Phú Thọ: Đảm bảo nguồn cung thực phẩm tươi sống trong mọi tình huống

Thực phẩm tươi sống là lương thực thiết yếu trong cuộc sống của con người. Để đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong mọi tình huống, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, thời gian này bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đang khắc phục khó khăn vừa tăng gia sản xuất, vừa triển khai các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. 

Thành viên Hợp tác xã Rau an toàn Tứ Xã (huyện Lâm Thao) thực hiện giãn cách để sản xuất nông nghiệp

Những ngày qua, bà con nông dân tại các vùng chuyên canh rau trên địa bàn huyện Lâm Thao vẫn cần mẫn bám đồng ruộng để sản xuất nhưng đồng thời cũng áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Hơn 2 sào rau trồng chủ yếu là rau xà lách, rau húng bạc hà, rau cải của gia đình chị Chử Thị Ngà ở khu 11, xã Tứ Xã đang vào vụ thu hoạch. Mỗi ngày cũng mang về cho gia đình chị từ 200.000 - 250.000 đồng. Chị Ngà cho biết: Những ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng và chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, do đó ngay cả khi thu hoạch, chăm sóc rau chúng tôi đều tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, găng tay, không tập trung đông người… Ngoài ra, do liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Omega Hà Nội chi nhánh Phú Thọ nên sản phẩm của tôi cũng như của các hộ gia đình cùng liên kết được đóng gói bao bì, dán tem truy suất nguồn gốc theo quy trình khép kín và được Công ty thu mua tại ruộng, không phải mang ra chợ để bán nên cũng giảm khả năng lây lan của dịch bệnh.
Ông Bùi Hữu Tư - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Omega Hà Nội chi nhánh Phú Thọ cho biết: Nhằm đảm bảo cung ứng rau xanh, nhất là nguồn rau an toàn cho thị trường trong thời gian chống dịch Covid-19, Công ty đang vận động các hộ trồng rau tiếp tục tham gia vào các mô hình liên kết và tiêu thụ rau an toàn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Công ty đã phối hợp với các hộ liên kết chủ động xây dựng phương án sản xuất, đúng cơ cấu mùa vụ, đảm bảo năng suất, chất lượng đầu ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Huyện Tam Nông hiện có 402 trang trại, gia trại. Trong đó có 56 trang trại chăn nuôi lợn, gà; 14 trang trại thủy sản; 71 trang trại tổng hợp; 261 gia trại và nhiều mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Ông Kiều Quốc Phong - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết: Bà con nông dân trên địa bàn huyện đang nỗ lực khắc phục khó khăn để tăng gia sản xuất. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của chính quyền địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc đeo khẩu trang, không tụ tập thành nhóm lao động sản xuất đông người.
Hiện các trang trại, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh cũng đang tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 cùng với duy trì hoạt động sản xuất để cung ứng lương thực cho thị trường.
Thành viên Hợp tác xã rau, củ quả Liên Mạnhở xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) chăm sóc rau an toàn
Để đảm bảo lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã đã chủ động tích cực đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết hàng hóa. Nhờ đó, trong quý I/2020, nhiều diện tích rau màu, cây ăn quả trên địa bàn cũng đã được nông dân kịp thời xuống giống và đang sinh trưởng, phát triển thuận lợi với 5.590ha ngô, 4.380ha rau các loại, 2.850ha lạc…
Riêng ngành chăn nuôi, nhờ tổ chức dập dịch tốt cùng với định hướng, hỗ trợ chuyển hướng chăn nuôi đúng đắn, kịp thời nên tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, có xu hướng phục hồi với tổng đàn trâu ước đạt 57.200 con; tổng đàn bò ước đạt 110.600 con; tổng đàn lợn ước đạt 629.700 con; tổng đàn gà ước đạt trên 13,3 triệu con. Trong đó, tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 175.400 tấn; sản lượng thủy sản đạt 37.900 tấn; sản lượng trứng gia cầm 397,8 triệu quả. Từ đó đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và cung cấp một phần ra ngoài tỉnh.
Theo ông Từ Anh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các lương thực thiết yếu như lúa và rau, thịt, cá… Giám sát, quản lý tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi, rà soát các điều kiện thực tế để có kế hoạch tái đàn lợn phù hợp.
Ngoài việc duy trì sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực, sẽ nghiên cứu để điều chỉnh một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, cơ cấu lại sản xuất theo hướng hàng hóa. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cung thực phẩm tươi sống để đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị; quan tâm đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, bảo quản đông lạnh để đảm bảo chất lượng cũng như kéo dài thời gian sử dụng.
Theo phutho.gov.vn