Thị trường tiêu dùng Canada có nhiều tiềm năng cho hàng Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Canada mới đây, các doanh nghiệp hai nước đã bày tỏ mối quan tâm về việc hình thành chuỗi siêu thị lớn tại thị trường Canada để tiếp tục thúc đẩy thương mại và tận dụng tối đa lợi ích của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

  • Chú thích ảnhChế biến thanh long xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Lương Gia (Đồng Nai). Ảnh (tư liệu) minh họa: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Việt Nam và Canada hiện đang có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả. Sau 5 năm CPTPP có hiệu lực, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng xuất khẩu Việt Nam sang Canada còn khiêm tốn, mới đạt 18%. Tuy nhiên, trong năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt hơn 10 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. 

Cộng đồng người Việt tại Canada hiện nay có khoảng 300.000 người, chủ yếu sinh sống và làm việc ở những thành phố lớn như Ottawa, Toronto, Montreal hay Vancouver. Các mặt hàng tiêu dùng, nhất là rau quả, thực phẩm và trái cây của Việt Nam, đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường thông qua các chuỗi siêu thị châu Á. Tuy nhiên,  để gia tăng thêm thị phần, thông qua hệ thống phân phối hay hệ thống siêu thị, các mặt hàng nói trên của Việt Nam cần phải đáp ứng tiêu chuẩn theo các quy định nhập khẩu của Canada. Về cơ bản, Canada là thị trường tương đối dễ thâm nhập đối với những mặt hàng này và để được hưởng ưu đãi từ CPTPP, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý làm tốt công tác nguồn gốc sản phẩm. 

Tham tán Thương mại Trần Thu Quỳnh nhận xét nhìn chung quy định nhập khẩu sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Canada đồng nhất với các quy định của thế giới. Nó chịu sự quy định của hai luật cơ bản là Luật về an toàn thực phẩm và Luật về dược phẩm và thực phẩm. Khi đưa hàng vào hệ thống phân phối ở Canada, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn ở hai khâu là đảm bảo nguồn cung và sự ổn định về chất lượng.

Những mặt hàng của Việt Nam đang được tiêu thụ trong các siêu thị Canada chủ yếu là đồ khô, hải sản đông lạnh và rau quả. Riêng các loại rau gia vị như ớt, rau thơm và sả, Việt Nam chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh, mặc dù các chuỗi siêu thị châu Á đã bắt đầu thuê trang trại ở Mexico để trồng rau húng quế và bạc hà. Trong số các sản phẩm đồ khô tiêu dùng, nổi lên các mặt hàng thực phẩm chế biến của Công ty thực phẩm Bình Tây. Các sản phẩm bún khô, phở khô đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường và xuất hiện khá nhiều trong các hệ thống phân phối bán lẻ. Những sản phẩm chế biến này chính là sự nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam và cần được đầu tư để có thể chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Canada.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bình Tây, nêu rõ để có mặt tại các siêu thị ở Canada, các sản phẩm của công ty đã trải qua một hành trình không dễ dàng. Để có được những thành công này, các nhà sản xuất Việt Nam phải đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn FDA về an ninh, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn BRC về thực phẩm an toàn toàn cầu và các tiêu chuẩn HACCP hay ISO... Đặc biệt hạ tầng cũng như việc đầu tư của công ty cần phải đạt chuẩn vì chỉ một sơ suất nhỏ, các sản phẩm sẽ không thể lọt vào thị trường khó tính này. Để nâng tầm hạt gạo Việt Nam, nâng tầm chất lượng của sản phẩm Việt Nam ngày càng được tin dùng, mở rộng phát triển, nhà sản xuất cần phải đầu tư thật kỹ, thật tốt để các mặt hàng truyền thống được tin dùng bền vững. 

Tại hệ thống siêu thị Ocean ở Toronto, các mặt hàng thực phẩm chế biến, đồ khô, hải sản, rau quả và trái cây của Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 40% trong tổng số các mặt hàng ở đây. Đây là hệ thống siêu thị có nhiều hàng hóa Việt Nam nhất trong số các chuỗi siêu thị châu Á ở khu vực bờ Đông của Canada. Nhằm đảm bảo rau quả và trái cây luôn tươi ngon, siêu thị đã làm việc với nhà phân phối để thực hiện nhập hàng hai lần mỗi tuần. Bà Lý Thiếu My, Phụ trách bộ phận dịch vụ khách hàng siêu thị Ocean, cho biết tất cả các sản phẩm rau quả và trái cây ở đây đều được nhập từ một nhà phân phối.

Canada là nước có khí hậu khắc nghiệt với mùa Đông kéo dài và lạnh giá nên phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu rau quả và trái cây từ bên ngoài. Thị trường này có quy mô trung bình gần 4 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Canada mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ - khoảng 4,8 triệu USD.

Hà Linh (TTXVN)


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam