Thực trạng tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn  tỉnh An Giang

Tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh An Giang có 246 HTX, với 06 lĩnh vực hoạt động, bao gồm: HTX Nông nghiệp là 180 HTX; HTX Vận tải là 25 HTX; HTX Tiểu thủ công nghiệp là 05 HTX; HTX Thương mại, dịch vụ, du lịch là 11 HTX; HTX Tài nguyên và môi trường là 01 HTX; Quỹ tín dụng nhân dân là 24 quỹ. Tổng số thành viên HTX là 141.049; tổng số vốn điều lệ 3.664 tỷ đồng; tổng tài sản 5.234 tỷ đồng; tổng doanh thu bình quân 278,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân thành viên/người lao động 4 - 5 triệu đồng/tháng.Tổng số lao động trong HTX 5.334 lao động (trong đó: số lao động thường xuyên là 4.032 người, số lao động không thường xuyên là 1.302 người).

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

  1. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

- Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức 412 lớp tập huấn thu hút 11.239 lượt học viên là cán bộ quản lý, điều hành, sáng lập viên HTX, tổ hợp tác tham dự. Ngoài ra, còn tranh thủ các dự án của các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước tổ chức 85 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 2.256 lượt cho cán bộ quản trị HTX về kỹ năng đàm phán và thương lượng, ký kết hợp đồng.

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho cán bộ HTX đi học nâng cao trình độ từ bậc trung cấp trở lên để về làm việc cho HTX.

- Thực hiện thí điểm mô hình đưa lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX nông nghiệp: UBND ban hành Kế hoạch số 384/KH-UBND, ngày 28/6/2018 triển khai thí điểm mô hình đưa nhân lực trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2018 - 2020, cụ thể: hỗ trợ cho 50 HTX nông nghiệp thuê 50 người về làm việc tại HTX với các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX (ưu tiên ngành kỹ thuật nông nghiệp hoặc kế toán), thời gian hỗ trợ không quá 36 tháng, số lượng hỗ trợ 01 cán bộ/HTX, với kinh phí 4,16 tỉ đồng (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ 100%).

  1. Chính sách tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ.

Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp của tỉnh được thành lập năm 2005, tổng nguồn vốn của Quỹ gần 5,2 tỷ đồng. Quỹ đã giải quyết cho 13 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp vay vốn với tổng số tiền trên 3,7 tỷ đồng để đầu tư phát triển theo mô hình HTX dịch vụ như: mua máy gặt đập liên hợp, đầu tư hạ tầng nhà máy, trạm bơm phục vụ tưới tiêu… Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả (dư nợ quá hạn ngày 31/12/2012 là 2.330 triệu đồng). Tỉnh đã ban hành Quyết định số 1371/QĐ-UBND, ngày 26/6/2013 sáp nhập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp vào Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh An Giang và điều chuyển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp để cấp vốn điều lệ cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh.

Tập đoàn Lộc Trời thành lập 50 HTX ở An Giang

Hiện nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh chưa có Quỹ hỗ trợ nên hạn chế trong vấn đề hỗ trợ cho HTX vay vốn để phát triển, đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Liên minh Hợp tác xã tỉnh hiện đang phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB); Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà thành phố Hồ Chí Minh (HDBank)... đã hỗ trợ cho thành viên HTX vay với số tiền hơn 17 tỷ đồng.

  1. Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ các HTX trong việc quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, như: tham dự hội chợ, triển lãm, giao thương, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ Hợp nông... Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50 - 100% chi phí trưng bày gian hàng cho các HTX tham gia. Từ năm 2003 đến nay, có trên 135 lượt HTX tham gia các sự kiện thương mại như: tham dự 96 kỳ hội chợ và 38 hội nghị kết nối giao thương tiếp cận thị trường và ngoài tỉnh (phía Bắc, Đông - Tây Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, Miền Trung - Tây Nguyên); trên 30 kỳ hội chợ, 12 hội nghị và 16 phiên chợ kết nối giao thương tổ chức tại tỉnh An Giang. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh (gạo, nếp, xoài, cá khô, mắm, dệt, rèn, đường thốt nốt, thêu may thủ công…) đến đông đảo người tiêu dùng, doanh nghiệp phân phối trong cả nước. Từ đó, đã nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng, thỏa thuận hợp tác với những đối tác có khả năng tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm. Kết quả, có 40 HTX được hỗ trợ xúc tiến thương mại với số tiền 10 tỷ đồng. Đồng thời, tạo điều kiện cho 15 HTX liên kết với Siêu thị Co.opmart Long Xuyên và các đối tác trong và ngoài tỉnh.

- Phối hợp với 10 doanh nghiệp ký kết hợp đồng với HTX về cung cấp vật tư đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... và bao tiêu đầu ra cho các mặt hàng nông sản chủ lực với diện tích 11.079ha. 

  1. Chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới

- Hỗ trợ mô hình “Đánh giá chứng nhận rau an toàn và một số sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP” trên các mô hình nuôi thủy sản (lươn, cá lóc, tôm càng xanh), các vùng sản xuất rau an toàn và thực hiện chứng nhận VietGAP cho cây xoài, kinh phí thực hiện 356 triệu đồng.

  - Hỗ trợ thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô 500 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”, theo đó mở rộng diện tích HTX xoài VietGAP huyện Chợ Mới thêm 500 ha, với tổng kinh phí thực hiện dự án là 29.358 triệu đồng (nguồn sự nghiệp khoa học gần 2.700 triệu đồng, nguồn khác 26.658 triệu đồng).

  - Hỗ trợ Dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang” với kinh phí hỗ trợ gần 573 triệu đồng.

- Thực hiện Kế hoạch phát triển thương hiệu và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh An Giang các giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015, 2018 - 2020, tỉnh đã hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 63 HTX, THT sản xuất, làng nghề trong tỉnh và hỗ trợ chi phí đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 57 HTX, THT sản xuất, làng nghề với tổng số tiền hỗ trợ 285 triệu đồng.

  - Hằng năm, tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến các văn bản, chương trình hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ cho đối tượng là các THT, HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

  - Phối hợp các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Cụ thể, đã hỗ trợ 24 HTX tiếp cận với thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân và gieo hạt; 03 HTX ứng dụng đổi mới công nghệ với tổng kinh phí 980 triệu đồng; hỗ trợ 10 HTX trồng Xoài thực hiện tiêu chuẩn VietGAP; 21 HTX được cấp mã Code đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; tổ chức 12 lớp tập huấn mã QR cho các HTX được hỗ trợ đầu tư nhà màn, tưới nhỏ giọt.

  1. Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

- Đây là hoạt động nổi bật của Liên minh Hợp tác xã tỉnh về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng HTX, là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện chương trình này. Giai đoạn 2016 - 2020, đã thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng hoàn tất và bàn giao đưa vào sử dụng cho 04 HTX với tổng vốn đầu tư từ ngân sách 7.946 triệu đồng, HTX đối ứng 1.677 triệu đồng.

  - Ngoài ra, thực hiện văn bản số 2367/BKHĐT-HTX,ngày13/4/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, UBND tỉnh An Giang tỉnh có Công văn số 499/UBND-KTN, ngày 14/5/2018 báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình bố trí, phân bổ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển HTX tại địa phương giai đoạn 2016 - 2018 và đề xuất hỗ trợ 50 tỉ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho 02 HTX nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang.

6.Về chính sách cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp

- HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được hưởng đầy đủ các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước được quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định số 135/2016/NĐ-CP, ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Tỉnh khuyến khích thành viên, HTX thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước để làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của HTX, liên hiệp HTX.

- Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát nhu cầu, thực hiện đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX tại địa phương theo quy định của pháp luật.

 7.Về chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội

Triển khai các chế độ, chính sách do Trung ương ban hành: giai đoạn trước khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành cho đến cuối năm 2016, các chương trình, nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển KTTT, HTX của Trung ương và của tỉnh hết sức hạn chế, các ngành chuyên môn của tỉnh chỉ tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về KTTT, HTX (từ nguồn kinh phí của Trung ương). Trong năm 2017 - 2018, việc phát triển HTX của tỉnh An Giang được thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với nội dung: “Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng về kinh tế hợp tác, HTX”. Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp để thực hiện nội dung này từ ngân sách Trung ương là: 1.330 triệu đồng, trong đó: năm 2017 đã phân bổ 660 triệu đồng; kế hoạch vốn năm 2018 là 670 triệu đồng.

  1. Về chính sách thành lập mới HTX, liên hiệp HTX

Tỉnh thực hiện theo Thông tư số 340/2016/TT-BTC, ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính. Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tư vấn, hỗ trợ miễn phí cho các HTX về quy trình tuyên truyền, vận động thành lập HTX; công tác tổ chức đại hội HTX; công tác kế toán HTX mà chủ yếu là các HTX nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ 20 triệu đồng/HTX nông nghiệp thành lập mới.

  1. Chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn

  - Ngày 07/12/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu có hợp đồng liên kết với nông dân. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ sau đầu tư dự kiến là 30 tỉ đồng cho giai đoạn 2019 - 2020.

  - Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng “Cánh đồng lớn” theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ “Phương án xây dựng “Cánh đồng lớn” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lương thực Thoại Sơn giai đoạn 2018 - 2022” (Quyết định số 1004/QĐ-UBND, ngày 08/5/2018). Tổng nhu cầu vốn đầu tư là 920.201,7 triệu đồng, trong đó, vốn Công ty 767.212 triệu đồng (83,37%), vốn người dân 141.732 triệu đồng (15,40%), vốn HTX nông nghiệp 133 triệu đồng (0,01%), ngân sách Nhà nước 11.124,7 triệu đồng (1,21%).

  - Công tác xây dựng mô hình liên kết và xây dựng “Cánh đồng lớn” được quan tâm thường xuyên nên bước đầu đã tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp, HTX triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết, “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở các huyện Phú Tân, Thoại Sơn và thị xã Tân Châu. Tuy nhiên, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa thành viên HTX, nông dân, các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

- Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, ngày 12/7/2019 Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND, ngày 22/7/2019 về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, ngân sách Nhà nướchỗ trợ dự án/ kế hoạch cho một HTX không quá 1,5 tỷ đồng gồm các khoản như: tư vấn, hạ tầng phục vụ liên kết, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ…

 BÀI HỌC KINH NGHIỆM

  1. Về sự tham gia của các thành viên

- HTX là tổ chức tự nguyện, có chức năng chính là phục vụ thành viên vì vậy sự tham gia của thành viên là yếu tố quyết định đảm bảo sự thành công của HTX. Để có được sự tham gia tích cực của thành viên thì HTX phải được quản trị công khai minh bạch, thành viên được thông tin về hoạt động, về tài chính của HTX; thành viên phải coi HTX là tổ chức của chính họ, phục vụ họ chứ không phải là tổ chức của nhà nước, phục vụ cơ quan Nhà nước. Có đội ngũ nhân sự quản lý tốt, có kinh nghiệm quản trị và do chính thành viên lựa chọn. Hiệu quả dịch vụ HTX cung cấp phải đảm bảo, chất lượng, giá cả cạnh tranh.

  - Cần tôn trọng tính chất tự nguyện tham gia HTX; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đặc biệt là tài chính của HTX. Tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc HTX, bảo đảm HTX mang lại lợi ích thiết thực, hợp pháp, chính đáng cho thành viên; khích lệ lòng nhiệt tình, tận tụy, tâm huyết đối với nhân sự quản trị và người lao động HTX, vừa động viên, khen thưởng và có chế độ, chính sách hợp lý nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ HTX ngày càng tốt hơn.

  1. Về năng lực đội ngũ quản trị

Năng lực đội ngũ quản trị HTX, nhất là người đứng đầu HTX là yếu tố quyết định đến sự thành công của HTX. Do đó, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho HTX, phát triển các hạt nhân là sáng lập HTX. HTX phát triển tốt cần phải có đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, tâm huyết, được đào tạo và gắn bó với sự nghiệp phát triển.

  1. Về quản trị công khai, minh bạch

Việc tổ chức Đại hội thành viên thường niên đúng quy định sẽ giúp cho HTX phát huy tính công khai, minh bạch; tư đó, mới thu hút sự tham gia của thành viên vì HTX là tổ chức kinh tế tự nguyện. Tính công khai minh bạch được thể hiện thông qua việc HTX có đủ các quy chế cần thiết, thành viên được thông tin về hoạt động, tài chính, chi tiêu của HTX, được tham gia quyết định các vấn đề của HTX. Một yếu tố quan trọng đảm bảo tính công khai, minh bạch của HTX là HTX phải được kiểm toán và kết quả kiểm toán phải được thông tin đầy đủ cho thành viên.

  1. Quy mô HTX phù hợp

Phát huy tính tự lực của HTX, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ và định hướng cho các HTX liên kết, hợp tác với nhau, liên kết với các doanh nghiệp, nhà khoa học để tạo lập và phát huy lợi thế của HTX theo quy mô.

  1. Hoạt động phải phù hợp với nhu cầu của thành viên

HTX phải đảm bảo cung cấp chức năng dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thành viên như: cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra; các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Các HTX được đánh giá là thành công thường là các HTX hỗ trợ tốt cho thành viên tiêu thụ sản phẩm.

  1. Chính sách và sự hỗ trợ cho KTTT, HTX

Các chính sách và sự hỗ trợ cho HTX cần phải cụ thể, khả thi, tập trung, đầy đủ và kịp thời nhưng không can thiệp sâu vào công việc nội bộ HTX hoặc mang tính bao cấp đối với HTX.

  1. Củng cố hệ thống quản lý nhà nước về KTTT, HTX

Thường xuyên quan tâm củng cố hệ thống quản lý Nhà nước về KTTT đủ mạnh từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn; đồng thời phát huy đúng mức vai trò trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội trong hỗ trợ, tuyên truyền vận động phát triển KTTT.

 Trần Văn Cứng
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 239/GP-TTDT ngày 11 tháng 12 năm 2020 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam