12,8 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tổng cục Thống kê cho biết, quý II-2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều tăng
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương nên tình hình lao động, việc làm quý II/2021 chịu ảnh hưởng, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều tăng. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm và thu nhập của người làm công hưởng lương tăng.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2021 ước tính là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51 triệu người, tăng 737,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 68,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II/2021 ước tính là 45,1 triệu người, giảm 50,2 nghìn người so với quý trước và tăng 823,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động nam 24,9 triệu người, chiếm 55,2% tổng số và lao động nữ 20,2 triệu người, chiếm 44,8%; lao động khu vực thành thị là 16,9 triệu người, chiếm 37,6% và khu vực nông thôn là 28,2 triệu người, chiếm 62,4%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 45,2 triệu người, giảm 90,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc quý II/2021 ước tính 49,8 triệu người, bao gồm 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,6% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,6 triệu người, chiếm 33,4%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 39%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,9 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,9% tổng số, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,4 triệu người, chiếm 32,8%, tăng 0,5%; khu vực dịch vụ 19,6 triệu người, chiếm 39,3%, tăng 2,4%.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,30% (quý I là 2,19%; quý II là 2,40%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,07%; khu vực nông thôn là 1,86% . Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm ước tính là 2,52% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,28%; khu vực nông thôn là 2,07% . Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng ước tính là 7,45%, trong đó khu vực thành thị là 9,97%; khu vực nông thôn là 6,22%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 là 2,20%; quý II là 2,60%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,64%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,54% (tỷ lệ thiếu việc làm 6 tháng đầu năm 2020 tương ứng là 2,33%; 1,70%; 2,65%).
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2021 là 57,1%; quý II ước tính là 57,4%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 57,2%. Tỷ lệ này tính riêng trong khu vực thành thị 6 tháng đầu năm 2021 là 48,5% và trong khu vực nông thôn là 64,5% (6 tháng đầu năm 2020 tương ứng là 55,5%; 47,3%; 62,1%).
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý II/2021 là 6,8 triệu đồng/tháng, giảm 410,8 nghìn đồng so với quý trước và tăng 454,6 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 7,3 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,2 triệu đồng/tháng. Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 7 triệu đồng/tháng, tăng 281,7 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các địa phương vẫn tiếp tục phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội như: Sản xuất nông nghiệp có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp có những biện pháp kịp thời vừa đảm bảo chống dịch vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời các địa phương triển khai nhiều hình thức tạo việc làm, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trợ cấp cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Vì vậy đời sống của nhân dân nhìn chung vẫn được giữ ổn định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 5/2021, cả nước có 5.282 xã và 191 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 335 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 6.906 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 2.540,9 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.354,7 tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói và các đối tượng bảo trợ xã hội là 1.958,4 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng khác là 1.052 tỷ đồng. Có hơn 30 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
Vân Khánh
Tin liên quan
- NN Tây Nguyên: Chuẩn bị 1.500ha hoa phục vụ Tết
- Xử lý dứt điểm hợp tác xã nông nghiệp yếu kém đã ngừng hoạt động lâu ngày
- Vĩnh Phúc: Ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp
- Hơn 2,1 triệu hộ dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- Năm 2019 sẽ có trên 11.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả
- Đào tạo kỹ sư nông nghiệp thời 4.0: Khó khăn và thách thức
- Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2019
- Ba thách thức của ngành nông nghiệp
- Nhân tố tích cực xây dựng nông thôn mới
- Học người Nhật làm nông nghiệp bền vững