Hội thảo “Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - Sự tham gia của khu vực Hợp tác xã Việt Nam”

Sáng ngày 14/10, tại Ninh Bình, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Viện FNF CHLB Đức tổ chức Hội thảo “Xây dựng và Phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu – Sự tham gia của khu vực Hợp tác xã Việt Nam”.

Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Ông Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia FNF Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đoàn, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NN& PTNT; Bà Phạm Thị Hồng Yến, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Liên minh HTX Việt Nam; Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình và hơn 100 đại biểu đại diện cho Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, các bộ nghành liên quan, một số tổ chức nước ngoài và đại diện một số HTX nông nghiệp tiêu biểu trên cả nước.

Hội thảo diễn ra với 3 phiên chuyên đề, 9 bài tham luận nhằm làm rõ mục đích chính tổ chức Hội thảo là: Đánh giá thực trạng chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam và đề xuất các giải pháp thúc đẩy các HTX  tham gia chuỗi giá trị; Đánh giá các cơ hội và thách thức đối với khu vực HTX Việt Nam khi tham gia xuất khẩu hàng hóa, nông sản ra thị trường thế giới; Trao đổi và thảo luận về các phương hướng xây dựng mạng lưới xuất khẩu nông sản sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; Nghiên cứu các thông tin liên quan đến quy định về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nông sản xuất khẩu, các yêu cầu cần và đủ để các HTX tham gia chuỗi giá trị NS xuất, góp phần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho các HTX.

Ông Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia FNF Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết kinh tế tập thể, HTX phát triển rộng khắp, đã và đang trở thành phương thức tổ chức hoạt động kinh tế, đời sống của xã hội văn minh, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế bao trùm, kinh tế chia sẻ trên thế giới, các thành viên trong xã hội đều hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau. Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 25.282 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tới 64%, tương đương với 16.240 HTX. Khu vực HTX nông nghiệp đang phát triển với sự xuất hiện của nhiều mô hình HTX kiểu mới. Trong đó, mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị là một hướng đi giúp HTX có thể phát triển lâu dài và bền vững. Với mô hình chuỗi giá trị, các HTX tham gia chuỗi sẽ được đảm bảo ổn định từ khâu dịch vụ đầu vào, sản xuất và đầu ra của sản phẩm, thông qua mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Hội thảo “Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - Sự tham gia của khu vực Hợp tác xã Việt Nam” sẽ là diễn đàn để các HTX có thể chia sẻ những tâm tư, vướng mắc của mình khi tham gia chuỗi giá trị và đưa ra những kiến nghị, đề xuất về chính sách đối với khu vực HTX.

Quang cảnh Hội thảo

Tại phiên thứ nhất với chủ đề: “Chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - Cơ hội và thách thức đối với HTX”, tập trung vào một số vấn đề như: Thực trạng chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam - Đề xuất các giải pháp thúc đẩy xây dựng và phát triển chuỗi giá trị đối với HTX; Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nông sản theo chuỗi giá trị - Cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam; Xây dựng mạng lưới xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc - Sự tham gia của khu vực HTX; Ứng dụng nền tảng kinh tế số trong phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu – Sự tham gia của khu vực HTX.

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng viện KH nông nghiệp Việt Nam cho rằng để thúc đẩy xây dựng và phát triển chuỗi giá trị đối với HTX Việt Nam cần có chính sách thu hút đầu tư vào khu vực HTX nông nghiệp như: Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sinh viên các trường đại học khi ra trường có thể về làm cho các HTX; Cần đầu tư xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường và sản xuất, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn đặt hàng của thị trường xuất khẩu cũng như tiếp tục miễn thuế cho các HTX nông sản khi xuất khẩu.

Đại biểu chủ trì, điều hành các phiên thảo luận của Hội thảo

Phiên thứ hai với chủ đề: “Giải pháp đẩy mạnh HTX tham gia chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu” các đại biểu thảo luận một số vấn đề: Vai trò của HTX khi tham gia chuỗi giá trị và các chính sách đối với HTX tham gia chuỗi; Giải pháp ứng dụng quản trị tinh gọn Made in Vietnam tại HTX sản xuất nông sản xuất khẩu gắn với chuỗi giá trị; Phát triển chuỗi giá trị trong các HTX tại Ninh Bình; Điều kiện và giải pháp đẩy mạnh HTX tham gia chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu; Đặc trưng của chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu và hàm ý chính sách trong bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác - Bộ NN & PTNT cho rằng để phát triển HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị các HTX nông nghiệp phải đổi mới tổ chức quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, tham gia mạnh hơn nữa vào liên kết chuỗi giá trị để tăng sức cạnh tranh, cùng với đó về phía Nhà nước cần phải thực hiện một số giải pháp đồng bộ như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX thông qua bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX; Đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất theo chuỗi, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về VSATTP; Rà soát và đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp và liên kết cũng như bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các HTX hiện đang gặp phải.

Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 45 HTX, Liên hiệp HTX sản xuất các sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị. Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã đặt ra chủ trương trong phát triển HTX cần phải quan tâm trước hết 3 yếu tố: giá đầu vào tốt, chất lượng sản phẩm tốt, sản phẩm đầu ra ổn định và điều quan trọng phải tập trung hướng tới đó là đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản và xây dựng thương hiệu để tăng giá trị của sản phẩm.

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Viện Quản trị Tinh gọn GKM cho biết mô hình Quản trị tinh gọn Made in Vietnam khi được triển khai đồng loạt trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là lời giải thực tiễn trong việc nâng cao năng suất chất lượng giá trị hàng nông sản Việt tại thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế đất nước.

Kết thúc 2 Phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu tham dự Lễ khai trương Siêu thị nông sản an toàn và sản phẩm OCOP vùng miền và tham quan mô hình hoạt động của HTX Nông sản – Du lịch Tam Điệp tại xã Đông Sơn, Thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Trung tâm Thông tin- Tuyên truyền


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam