Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến, góp ý chi tiết đối với Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được quy định tại Quyết định số 1328/QĐ-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, từ ngày 1/02/2023 đến ngày 5/02/2023 Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến, góp ý chi tiết đối với Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì Hội nghị
Hội nghị tổ chức tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; cùng đại diện Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; một số đồng chí nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; lãnh đạo một số Ban, đơn vị trực thuộc; đại diện HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân; chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX).
Theo báo cáo Tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã có 146 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại 19 Tổ và Hội trường.
Trong đó, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi), thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả và bền vững; phát huy vai trò kinh tế tập thể trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, xu thế phát triển kinh tế hợp tác trên thế giới; thu hút nhiều thành viên tham gia; góp phần thay đổi về nhận thức, tập quán, phương thức sản xuất của nhân dân, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa làm thu hẹp đất sản xuất; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Hợp tác xã năm 2012 như đã được nêu tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật;…
Về một số nội dung cụ thể như tên gọi của dự án Luật, đa số ý kiến thống nhất với phương án 2, đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, theo đó đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và do nội hàm các tổ chức kinh tế hợp tác bản chất vẫn là HTX.
Tên gọi “Luật Hợp tác xã” gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đã quen thuộc từ Luật hiện hành, đã đi vào cuộc sống, tâm thức của người dân từ hơn 25 năm qua, vừa đảm bảo phạm vi, đối tượng điều chỉnh, vừa tránh phát sinh các chi phí xã hội và các tác động không mong muốn nếu đổi tên do phải sửa đổi các luật và văn bản pháp luật liên quan, nhất là trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Việc đổi tên cũng không làm thay đổi nội hàm của Luật; nếu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cũng không cần thiết phải đổi tên Luật; tên “các tổ chức kinh tế hợp tác” quá rộng dẫn đến cách hiểu là quan hệ hợp tác giữa các tổ chức kinh tế; các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác khác trong dự thảo Luật chưa đủ rõ, thiếu cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn.
Về Liên đoàn Hợp tác xã, nhiều ý kiến đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đền Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này, việc luật hóa sẽ xem xét điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu xây dựng thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW; việc đưa mô hình Liên đoàn Hợp tác xã vào Luật cần xem xét đã đủ cơ sở pháp lý chưa, đã đủ điều kiện để tổ chức hay chưa trong khi chưa tổng kết đánh giá thực tiễn mà quy định ngay sẽ không lường hết những vấn đề có liên quan.
Quang cảnh Hội nghị
Về tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã, nhiều ý kiến cho rằng thực tế tại nước ta đang tồn tại loại hình Liên minh Hợp tác xã với quy mô toàn quốc và Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh đang được giao chức năng, nhiệm vụ, có vai trò trong việc đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích của các HTX, thực hiện vai trò hỗ trợ phát triển các loại hình HTX. Quy định tại dự thảo Luật về vai trò, trách nhiệm của hệ thống Liên minh HTX còn khá mờ nhạt trong khi kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế chính, do đó đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định về hệ thống Liên minh HTX từ Trung ương đến địa phương với các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động; quy định rõ về chức năng nhiệm vụ và cần phải tăng cường hơn vai trò, quyền của Liên minh HTX để việc hỗ trợ hoạt động HTX được đầy đủ hơn;…
Trong 5 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến góp ý chi tiết tại 12 chủ đề chính như: Tên Luật Hợp tác xã; Những quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…; Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Các bước thành lập, nội dung điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Mô hình quản trị của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức lại, giải thể, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Các bước thành lập, quyền và nghĩa vụ, thành viên của Tổ hợp tác; Quản lý nhà nước đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;…
Lê Huy - Quang Trung
Tin liên quan
- Quy trình thành lập Hợp tác xã
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 1)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 3)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 4)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 2)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 5)
- Hỏi đáp Luật Hợp tác xã năm 2012 ( Phần 6)
- Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về “Dự thảo Kế hoạch và Đề cương Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012”
- Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2021 sẽ được tổ chức trong quý III
- Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012