Hòa Bình:

Mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã và đang phát huy đúng tinh thần mà Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nhiều HTX cung ứng, tiêu thụ sản phẩm lương thực, thực phẩm, hàng chế biến đang thể hiện rõ vai trò của mình trong chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh.

Thực tế cho thấy các mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 54 chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm bền vững, trong đó có một số mô hình sản xuất hiệu quả nổi bật như mô hình Trồng chuối Thái Lan xuất khẩu của Hợp tác xã sản xuất chế biến nông thủy sản Phú Cường - Sông Đà tại thành phố Hoà Bình Diện tích sản xuất khoảng 30ha, sản lượng 750 tấn/năm. HTX hoạt động theo mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, áp dụng công nghệ tưới tự động, quy trình sản xuất VietGAP và đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Hiện nay sản phẩm của HTX chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mô hình Trồng và chế biến các sản phẩm từ cam, quýt, bưởi của Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong tại huyện Cao Phong với diện tích sản xuất 43,92ha cam, sản lượng khoảng 600 tấn/năm. Sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX đã xây dựng liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tại Quảng Nam, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình và một số tỉnh thành khác để tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên. Hay như mô hình hăn nuôi Gà Lạc Thủy của Hợp tác xã nông nghiệp Minh Đức tại huyện Lạc Thủy vớ quy mô chăn nuôi trên 02 triệu con gà/năm, sản lượng 40 tấn gà thịt/năm; doanh thu hằng năm đạt trên 02 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. HTX đã được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP; các sản phẩm gà thịt, trứng, gà giống được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh miền Bắc. Đây là mô hình sản xuất theo trạng trại tập trung, có áp dụng lò ấp hiện đại. Mô hình Nuôi cá lòng hồ Sông Đà của HTX dịch vụ và sản xuất nông lâm nghiệp Hiền Lương tại huyện Đà Bắc: Quy mô 9000m2 với 40 lồng cá thịt, 15 lồng cá giống, sản lượng 170 tấn/năm và được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX liên kết với thành viên, người dân tại địa phương trong sản xuất và tiêu thụ, sản phẩm của HTX được một số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, thu mua và phân phối tại thị trường thành phố Hà Nội.

Hoạt động kinh tế tập thể đã góp phần thúc đẩy và hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Các HTX bước đầu thực hiện được vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn…

                                                                                                                                                CTV Thanh Tâm

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình

 


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam