Phú Thọ: Nâng cao hiệu quả của phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới
Kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước xác định thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Với vị trí, vai trò quan trọng đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo một cách hệ thống, đồng bộ, cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể. Các cơ chế, chính sách này đã tác động tích cực đến khu vực kinh tế tập thể, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới với những yêu cầu, cơ hội, thách thức mới đặt ra, đòi hỏi cần có thêm những giải pháp mang tính chủ động để nâng cao tính hiệu quả, bền vững của phát triển kinh tế tập thể
HTX Mường Cúc (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn) - Ảnh: Hải Yến
Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) từ lâu đã trở thành chủ trương liên tục, xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước, tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định và làm rõ bản chất, mục tiêu của kinh tế tập thể. Theo đó, kinh tế tập thể với hình thức phổ biến là các hợp tác xã, được xác định là có phạm vi hoạt động rộng lớn ở các ngành, lĩnh vực, địa bàn, được hình thành trên cơ sở liên kết tự nguyện của những người sản xuất nhỏ, các hộ gia đình, người sản xuất kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Các hợp tác xã không làm mất tính tự chủ của các thành viên; vai trò của hợp tác xã là cung ứng các dịch vụ như cung ứng vật tư, các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, cung ứng các dịch vụ sản xuất và thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên; phối hợp, liên kết hoạt động của các thành viên, bảo vệ lợi ích của các thành viên khi tham gia thị trường, nhất là khi phải cạnh tranh với các chủ thể kinh tế lớn khác, tạo điều kiện cho các thành viên giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã để các hợp tác xã mở rộng, tăng thêm thành viên, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng cho thành viên, tăng thêm tài sản, vốn quỹ thuộc sở hữu tập thể và liên kết với các hợp tác xã khác, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã. Đây là cách thức phù hợp để giúp đỡ, hỗ trợ những người sản xuất nhỏ trong nền kinh tế thị trường, là con đường phù hợp để đưa những người sản xuất nhỏ phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Và mới đây, ngày 12/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 140 nghìn THT với 2 triệu thành viên, 45 nghìn HTX với 8 triệu thành viên, 340 LH HTX với 1.700 HTX thành viên; số HTX hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 60% đến 70% trên tổng số HTX cả nước; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đăng, đại học ít nhất 25%, khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo nghề giám đốc; cả nước có trên 5 nghìn HTX và 500 THT ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản…
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của các Bộ, ngành, tỉnh Phú Thọ đã triển khai tích cực nhiều giải pháp, góp phần thúc đẩy KTTT, HTX ngày càng phát triển. Tính đến hết 31/5/2021, toàn tỉnh hiện có 581 HTX, 01 Liên hiệp HTX và 1.301 THT, với tổng số 106.224 thành viên tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho trên 6.000 lao động và trên 50.000 việc làm ngắn hạn, thời vụ. Đến hết năm 2020, Tổng giá trị tài sản của các HTX đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2011 – 2020; doanh thu bình quân đạt gần 2,5 tỷ đồng/HTX/năm, tăng bình quân 8,9%/năm trong giai đoạn 2011 – 2020; lợi nhuận bình quân đạt trên 170 triệu đồng/HTX/năm, tăng bình quân 14,3%/năm trong giai đoanạ 2011 - 2020. Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực đến nay đã có 288 HTX và 01 LH HTX thành lập mới. Bên cạnh đó, HTX đang ngày càng chứng tỏ vai trò, vị trí trong việc tham gia các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, tiêu biểu như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP. Từng bước hình thành các mô hình HTX hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực có quy mô lớn như QTDND xã Hùng Lô, HTX mì gạo Hùng Lô (Tp. Việt Trì), QTDND xã Thạch Sơn (H. Lâm Thao), HTX SX&CN Quốc Anh (H. Cẩm Khê), HTX gạo nếp gà gáy Mỹ Lung (H. Yên Lập), HTX chè Thành Nam (H. Thanh Sơn). Trong số 28 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cấp tỉnh năm 2020 có 18 sản phẩm của 14 HTX, tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 14 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Để hoàn thành được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030, cần chú trọng tiếp tục nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể bằng các giải pháp đồng bộ, toàn diện:
Một là, tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Kịp thời kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh trong giai đoạn mới. Tỉnh Phú Thọ cần có chính sách khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tập thể, quan tâm xây dựng mô hình HTX tại đại bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
huyện Cẩm Khê
Hai là, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; nghiên cứu, đề xuất đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX để tăng nguồn vốn ưu đãi, cải thiện quy trình giải ngân theo hướng tinh giản, bảo đảm an toàn. Tỉnh Phú Thọ cần xem xét bố trí cấp bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, để tạo điều kiện hỗ trợ HTX vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Ba là, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động các HTX, THT. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong HTX; vận động HTX thu hút thêm thành viên mới; quan tâm phát triển cả HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp; tháo gỡ những rào cản vướng mắc nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các HTX.
Tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên, những người tham gia kinh tế tập thể, HTX.
Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên. Khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, HTX chủ động tham gia ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; cùng với đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường...
Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên và người lao động trong HTX, nhất là cán bộ quản lý HTX trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động. Phối hợp liên kết, hợp tác đào tạo với các trường trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX và đào tạo nghề cho thành viên phù hợp với tình hình mới.
Năm là, đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, để học tập kinh nghiệm quản lý, mô hình phát triển HTX bền vững của các nước; Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như: các tổ chức HTX các nước, các tổ chức đại diện và hỗ trợ HTX các nước để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường...
Sáu là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX. Để làm tốt nội dung này cần tiếp tục vận động, tuyên truyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong bối cảnh mới; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các sở, ngành, địa phương.
Tin liên quan
- Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả
- Lạng Sơn: Phát triển kinh tế tập thể, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động
- Hà Nội triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế tập thể
- Phú Thọ: Nâng cao hiệu quả của phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới
- Phú Thọ: Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể
- Cần phát triển đa dạng loại hình Hợp tác xã
- Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Khi hợp tác xã nhập cuộc
- Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
- Chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết trong lĩnh vực phi nông nghiệp