Bái 1:

Tổng quan tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong 20 năm thực hiện nghị quyết trung ương 5 khóa ix về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Chính sách đất đai

Sau khi Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành được ban hành, các địa phương đã triển khai thực hiện và ban hành các văn bản, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức. Các tỉnh, thành phố đã thực hiện công tác quản lý đất đai và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất hiệu quả hơn trong sản xuất kinh doanh, đồng thời chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chú ý công tác quy hoạch, tạo quỹ đất để HTX được giao đất, cho thuê đất xây dựng trụ sở, xưởng chế biến, nhà kho, sân phơi, đất sản xuất, đất trồng rừng. Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung quy định về điều kiện được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng, dự án đầu tư tại khu vực biên giới, ven biển và hải đảo.

Theo Luật HTX năm 2003, Nhà nước hỗ trợ cho các HTX cả nông nghiệp và phi nông nghiệp về đất đai theo hình thức giao đất không thu hoặc có thu tiền sử dụng đất, thuê đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. So với Luật HTX năm 2003, Luật HTX năm 2012 căn cứ tình hình thực tế tại các địa phương, đã quy định thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách này (chỉ có các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp).

Trong giai đoạn 2002 - 2012 (thời gian thi hành Luật HTX năm 2003), tính đến 31/12/2011 chỉ có 1.588 hợp tác xã (chiếm 8,1% trong tổng số HTX) được hỗ trợ giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích đất được giao khoảng 1.752 ha. Có 901 hợp tác xã (chiếm 4,6%) được thuê đất với diện tích 10.305 ha. Có 2.978 hợp tác xã (chiếm 15,3%) có đất làm trụ sở với tổng diện tích khoảng gần 10 ha. Có 871 hợp tác xã (chiếm 4,5%) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 648 ha, trong đó đất nuôi trồng thủy sản và đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, chiếm gần 60% diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo điều tra của Tổng cục thống kê, năm 2008 các hợp tác xã quản lý và sử dụng khoảng 7 triệu m2 đất (70.000 ha).

Giai đoạn 2013-2020 (sau khi Luật HTX năm 2012 được ban hành), triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Quyết định 686/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, Thông tư số 333/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT-BTC. Theo đó, đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, trong đó có đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh của hợp tác xã được Nhà nước cho thuê đất và được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất nếu đầu tư vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư…Trong giai đoạn này, cả nước có trên 2.000 HTX được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích đất là 12.676 ha.

Bên cạnh những chính sách chung về đất đai, một số địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, trình tự, thủ tục xin thuê đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; phối hợp tư vấn, hướng dẫn và giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai của các HTX.

Mặc dù đã có những quy định ưu đãi về đất đai với các HTX nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn:

Số HTX được thụ hưởng chính sách này không nhiều (chỉ chiếm khoảng 14% tổng số HTX NN) do quỹ đất công hiện nay hạn chế, thậm chí không còn quỹ đất (đất đai chủ yếu là sở hữu tư nhân). Một số địa phương có quỹ đất công nhưng chưa tạo điều kiện hỗ trợ HTX, nếu có thì thời hạn cho thuê dưới 5 năm, không khuyến khích đầu tư; thủ tục hành chính chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp chế biến đối với dự án của HTX chậm được giải quyết.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với HTX hiện nay được theo dõi chung với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chuyên dùng, còn vướng mắc do một số nguyên nhân sau đây: Quy định về quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định Luật Đất đai 2013 vẫn còn thiếu linh hoạt trong việc hỗ trợ tài chính cho HTX khi thế chấp tại tổ chức tín dụng. Nhiều HTX hiện đang quản lý, sử dụng đất không có giấy tờ pháp lý về đất đai. Đất một số HTX qua nhiều năm sử dụng đã có biến động, ranh giới, mốc giới không rõ ràng, giấy tờ về nguồn gốc sử dụng đất không có, tranh chấp đất ảnh hưởng đến tiến độ kê khai, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số HTX không quan tâm đến thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không ít HTX chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc không đăng ký kinh doanh, hoặc có quy mô quá nhỏ, đang quản lý đất đai, nhưng khó xử lý, thu hồi.

Chính sách ứng dụng khoa học công nghệ

Thực hiện chính sách hỗ trợ về khoa học - công nghệ, hàng năm các Bộ, ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai hoạt động hỗ trợ KTTT ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thông qua hoạt động của các hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công. Các hỗ trợ này góp phần nâng cao năng xuất lao động, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm và giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các chương trình (Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ) và các hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp.

Trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay đã có hàng trăm dự án do HTX là tổ chức chủ trì hoặc tham gia thực hiện, thông qua đó đã có hàng nghìn công nghệ mớii được chuyển giao và ứng dụng vào và xây dựng được các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các HTX. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018 đã có 11 dự án được phê duyệt và triển khai do HTX là tổ chức chủ trì hoặc tham gia với tổng kinh phí thực hiện 79.500 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương 32.830 triệu đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn này nhiều công nghệ mới, công nghệ cao đã được chuyển giao vào sản xuất cho các HTX ở mọi miền của đất nước.

Tính đến năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp 01 văn bằng sáng chế, 33 kiểu dáng công nghiệp, 489 nhãn hiệu và 389 nhãn hiệu tập thể có liên quan đến hợp tác xã, đã tổ chức 105 khóa đào tạo/tập huấn có sự tham gia của hợp tác xã (trung bình 07 khóa/năm); 116 HTX được hỗ trợ về các nội dung như: phổ biến các văn bản pháp quy, pháp lệnh về chất lượng hàng hoá, đo lường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ môi trường của Nhà nước; hỗ trợ áp dụng TCVN, QCVN, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng, giới thiệu các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vào các nước EU, Mỹ, Nhật Bản...

Trong giai đoạn 2013-2020, các địa phương đã hỗ trợ cho gần 4.000 lượt HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới với tổng kinh phí là 95.500 triệu đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách Trung ương là 23.019 triệu đồng, từ ngân sách địa phương là 70.481 triệu đồng.

Bộ Công Thương có nhiều hoạt động khuyến công hỗ trợ các HTX Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp về ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất sản phẩm mới, đào tạo nghề, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu. Trong thời kỳ 2015 - 2018, Chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ cho 44 HTX với kinh phí 8,2 tỷ đồng, các nội dung hỗ trợ gồm: Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đào tạo, tham gia hội trợ, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ đào tạo nghề cho đội ngũ lao động làm việc trong HTX…Ngoài ra, năm 2018, Bộ Công Thương đã tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực cho 29 sản phẩm của 29 HTX.

 Một số HTX sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng các đề tài sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, hướng dẫn đăng ký kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu công nghiệp, tập huấn xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, mặc dù cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ cơ bản đầy đủ nhưng chưa có chính sách đặc thù đối với HTX. Các HTX được thụ hưởng chung giống như các thành phần kinh tế khác nên số lượng HTX được hưởng chính sách này còn ít. Nguồn ngân sách hỗ trợ HTX trong lĩnh vực này còn hạn chế, bên cạnh không ít khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, kiến thức cơ bản... khiến nhiều nông dân lúng túng trong chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Năng lực nghiên cứu khoa học của các HTX còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả. Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, trong khi cạnh tranh về thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng gia tăng. Ngoài ra, sự liên kết hoạt động khoa học, công nghệ giữa các địa phương trong nước còn rời rạc. Nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học với cơ quan quản lý nghiên cứu, cơ quan chuyển giao kết quả và tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án.

Chính sách tài chính – tín dụng

a) Về chính sách tiếp cận vốn

Hiện nay, khu vực KTTT bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, được tổ chức tín dụng xem xét cho vay có đảm bảo hoặc không có đảm bảo theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ưu tiên đầu tư tín dụng và đã triển khai, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho KTTT, HTX trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cụ thể tập trung: (1) Giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá, tăng thanh khoản hỗ trợ các tổ chức tín dụng, khơi thông dòng vốn tín dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các HTX; (2) Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế tín dụng theo hướng tạo điều kiện cho HTX mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; (3) Xây dựng cơ chế đặc thù đối với một số ngành sử dụng nhiều lao động hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; (4) Quy trình, thủ tục cho vay tại các tổ chức tín dụng đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện cho khu vực KTTT mở rộng sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi tín dụng đối với các HTX nông nghiệp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực từ ngày 01/8/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (trên cơ sở khắc phục những bất cập của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP).[8]

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của HTX, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên của HTX. Dư nợ tín dụng đối với khu vực KTTT trong thời gian qua có xu hướng tăng đặc biệt là sau quá trình chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Các HTX được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh bằng nhiều hình thức: Nhiều HTX đã tự xây dựng phương án kinh doanh tốt, có dự án sản xuất khả thi nên đã được các tổ chức tín dụng cho vay bằng hình thức thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc có thể được Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc tỉnh thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập trong một thời gian nhất định cho các HTX di dời, đầu tư vào các khu công nghiệp…

Giai đoạn 2003-2020, doanh số cho vay đối với khu vực KTTT đạt hơn 70.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt 4.000 tỷ đồng. Nếu như năm 2003 dư nợ cho vay đối với khu vực KTTT mới đạt 910 tỷ đồng với 787 khách hàng (dư nợ 908 tỷ đồng với 782 HTX, 1,2 tỷ đồng với 3 LH HTX, 700 triệu đồng với 2 THT) thì đến năm 2018 dư nợ tín dụng đối với khách hàng này của các tổ chức tín dụng đã tăng lên 6.269 tỷ đồng (gấp 6,88 lần), với 1.808 khách hàng (1.479 HTX với dư nợ 4.609 tỷ đồng, 18 LH HTX với 825 tỷ đồng và 311THT với 768 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2013-2016, dư nợ cho vay đối với HTX theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đạt khoảng 3.200 tỷ đồng, trong đó cho vay không có tài sản đảm bảo đối với các HTX đạt khoảng 70 tỷ đồng, cho 35 HTX, chiếm tỷ trọng rất ít (khoảng 2,18%) trong tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, nhiều HTX khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng do các lý do sau đây:

(1) HTX không đáp ứng được những điều khoản, thủ tục cho vay. Hiện tại, phần lớn các HTX đều rơi vào tình trạng: Không trụ sở; rất ít vốn điều lệ; chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh; thiếu công khai minh bạch, chưa thực hiện đúng quy định về quản lý tài chính kế toán; ban quản lý HTX thực sự chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý, điều hành HTX; một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

(2) Về phía Ngân hàng: Một số Ngân hàng thương mại chưa nhiệt tình trong việc tạo điều kiện cho các HTX vay vốn; thủ tục vay vốn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP các HTX phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi các HTX không có các giấy tờ này.

b) Về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX:

Hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được tổ chức từ Trung ương đến địa phương.

Ở Trung ương, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được giao cho Liên minh HTX Việt Nam quản lý. Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp ban đầu là 100 tỷ đồng để hỗ trợ cho hoạt động của các HTX. Tính đến cuối năm 2018, tổng nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương là 136,4 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ ngân sách nhà nước cấp ban đầu là 100 tỷ đồng, vốn bổ sung trong quá trình hoạt động là 36,4 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay của Quỹ hỗ trợ HTX Trung ương từ khi thành lập (năm 2006) đến nay là 258,7 tỷ đồng cho 110 dự án, trong đó dư nợ vay là 99,3 tỷ đồng, nợ xấu 5,025 tỷ đồng, chiếm 6,06% tổng dư nợ. Các dự án vay vốn của Quỹ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa (chiếm 70% tổng số dự án) tại 35 tỉnh, thành phố.

Ngày 22/6/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg, theo đó vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển, năm 2018 tăng lên 500 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng. Tại Quyết định này, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được bổ sung thêm hai nhiệm vụ đó là: Bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư nhằm hỗ trợ cho các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2018, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương đã được ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ là 300 tỷ đồng; năm 2020 được bổ sung vốn điều lệ là 50 tỷ đồng; năm 2021 được bổ sung vốn điều lệ là 550 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển nâng tổng vốn điều lệ của Quỹ đến nay là 1.000 tỷ đồng.

 Ở địa phương, đa số các tỉnh, thành phố đã thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và bước đầu hoạt động có hiệu quả. Tính đến 2018, cả nước có 53/63 tỉnh đã thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tại địa phương.

Tổng nguồn vốn hoạt động của các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương khoảng 1.544 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp hoặc cho vay là 769,7 tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ thành viên vay vốn, tổ chức, cá nhân hoặc vốn tự bổ sung từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh là 774,3 tỷ đồng[10]. Tổng doanh số cho vay của các Quỹ Hợp tác xã địa phương từ khi thành lập đến nay là 10.437 tỷ đồng (bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) cho 5.730 lượt hợp tác xã và 607.837 lượt tổ hợp tác, thành viên, người lao động của hợp tác xã, với dư nợ cho vay là 1.314 tỷ đồng. Các dự án vay vốn của các Quỹ địa phương tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Việc ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã tạo thêm một kênh hỗ trợ về nguồn vốn đối với các HTX. Về cơ bản, các HTX sau khi vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX phát triển khá hiệu quả, tăng trưởng về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh: doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 50% - 60%; số thành viên tăng bình quân 4%; số lao động tăng bình quân 37%; thu nhập bình quân tăng 35%; số nộp ngân sách tăng bình quân 74%.

Tuy nhiên, nguồn vốn được ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương còn hạn chế, đến nay mới bố trí được 400 tỷ đồng, số vốn huy động đóng góp tự nguyện không đáng kể (chỉ khoảng 367 triệu đồng), trong khi nhu cầu vay vốn hàng năm của các HTX lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng; thủ tục vay vốn theo quy định còn chặt chẽ, phức tạp.

Đối với các Quỹ hỗ trợ HTX địa phương việc triển khai còn gặp khó khăn do: Chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ nên nhiều địa phương còn lúng túng trong việc thành lập và tổ chức hoạt động. Năng lực tài chính của các Quỹ còn hạn chế, nguồn vốn hoạt động thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Nhân sự triển khai các hoạt động nghiệp vụ về cơ bản còn hạn chế cả về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm làm việc nên chất lượng hoạt động tín dụng của Quỹ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; sự phối hợp hoạt động của Quỹ Trung ương và địa phương còn mờ nhạt, chưa tận dụng được mạng lưới của mình.

c) Chính sách thuế

Để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi thuế đối với HTX, đặc biệt là đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với các lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi thuế; tập trung ở các sắc thuế: Thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế sử dụng đất nông nghiệp...

HTX, ngoài việc giảm thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn thuế, giảm thuế, áp dụng thuế suất 10%, 15%). Đối với sản phẩm nông nghiệp của HTX khi xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%. Các sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, ở khâu kinh doanh thương mại áp dụng thuế suất GTGT 5% (mức thuế suất thông thường là 10%). HTX cũng được ưu đãi, miễn, giảm lệ phí trước bạ khi sử dụng đất nông nghiệp, miễn lệ phí môn bài khi hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc khi HTX kinh doanh tại địa bàn miền núi….Ngoài ra, các HTX cũng được hưởng ưu đãi về thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp như doanh nghiệp.

Có thể nói, chính sách ưu đãi thuế đối với HTX trong thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện để HTX tăng thêm nguồn tài chính, tăng tích lũy nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời thu hút được vốn đầu tư, tạo dựng được môi trường kinh doanh tốt cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và là một bước tiến quan trọng trong lộ trình xóa đói, giảm nghèo theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, các chính sách về thuế đối với HTX còn phân tán và được lồng ghép theo chính sách thuế đối với doanh nghiệp, chưa có chính sách ưu đãi về thuế riêng cho các HTX. Một số quy định về thuế vẫn chưa phù hợp với bản chất của HTX (thuế thu nhập doanh nghiệp đối với vốn góp của thành viên, thuế doanh thu của HTX với thành viên…). Bản thân các HTX chưa hạch toán riêng biệt được phần thu nhập được miễn thuế. Công tác quản lý thuế hiện nay đang chủ yếu tập trung cho khối doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, trong khi quản lý thuế đối với HTX chưa được quan tâm chú trọng đúng mức.

Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, không chỉ giới hạn các HTX sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc có dự án xúc tiến thương mại mà được mở rộng cho toàn bộ các HTX, LH HTX. Các HTX, LH HTX được thụ hưởng chính sách này chủ yếu thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với đầu mối triển khai là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 171/2014/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ NSNN để thực hiện Chương trình.

Hàng năm Bộ Công Thương đã phê duyệt một số đề án xúc tiến thương mại quốc gia cho các HTX, Liên minh HTX Việt Nam tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nhằm quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật, đưa tin về các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu HTX, quảng bá thương hiệu của HTX trên cổng thông tin điện tử của Bộ, Cục Xúc tiến Thương mại. Thông qua các Chương trình, dự án lớn (Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, Chương trình tư vấn phát triển thiết kế, phát triển sản phẩm…) đã tạo điều kiện cho HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đến cộng đồng trong và ngoài nước, tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Từ năm 2011 đến nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã làm đơn vị chủ trì thực hiện 09 đề án trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí được phê duyệt khoảng 16,29 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 500 lượt HTX, doanh nghiệp trên cả nước tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế trong nước và một số thị trường mục tiêu tại nước ngoài như Ý, Đức…, tham gia các khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho các HTX trên địa bàn cả nước. Năm 2019, Liên minh HTX Việt Nam được phê duyệt thực hiện 02 đề án Tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại cho các HTX và 05 khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho các HTX trên địa bàn cả nước với tổng kinh phí thực hiện là hơn 2,32 tỷ đồng.

Giai đoạn 2003- 2018, các địa phương hỗ trợ cho hơn 4.500 lượt HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với tổng kinh phí là 469 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số lượng các THT, HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được hỗ trợ từ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia còn hạn chế, tập trung chủ yếu vào các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương và một số ít đề án hội chợ triển lãm tại nước ngoài. Các đơn vị chủ trì chưa đầu tư xây dựng nhiều đề án hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính dài hơi, theo chuỗi từ xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm, thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các HTX còn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, sản lượng, khả năng đảm bảo cung ứng thường xuyên cho các siêu thị hoặc không có mặt bằng để tổ chức giới thiệu, bán sản phẩm, do đó gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra. Phần lớn các cơ sở sản xuất chưa có sự liên kết với nhau trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hoạt động còn độc lập, nhỏ lẻ. Một số HTX còn chưa khai thác, phát huy được sự hỗ trợ, hoạt động chưa hiệu quả.

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thường xuyên. Từ năm 2002 - 2018 có 391.284 lượt cán bộ, thành viên HTX được hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng, có 34.973 cán bộ hợp tác xã được hỗ trợ đào tạo từ sơ cấp đến đại học. Ngân sách Trung ương hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng hợp tác xã, tổ hợp tác giai đoạn 2007 - 2018 khoảng 448 tỷ, ngân sách địa phương khoảng 648 tỷ đồng. Số lượt người được tham gia đào tạo và bồi dưỡng tăng dần qua các năm (trung bình mỗi năm tăng khoảng 20%), đối tượng tập huấn được mở rộng cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp, cán bộ quản lý và thành viên HTX.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng khá đa dạng, đáp ứng được một phần yêu cầu tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương như: Hướng dẫn nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về HTX, các Luật liên quan, các vấn đề về tài chính, kế toán, tổ chức quản lý HTX, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh...Các giảng viên được mời từ nhiều nguồn khác nhau tùy theo đối tượng và nội dung bồi dưỡng. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào tổ chức tập huấn, bồi dưỡng dài ngày cấp chứng chỉ, đến các hội thảo, hội nghị, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, học tập kết hợp thăm quan mô hình, điển hình thực tế… Phương pháp tập huấn linh hoạt, lý luận đi đôi với thực tiễn, gắn thực hành, hướng dẫn trực quan, cầm tay chỉ việc để đem lại hiệu quả cao nhất.

Các khóa bồi dưỡng đã góp phần giúp cho cán bộ quản lý trong các HTX cải thiện về công tác tổ chức điều hành, từng bước kinh doanh hiệu quả, cải thiện chất lượng HTX yếu kém, trung bình, nâng số lượng HTX khá giỏi với mô hình HTX đa dạng, ngành nghề kinh doanh phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ năm 2017, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm chính sách thu hút cán bộ trẻ về công tác tại HTX. Một số địa phương đã thực hiện chính sách tăng cường cán bộ chuyên môn cho HTX như: Miễn học phí cho sinh viên đại học theo các ngành kinh tế, kỹ thuật với điều kiện ra trường về làm việc cho các HTX tối thiếu 5 năm; hỗ trợ học phí cho cán bộ, thành viên, con em thành viên của HTX được cử đi học đại học, cao đẳng có cam kết về phục vụ cho HTX tối thiểu 5 năm. Một số nơi đã có chính sách hỗ trợ lương cho cán bộ trẻ có trình độ về làm việc cho HTX trong thời hạn 3-5 năm… Đến hết năm 2018, có 24 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm mô hình đưa 508 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 348 HTX.

Chính sách cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực đã có tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ của cán bộ, thành viên HTX. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ cao ngày càng tăng. Tính đến 31/12/2020, tỷ lệ cán bộ đạt trình độ sơ, trung cấp chiếm 47%, số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm 22%.

Mặc dù chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho khu vực KTTT đã có nhiều chuyển biến nhưng số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 7%) so với tổng số gần 6 triệu cán bộ, thành viên HTX cả nước, trong khi nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng là rất lớn; chưa mở rộng bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý nhà nước về KTTT. Kinh phí bố trí cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế, các định mức theo quy định của Bộ Tài chính còn thấp chưa phù hợp với tình hình thực tế; chưa có hệ thống đào tạo về KTTT một cách bài bản, thống nhất, chưa thực hiện được việc đưa nội dung phát triển KTTT vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Nội dung đào tạo, tập huấn nặng về lý thuyết, ít nội dung về kinh nghiệm thực tiễn của các HTX. Đội ngũ giảng viên chưa chuyên nghiệp, phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm.

6. Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp.

Hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho phát triển HTX nông nghiệp được các địa phương quan tâm và triển khai từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau gồm: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, một số các chương trình, dự án cũng bố trí nguồn lực như Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), dự án Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP)...

Giai đoạn 2003-2012, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai thực hiện cho HTX thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn. Kinh phí cho chương trình này tăng qua các năm. Một số địa phương tập trung vốn đầu tư từ ngân sách cho đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, như: giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường, thuỷ lợi kênh mương nội đồng….Theo đó, HTX cũng được hưởng lợi từ các công trình này để phục vụ xã viên.

Trong giai đoạn 2013 - 2018, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hỗ trợ cho 589 HTX về phát triển kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí là 380 tỷ đồng. Kinh phí này chủ yếu được lồng ghép từ các chương trình hỗ trợ có mục tiêu có đối tượng thụ hưởng là các HTX.

Năm 2019, các tỉnh đang triển khai hỗ trợ 103 HTX nông nghiệp với kinh phí 114 tỷ đồng. Bình quân mỗi hợp tác xã được hỗ trợ 1,25 tỷ đồng từ NSNN, HTX đóng góp đối ứng thông thường từ 20% đến 59% tổng mức đầu tư.

Tại văn bản số 1011/VPCP-KTTH ngày 01/02/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: cho phép sử dụng 4.311,9 tỷ đồng vốn dự phòng 10% của Chương trình để bố trí vốn thực hiện các dự án thuộc các Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 51 địa phương được đề xuất phân bổ thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 1809/BKHĐT-KTNN ngày 22/3/2019 gửi các địa phương hướng dẫn sử dụng số vốn trên. Tính đến ngày 09/9/2019, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ của 15/51 địa phương với số vốn phân bổ thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg là 317,506 tỷ đồng.

Ngoài ra, Dự án VnSAT đã và đang triển khai hỗ trợ 568 tỷ đồng cho 136 tiểu dự án hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các tổ chức nông dân trong ngành hàng cà phê và lúa gạo ở 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (tỷ lệ đối ứng của hợp tác xã là 20%). Dự án QSEP thực hiện hỗ trợ kết cấu hạ tầng phát triển vùng nguyên liệu năm 2015 - 2016 đối với 16 tỉnh trên địa bàn cả nước với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.400 tỷ đồng cho khoảng 80 HTX, THT là đối tượng hưởng lợi của dự án được sử dụng và khai thác các hạ tầng nêu trên.

Tuy nhiên, chính sách này chậm triển khai trong thực tế (Quyết định số 2261/QĐ-TTg được ban hành ngày 15/12/2014 nhưng đến năm 2018 thì các địa phương mới triển khai bước đầu nội dung hỗ trợ hạ tầng cho HTX. Chỉ có một vài tỉnh quan tâm và bố trí kinh phí hỗ trợ cho hợp tác xã nông nghiệp từ năm 2017). Số lượng hợp tác xã được thụ hưởng chính sách rất ít, các dự án hỗ trợ có quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho từng HTX gắn với quy mô hoạt động cấp xã, làm hạn chế tiềm năng liên kết vùng miền, nâng cao quy mô và sức cạnh tranh cũng như hiệu quả khai thác của công trình hỗ trợ. Nguồn kinh phí được bố trí từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nên các HTX nông nghiệp có trụ sở ở khu vực các phường, thị trấn không được hỗ trợ đầu tư hạ tầng, trong khi đây là những HTX có vị trí thuận lợi để phát triển tiêu thụ sản phẩm, kết nối vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến./.

TS.Phùng Quốc Chí
Cục trưởng, Cục Phát triển Hợp tác xã
Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 239/GP-TTDT ngày 11 tháng 12 năm 2020 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam