm 2012 qui định về việc xác định giá trị vốn góp như sau:

Vốn góp là tiền đồng Việt Nam, các loại tài sản khác được qui đổi ra tiền đồng Việt Nam bao gồm ngoại tệ, hiện vật, giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và các giấy tờ có giá tại thời điểm góp vốn;

Giá trị vốn góp bằng các loại tài sản khác được xác định theo nguyên tắc thỏa thuận giữa HTX, liên hiệp HTX với thành viên, HTX thành viên hoặc thông qua tổ chức thẩm định.

Câu 27: Trình tự trả lại vốn góp cho thành viên của HTX, liên hiệp HTX được qui định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 51 Luật HTX năm 2012, qui định về trình tự trả lại vốn góp cho thành viên của HTX, liên hiệp HTX như sau:

Việc trả lại vốn góp cho thành viên, HTX thành viên chỉ được thực hiện sau khi HTX, liên hiệp HTX đã quyết toán thuế của năm tài chính và đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của HTX, liên hiệp HTX.

Thành viên, HTX thành viên chỉ được trả lại vốn góp sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình đối với HTX, liên hiệp HTX.

Cá nhân hoặc tập thể quyết định việc trả lại vốn góp cho thành viên, HTX thành viên không đúng qui định tại khoản này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho HTX, liên hiệp HTX.

Việc trả lại vốn góp cho thành viên, HTX thành viên do điều lệ qui định, phù hợp với qui định tại khoản 1 nêu trên và các qui định của pháp luật có liên quan.

Câu 28: Việc phân phối thu nhập của HTX, liên hiệp HTX được qui định như thế nào?

Trả lời:

Điều 46 Luật HTX năm 2012 qui định:

Sau khi hoàn thành nghĩa vị tài chính theo qui định của pháp luật, thu nhập của HTX, liên hiệp HTX được phân phối như sau:

Trích lập quĩ đầu ta phát triển với tỷ lệ không thấp hơn 20% trên thu nhập; trích lập quĩ dự phòng tài chính với tỷ lệ không thấp hơn 5% trên thu nhập;

Trích lập các quĩ khác (Quĩ phúc lợi, quĩ khen thưởng, quĩ đào tạo nhân lực …) do đại hội thành viên quyết định;

Thu nhập còn lại sau khi đã trích lập các quĩ theo qui định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Luật HTX năm 2012 được phân phối cho thành viên, HTX thành viên theo nguyên tắc sau:

a) Chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, HTX thành viên; theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với HTX tạo việc làm;

b) Phần còn lại được chia theo vốn góp;

c) Tỷ lệ và phương thức phân phối cụ thể do điều lệ HTX, liên hiệp HTX qui định;

Thu nhập đã phân phối cho thành viên, HTX thành viên là tài sản thuộc sở hữu của thành viên, HTX thành viên. Thành viên, HTX thành viên có thể giao thu nhập đã phân phối cho HTX, Liên hiệp HTX quản lý, sử dụng theo thỏa thuận với HTX, liên hiệp HTX.

Khi phân phối thu nhập, các HTX phải ưu tiên trích lập quĩ đầu tư phát triển và quĩ dự phòng. Đồng thời cần quan tâm thích đáng đến việc phân phối thu nhập theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên đối với HTX để khuyến khích và tạo gắn kết thành viên với HTX nhằm đảm bảo kết hợp lợi ích của thành viên và sự phát triển HTX.

Câu 29: Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các HTX, liên hiệp HTX được qui định như thế nào?

Trả lời:

Theo qui định tại khoản 1 Điều 6 Luật HTX năm 2012, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ sau đây đối với HTX, liên hiệp HTX:  Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xuacs tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quĩ hỗ trợ phát triển HTX; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội; thành lập mới HTX, liên hiệp HTX.

Chi tiết được qui định tại Điều 24 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ như sau:

Chính sách đáo tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:

Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo chính quy, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với cán bộ quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên hợp tác xã.

Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Nhà nước hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia các triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức các hội chợ, triển lãm dành riêng cho khu vực hợp tác xã; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới

a) Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và cấp tỉnh hàng năm dành một phần kinh phí hỗ trợ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đổi mới, ứng dụng công nghệ và thông báo kết quả thực hiện cho cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

b) Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

a) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn được ưu đãi về lãi suất và bảo lãnh tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; ưu tiên vay vốn tín dụng từ ngân hàng phát triển và các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật; được vay ưu đãi theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn quy định tại Điểm này.

Chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ năng lực được ưu tiên tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội sau đây:

a) Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn và quản lý các công trình sau khi hoàn thành, kể cả các công trình chợ và công trình hạ tầng phục vụ phát triển cụm công nghiệp và cụm làng nghề ở nông thôn;

b) Các dự án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác trên địa bàn phù hợp với khả năng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Chính sách thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

a) Sáng lập viên hợp tác xã được cung cấp miễn phí thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật hợp tác xã trước khi thành lập hợp tác xã;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hỗ trợ tư vấn xây dựng điều lệ, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Câu 30: Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ và quyền hạn gì đối với thành viên ?

Trả lời:

Nhiệm vụ: Khoản 2 Điều 3 Điều lệ Liên minh HTX Việt Nam qui định nhiệm vụ của Liên minh HTX Việt Nam đối với thành viên:

a) Tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển HTX và Liên hiệp HTX;

b) Tập hợp ý kiến, nguyện vọng của thành viên để phản ánh, kiến nghị và đề xuất với Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chính sách, pháp luật có liên quan, phối hợp tham gia xây dựng các văn bản pháp luật;

c) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên;

d) Tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ, các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa phát triển HTX, liên hiệp HTX. Tổng kết và phổ biến kinh nghiệm của các HTX điển hình tiên tiến, tổ chức các phong trào thi đua trong hệ thống Liên minh;

đ) Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ cho các thành viên về pháp lý, đầu tư, khoa học công nghệ, thông tin, tài chính, tín dụng, thị trường và các lĩnh vực khác;

e) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống Liên minh; cán bộ quả lý, xã viên (thành viên) và người lao động trong các HTX và các thành viên khác;

g) Chủ trì hoặc tham gia triển khai thực hiện các chương trình, dự án và các hoạt động dịch vụ công có mục tiêu phát triển HTX, liên hiệp HTX;

h) Tổ chức các hoạt động kinh tế vì mục tiêu phát triển Liên minh và hỗ trợ thành viên;

i) Tham gia các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức ở các nước; tiếp nhận và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, các khoản viện trợ để phát triển HTX, liên hiệp HTX;

k) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tường chính phủ giao.

Quyền hạn: Khoản 4 Điều 7 và Điều 8 Điều lệ Liên minh HTX Việt Nam qui định quyền hạn của Liên minh HTX Việt Nam như sau:

a) Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam ban hành qui định về kết nạp và khai trừ thành viên;

b) Qui định mức hội phí, thể thức đóng góp hội phí theo đúng qui định của pháp luật hiện hành;

Lê Huy (Theo Trang Thông tin điện tử Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ)


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam