Lịch sử phát triển

Ngày 11 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư­ gửi điền chủ nông gia Việt Nam kêu gọi tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Sau lời kêu gọi của Ngư­ời, hàng loạt cơ sở kinh tế hợp tác đ­ược thành lập và các hợp tác xã phát triển mạnh mẽ vào những năm 50-60 của thế kỷ XX. Cùng với quá trình phát triển của phong trào hợp tác xã ở Việt Nam, các cơ quan quản lý, tổ chức đại diện và hỗ trợ cho các hợp tác xã cũng từng bước được  thành và phát triển. Năm 1955, Ban quản lý hợp tác xã mua bán Việt Nam được thành lập. Đến năm 1961 thành lập Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp Việt Nam. Đây là hai tổ chức cấp quốc gia quản lý, đại diện, hỗ trợ các hợp tác xã mua bán và tiểu thủ công nghiệp trên quy mô cả nước.

Ngày 18/12/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định số 409/CT thành lập Hội đồng Trung ương lâm thời các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Trung ương và Ban quản lý hợp tác xã mua bán Việt Nam. Ngày 30/10/1993, Đại hội đại biểu toàn quốc các hợp tác xã Việt Nam lần thứ nhất được tiến hành. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội đồng Trung ương Liên minh các hợp tác xã Việt Nam là tổ chức hỗ trợ, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích cho các hợp tác xã thuộc các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, xây dựng và các ngành nghề phi nông nghiệp khác. Điều lệ của Hội đồng Liên minh hợp hợp tác xã Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y tại Quyết định số 582-TTg/QĐ ngày 01/12/1993. Đến nay, Điều lệ của Liên minh hợp tác xã Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y tại Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 24/01/2017.

Kể từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 1996, có hiệu lực thi hành từ 01/01/1997 đến Luật Hợp tác xã 2003 và Luật Hợp tác xã  năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho khu vực hợp tác xã phát triển.

Ngày 23/7/2021, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 1328/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA), do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của VCA thông qua ngày 21/12/2020. Quyết định này thay thế Quyết định 105/QĐ-TTg ngày 24/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Điều lệ VCA có 8 Chương, 29 điều, trong đó quy định: VCA là tổ chức đại diện của HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) và tổ chức khác, được thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động liên quan đến kinh tế tập thể, HTX tự nguyện tham gia (thành viên). Theo Điều lệ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã tự nguyện tham gia (sau đây gọi chung là thành viên); bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Luật Hợp tác xã năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023 (thay thế Luật HTX năm 2012), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã năm 2023 bao gồm 115 điều, 12 chương (tăng 51 điều, 3 chương so với Luật HTX năm 2012, trong đó có 3 chương mới là chương II (Chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), chương VIII (Kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), chương IX (Tổ hợp tác).

Luật Hợp tác xã năm 2023 ra đời giúp tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên, bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, trên cơ sở tôn trọng bản chất Hợp tác xã, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Một trong những quan điểm, chính sách được thể hiện rõ nét thông qua những điểm mới trong Luật Hợp tác xã năm 2023 là việc hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã.


Tin liên quan

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam