Một hợp tác xã ở Cà Mau đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC đầu tiên của cả nước, nuôi toàn tôm sú, cua biển
HTX Chế biến - Thương mại – Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (gọi tắt là HTX Cái Bát), có địa chỉ tại xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau là HTX đầu tiên của cả nước đạt chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (gọi tắt là ASC). Sản phẩm chính của HTX là tôm sú, cua biển...
Chính thức được cấp phép hoạt động vào năm 2014, với 12 thành viên, đến nay, qua 10 năm, HTX đã có 26 thành viên chính thức, và 104 thành viên liên kết, nguồn vốn điều lệ 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Ân – Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát cho biết, chứng nhận ASC là một tiêu chuẩn quốc tế dựa trên 4 nền tảng chính bao gồm: Môi trường; xã hội; an sinh động vật, và an toàn thực phẩm.
Đây là tiêu chuẩn quốc tế cao nhất về thủy sản. Mục tiêu mà chứng nhận này hướng đến là sản xuất phải có trách nhiệm. Khi có được chứng nhận ASC thì sản phẩm của bà con làm ra có thể được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Brasil.
Lấy vùng nuôi làm tiêu chuẩn chính
Ông Nguyễn Hoàng Ân khẳng định, để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, các thành viên của HTX xã luôn kiên định việc lấy vùng nuôi làm tiêu chuẩn chính trong sản xuất.
"Vùng nuôi là điều kiện quan trọng nhất để tạo ra nguyên liệu làm nên sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước", ông Ân nói.
Ông Nguyễn Hoàng Ân (bên phải) cho biết, HTX Cái Bát là đơn vị đầu tiên trên cả nước đạt chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (gọi tắt là ASC). Ảnh: An An.
Hiện tại, HTX có quy mô sản xuất với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 178 ha; chế biến các mặt hàng thủy sản các loại, đạt 50 - 60 tấn/năm.
Ông Trần Văn Hồng – Giám đốc HTX Cái Bát cho biết, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của đơn vị là nuôi trồng thuỷ sản, sơ chế chế biến, thương mại dịch vụ các mặt hàng thủy sản.
Theo ông Hồng, để phấn đấu, HTX đưa ra chỉ tiêu về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể như: lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tôm sú giống chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 1200 tấn (đến 2022 đã đạt 400 tấn); cua biển đến năm 2025 đạt 400 tấn (đến 2022 đã đạt 180 tấn)…
Ông Nguyễn Hoàng Ân – Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát giới thiệu về sản phẩm tôm sú cấp đông của HTX được chứng nhận OCOP 4 sao, và chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu năm 2023 tại một Hội chợ diễn ra ở Cà Mau. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ban lãnh đạo HTX Cái Bát cho biết, quy trình hoạt động của HTX rất đơn giản. Nghĩa là, đất đai của thành viên nào thì thành viên ấy tự sản xuất, nhưng phải theo quy trình và kỹ thuật nuôi của HTX đưa ra, và khi các thành viên tạo ra sản phẩm thì sẽ được HTX thu mua lại để bán ra thị trường.
"Việc làm này đem lại lợi ích kép, vừa giúp cho các thành viên có được đầu ra sản phẩm ổn định, bán được giá cao hơn so với giá ngoài thị trường", ông Nguyễn Hoàng Ân – Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát nói và cho biết, với quy trình này vừa đem lại lợi ích cho thành viên, vừa tạo ra nguồn thu để HTX có điều kiện hoạt động.
HTX hiện có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và được tiêu thụ tại TP.Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt là có mặt trong siêu thị AEO ở Long Biên, Hà Đông… Ảnh: HTX cung cấp
Ông Nguyễn Văn Kiệt – thành viên HTX Cái Bát cho biết, khi tham gia vào HTX, các thành viên còn được hưởng lợi ích chung từ các chương trình của Nhà nước hỗ trợ cho kinh tế tập thể; thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ bảo đảm được năng suất ổn định.
"Sản phẩm sản xuất ra được gắn liền với thương hiệu HTX Cái Bát, được phân chia lợi nhuận theo quy chế của HTX, và được hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn điều lệ đóng góp vào HTX", ông Kiệt chia sẻ.
Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP
Hiện tại, HTX có 5 sản phẩm OCOP, và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực như:
Sản phẩm tôm sú cấp đông được chứng nhận OCOP 4 sao, và chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu năm 2023; sản phẩm bánh phồng tôm được chứng nhận OCOP 4 sao; sản phẩm tôm khô đạt chứng nhận OCOP 3 sao; sản phẩm chả cá phi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, và sản phẩm cua biển sống đạt OCOP 3 sao.
Sản phẩm cua biển sống của HTX Cái Bát đạt OCOP 3 sao đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện các thành viên của HTX áp dụng mô hình nuôi cua 2 giai đoạn đạt 350 kg/ha/năm. Ảnh: An An
Ông Nguyễn Hoàng Ân – Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát cho biết, HTX được cấp chứng nhận ISO 9001:2015 (ngày 26/12/2023) cho nhà xưởng sơ chế và chế biến-sản xuất.
Đặc biệt là HTX có vùng nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế ASC và chứng nhận hữu cơ; được đánh giá vùng nuôi tôm, cua an toàn thực phẩm, các ao nuôi truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu.
"Với các sản phẩm của HTX làm ra được tiêu thụ tại TP.Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt là có mặt trong siêu thị AEO ở Long Biên, Hà Đông…", ông Nguyễn Hoàng Ân nói.
Với thành tích đạt được, HTX Cái Bát vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét chọn biểu dương HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
HTX Cái Bát còn nhận được nhiều bằng khen của Bộ NNPTNT về thành tích xuất sắc trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; thành tích xuất sắc trong xây dựng hội nghề cá; bằng khen của Bộ NNPTNT về đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể năm 2018 – 2019, và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau.
Theo Dân Việt
Tin liên quan
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An thực sự phải là nòng cốt để phát triển kinh tế tập thể
- Nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho các hợp tác xã
- VCA hỗ trợ HTX Muối Tuyết Diêm giữ nghề truyền thống, phát triển bền vững theo chuỗi giá trị
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với HTX Tân Bình, Đồng Tháp
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với Hội quán tại Đồng Tháp
- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về tình hình KTHT, HTX
- Kinh tế hợp tác Hải Phòng: Một năm nhìn lại!
- Cụm Tây Bắc tổng kết tình hình KTHT, HTX và hoạt động Liên minh HTX 7 tỉnh
- Hiệu quả từ mô hình thu gom rác thôn An Lợi ở Quảng Trị
- Ninh Bình: Các cấp ngành vào cuộc phát triển HTX