Việt Nam - thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Anh
Ngày 13/9, Thương vụ Việt Nam tại Anh tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại Việt Nam-Anh tại Đại sứ Quán Việt Nam ở London, với sự tham dự của hơn 60 đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.
-
Chế biến ngao tại Công ty Lenger Việt Nam (Lenger Seafoods Vietnam) xuất khẩu sang EU, Anh, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN
Hội thảo là một trong những hoạt động trong chương trình của Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, làm việc tại Anh từ ngày 10-18/9 theo Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tham dự Hội thảo có Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, Nguyễn Cảnh Cường; đại diện Bộ Kinh Doanh Thương Mại Anh; Giám Đốc Điều hành Hội đồng kinh doanh Anh- ASEAN (UKABC), Ian Gibbons; Chủ Tịch Phòng Thương Mại Tây London, Christopher Durkin; Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Việt Nam tại Anh, Paul Hoàng; và các doanh nghiệp Anh quan tâm đến hợp tác thương mại đầu tư với Việt Nam. Đoàn Doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo gồm các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm, vật tư y tế, dịch vụ đầu tư thương mại…
Phát biểu tại Hội thảo, Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hai bên, chỉ ra rằng Việt Nam và Anh là hai nước có nền kinh tế bổ trợ lẫn nhau, còn rất nhiều tiềm năng hợp tác. Ông hy vọng hội thảo sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, tìm được đối tác mới, trực tiếp trao đổi, ký kết hợp đồng.
Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương, cho biết Anh là một thị trường quan trọng và được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt, Hiệp định tự do thương mại UKVFTA có hiệu lực từ năm 2020 trở thành cầu nối giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn. Ông khẳng định Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Anh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong việc kết nối, tìm kiếm đối tác và hợp tác phát triển.
Tại hội thảo, các diễn giả đã cập nhật thông tin về quy định nhập khẩu hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam vào Vương quốc Anh, những thay đổi trong tập quán và thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh trong thời gian gần đây, kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường Anh, đặc biệt là việc tuân thủ các tiêu chuẩn của thị trường cũng cách thức tận dụng những ưu đãi mang lại từ Hiệp định UKVFTA, đồng thời giới thiệu về tiềm năng đầu tư, kinh doanh tại Anh và Việt Nam.
Ông Ian Gibbons, Chủ tịch UKABC và cựu Tổng lãnh sự Anh tại TP Hồ Chí Minh, cho biết Anh là một quốc gia thương mại và là một thị trường tốt với nhiều cơ hội thương mại, đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, công nghiệp sáng tạo, kinh doanh thực phẩm và nhà hàng. Ông nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thành công tại Anh, một thị trường có tính cạnh tranh cao, cần xây dựng niềm tin và thiết lập quan hệ lâu dài với các đối tác, các nhà phân phối tại Anh. Ông Gibbons khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa các nguồn lực của các tổ chức của Anh tại Việt Nam cũng như ở Anh, như Phòng Thương mại Anh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hay UKABC và Phòng Thương mại Tây London, những tổ chức sẽ làm hết sức để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Anh.
Về phần mình, ông Giles Whitlam, Giám đốc điều hành công ty Tonkin Products, doanh nghiệp Anh đầu tư tại Việt Nam hơn 30 năm, cho rằng mặc dù là một yếu tố cạnh tranh song giá cả không phải điều kiện tiên quyết để phát triển tại thị trường Anh, nơi người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm tốt, nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới những tiêu chuẩn chất lượng cao nhất.
Đánh giá về tiềm năng của Việt Nam, ông Whitlam khẳng định đây là thị trường có cơ hội rất lớn để các công ty Anh tới đầu tư sản xuất hoặc quảng bá các sản phẩm của Việt Nam sang Anh, điều mà doanh nghiệp của ông đã làm trong 30 năm qua. Ông nhấn mạnh UKVFTA mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh so với sản phẩm có xuất xứ từ các nước khác. Ông cũng chỉ ra những ưu thế của thị trường Việt Nam như lực lượng lao động được đào tạo tốt, giá nhân công có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực và các đối tác Việt Nam sẵn sàng hợp tác và học hỏi.
Sau hội thảo, Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại Việt Nam đã thăm và làm việc tại tập đoàn Longdan, nhà nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất tại Anh. Với thương hiệu được xây dựng hơn 20 năm tại Anh, Longdan có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam quảng bá và đưa các sản phẩm Việt Nam vào Anh thông qua chuỗi siêu thị Longdan.
Tin liên quan
- Ngành nông nghiệp năm 2018: Thắng lợi toàn diện
- Mạnh tay rót tiền tỷ nuôi tôm công nghệ cao
- Không nghỉ tết, ngư dân Phú Yên liên tiếp trúng đậm cá ngừ
- Hơn 234 nghìn quả cam được dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh
- Chôm chôm chính thức có "giấy thông hành" sang New Zealand
- Mạnh dạn làm nông sản an toàn
- Kinh doanh nông nghiệp: Trông người để ngẫm về ta!
- Trung Quốc tăng mua lợn mỡ
- Dừa trái Bình Định `cháy hàng` do nắng gắt
- Thịt, tôm, cá… hữu cơ Việt hút nhà đầu tư ngoại