Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp trong mùa dịch Covid-19

Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội: Hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh

Hiện nay, cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội dừng hoạt động khiến việc tiêu thụ nông sản của người nông dân nói chung và của các hợp tác xã nông nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp trong mùa dịch Covid-19” do Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội đã có cuộc trao đổi về những giải pháp cho hợp tác xã trong tình hình dịch Covid-19

Phóng viên: Giữa bối cảnh chung tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp như hiện nay, các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn như thế nào trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, thưa Ông?

Ông Nguyễn Tiến Phong: Ngay từ đầu năm 2020, khi tình hình dịch bênh diễn ra trên cả nước, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị thành viên tổ chức được 10 điểm bán hàng tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã gặp khó khăn trong vùng dịch Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội,… Đợt dịch bệnh này cũng có rất nhiều hợp tác xã gặp khó khăn trong tiêu thụ nhưng do bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn thành phố phức tạp nên Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cũng không tổ chức được các điểm bán hàng. Đây cũng là điều chúng tôi hết sức trăn trở.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động Liên minh hợp tác xã thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh hợp tác xã thành phố hỗ trợ tối đa cho các thành viên, các hợp tác xã vay vốn cũng như gia hạn nợ cho các hợp tác xã, thành viên gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Phóng viên: Ông có cho rằng việc giải cứu là một giải pháp hữu hiệu nhất cho người nông dân để tiêu thụ sản phẩm nông sản không thưa Ông?

Ông Nguyễn Tiến Phong: Trong thời gian tới, Liên minh hợp tác xã thành phố sẽ tập trung nguồn vốn để hỗ trợ cho các hợp tác xã phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Chúng tôi cũng nhận thức được sản phẩm nông sản là kết tinh công sức và trí tuệ của người nông dân. Việc giải cứu không đánh giá được vai trò của người nông dân cũng như chất lượng của nông sản. Cần định hướng các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, cũng như tăng cường liên kết, bao tiêu sản phẩm, áp dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay Liên minh hợp tác xã cũng báo cáo với UBND Thành phố Hà Nội xây dựng đề án củng cố các hợp tác xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với đó là thực hiện quyết định 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Kinh tế tập thể, Hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021của Thành ủy Hà nội về Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 -2025. Có thể thấy vai trò của hợp tác xã là rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điểm bán hàng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của các hợp tác xã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội tháng 02/2021

Phóng viên: Xin Ông cho biết Hà Nội đã có những biện pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân trong tình hình gặp nhiều vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng như sản xuất hiện nay?

Ông Nguyễn Tiến Phong: Hiện nay giải pháp căn cơ nhất là toàn thể nhân dân trên thành phố cũng như cả nước cùng chung tay dập tắt dịch bệnh nhanh chóng để các hợp tác xã sớm tổ chức lại sản xuất, phục hồi nền kinh tế trên cả nước. Cùng với đó chúng tôi cũng tổng hợp những khó khăn của các hợp tác xã trên địa bàn, báo cáo với Thành phố để sớm đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời. Chúng tôi cũng lên kế hoạch khi dịch bệnh được đẩy lùi sẽ tận dụng nguồn vốn của Liên minh hợp tác xã do thành phố cấp, hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân vay vốn để nhanh chóng phục hổi sản xuất kinh doanh.

Phóng viên: Có thể nói Thủ đô Hà Nội bị ảnh hưởng khá nặng nề về mọi mặt, mọi ngành nghề từ khi dịch bệnh bùng phát. Nếu những khó khăn này kéo dài sẽ dẫn đến những hậu quả như thế nào thưa Ông?

Ông Nguyễn Tiến Phong: Do đặc thù của Hà Nội, sản phẩm nông nghiệp phục vụ chung cho nhu cầu của người dân, nếu không mở cửa được nền kinh tế, sản phẩm tạo ra sẽ không tiêu thụ được, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sinh sống trên địa bàn thành phố cũng như các hợp tác xã. Như chúng ta đã biết hợp tác xã là tập hợp những người yếu thế, vốn ít. Nếu dịch bệnh kéo dài thì chắc chắn các hộ nông dân sẽ không có thu nhập, sẽ không có điều kiện để phục hồi sản xuất. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường trong xã hội.

Phóng viên: Ông có mong muốn gì từ chính sách để cho các hợp tác xã nông nghiệp ngày một phát triển, để người nông dân không còn lao đao vì nông sản rớt giá thảm, đặc biệt trong dịch Covid 19 hiện nay?

Ông Nguyễn Tiến Phong: Trong những năm qua, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm đên phát triền hợp tác xã nói chung, trong đó có hợp tác xã nông nghiệp nói riêng. Trong quyết định 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về  việc Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 có các nội dung chính như: đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân về vai trò, vị trí của hợp tác xã trong đời sống kinh tế xã hội. Chính sách về hướng dẫn, tổ chức, tạo điều kiện, vận động thành lập các hợp tác xã mới hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị. Nâng cao năng lực quản lý cho các thành viên hợp tác xã. Tiếp tục củng cố các hợp tác xã đang hoạt động. Tập trung hỗ trợ hợp tác xã xây dựng cơ sở hạ tầng. Đưa nhiều người trẻ tuổi có trình độ chuyên môn cao về làm việc cho hợp tác xã.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ kiện toàn hoạt động của Quỹ theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Cùng với đó, Liên minh hợp tác xã thành phố cũng chủ động đề xuất với thành phố Hà Nội bổ sung kinh phí để có đầy đủ điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho các hợp tác xã trên địa bàn Thành phố.

Phóng viên: Cảm ơn Ông về buổi trao đổi này

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1262 Hợp tác xã nông nghiệp trong đo có 1089 hợp tác xã đang hoạt động, 173 hợp tác xã đã ngừng hoạt động. Hiện nay Hà Nội có 6 ngành hàng là sản phẩm chủ lực: giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm trồng trọt và sản phẩm sơ chế.


Lê Huy (ghi)


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam