Đào tạo kỹ sư nông nghiệp thời 4.0: Khó khăn và thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp và PTNT.

Để nông nghiệp nước ta phát triển và sản phẩm đạt giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực trình độ, chuyên môn cao...

tr15.jpg

Hành trình dài...

Các chuyên gia đều cho rằng, nông nghiệp công nghệ 4.0 là sự phát triển của nền nông nghiệp mang tính bền vững và sự an toàn, với mục tiêu đạt năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn và bảo vệ được môi trường trên cơ sở dựa vào tiến bộ công nghệ kỹ thuật số.

Nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay vẫn phụ thuộc vào sức người là chủ yếu, quá trình canh tác trồng trọt đều hoàn toàn dựa vào những kinh nghiệm theo kiểu “Thiên thời – Địa lợi”, hầu hết đều phụ thuộc vào thiên nhiên, “Mưa thuận – Gió hòa” thì mùa màng bội thu, thời tiết năm đó thay đổi thì coi như cầm chắc thất bại, mất mùa.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp chính là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, xu hướng đô thị hoá đang phát triển rất nhanh, cùng với đó, thu nhập của người dân cũng tăng lên nên yêu cầu tiêu chuẩn sống ngày một cao. Xuất phát từ thực tiễn đó, sản xuất nông nghiệp ngày nay đòi hỏi phải vừa tiết kiệm tài nguyên đất, nước, lại vừa phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Đất đai phì nhiêu rộng lớn không phải là yếu tố quyết định nữa mà phải là khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng trên mỗi hecta. Nhưng để áp dụng khoa học công nghệ thì phải sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và chúng ta cần phải quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực đủ sức bắt kịp với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, sự hạn chế về trình độ của người lao động ảnh hưởng nhiều đến tiếp cận khoa học – công nghệ, đây là rào cản lớn trong nền nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao.

Cùng quan điểm này, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho rằng, ngành nông nghiệp nước ta gặp nhiều khó khăn khi muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, do thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao cho nền nông nghiệp 4.0. Để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp  trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn trở thành một vấn đề cấp bách.

Chính vì vậy, rất cần phải có một đội ngũ kỹ sư nông nghiệp được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển của ngành nông nghiệp công nghệ cao trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, công tác đào tạo đội ngũ kỹ sư này đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Đó là thời gian đào tạo không được tăng, kết cấu khung chương trình không được thay đổi . Những kiến thức cơ bản của ngành không được thay đổi nhưng lại phải bổ sung những kiến thức nền tảng của ngành khác. Nội dung đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa tạo được sự thống nhất gắn mục tiêu giáo dục với tìm kiếm việc làm.

Đòi hỏi của thị trường luôn thay đổi, nhiều ngành nghề đào tạo truyền thống biến mất, ngành nghề mới xuất hiện, xu hướng xuyên ngành, liên ngành có gắn kết với công nghệ thông tin trở nên phổ biến.

Chương trình đào tạo hiện nay chưa được linh hoạt, chưa đảm bảo được tính liên thông dọc ngang, khả năng liên thông kiến thức giữa các cơ sở đào tạo đại học còn hạn chế, ít thừa nhận và tiếp nhận các kết quả đào tạo của nhau. Phương pháp tổ chức dạy học còn lạc hậu, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được các trang thiết bị dùng trong dạy học, nghiên cứu, do không đủ điều kiện đầu tư. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập.

Doanh nghiệp “khát” nhân lực chất lượng cao

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TPXK Đồng Giao, cho biết: Doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến tại huyện Yang Mang, tỉnh Gia Lai. Nhà máy được đầu tư hiện đại, bao gồm nhà xưởng, kho bãi… nhằm sản xuất tập trung sản phẩm khép kín.

Để vận hành nhà máy trên, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, tay nghề cao, có tinh thần cầu tiến, đam mê để tiếp cận công nghệ sản xuất. Mặc dù công ty đã đưa ra mức đãi ngộ rất cao nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tìm kỹ sư có trình độ.

Ông Khuê cho biết thêm, với vị thế là công ty xuất khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải đáp ứng được các điều kiện như sử dụng tốt ngoại ngữ, năng động, trình độ chuyên môn cao, am hiểu các quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam. Do đó, việc tìm được nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu là vô cùng khó khăn.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình thì hiện nay nhu cầu sử dụng lao động có trình độ ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp rất lớn. Nhưng nguồn đào tạo nhân lực trong nước chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Bước vào cách mạng 4.0, các nước trên thế giới đã đi qua cuộc cách mạng lần 2 và lần 3 nhưng Việt Nam chưa trải qua hai cuộc cách mạng này. Bây giờ chúng ta bước vào cách mạng 4.0, vậy chúng ta cần phải đào tạo cùng lúc những nhân lực 2.0, 3.0, 4.0 và đào tạo cả người quản lý những nhân lực đó. Ông Báo cho rằng, nếu sản phẩm đào tạo là con người được mang theo những tấm bằng chuyên môn thì con người đó phải thật thành thạo về chuyên môn. Bằng cấp phải được đo bằng khả năng giải quyết vấn đề và cách thức giải quyết vấn đề đó.

“Chúng tôi đang đầu tư phòng LAP công nghệ gen và rất cần người làm nhưng chưa có nhân lực, nếu các trường có thể đào tạo được nhân lực về công nghệ gen thì tôi sẽ đặt hàng với nhà trường. Lương sẵn sàng trả tới 1.000 USD/tháng”, ông Báo nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc thu hút nguồn lực khoa học công nghệ phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, dẫn tới thiếu hụt lực lượng cán bộ khoa học trình độ chuyên môn cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực mới, công nghệ cao.

Việc thu hút cán bộ khoa học công nghệ giỏi là khó, do vướng mắc nhiều khâu như: Thu nhập thấp; điều kiện nghiên cứu, thí nghiệm tại địa bàn nông thôn không có hoặc ít có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Một số lĩnh vực nghiên cứu về thú y, công nghệ sau thu hoạch, đất và phân bón, thủy sản, lâm nghiệp, cơ điện nông nghiệp… đang có nguy cơ thiếu cán bộ nghiên cứu trầm trọng.

Mặt khác, cơ chế thị trường cũng tác động không nhỏ tới tâm huyết của các nhà nghiên cứu khoa học. Thị trường công nghệ chậm phát triển, các kết quả nghiên cứu được tạo ra khó giữ được bản quyền; đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu là nông dân, người có thu nhập thấp nên việc chuyển nhượng gặp khó khăn… Ngoài ra, chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng đầu vào thấp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên vào làm việc tại các tổ chức khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật cần khoảng thời gian đào tạo lại khá dài.

Đào tạo đi đôi với nhu cầu

Theo ông Nguyễn Văn Giang, thuộc Nhóm nghiên cứu mạng lưới công nghệ vi sinh vật ứng dụng: Quá trình toàn cầu hóa và phát triển công nghệ mới bắt buộc quá trình giáo dục, cơ sở đào tạo trong ngành nông nghiệp phải liên quan đến giải quyết các nhu cầu hiện tại của xã hội.

Sinh viên nông nghiệp phải được trang bị kiến thức kỹ thuật và kỹ năng kinh doanh một cách linh hoạt để thực hiện việc nuôi - trồng các loại con, cây có lợi nhuận và trở thành người đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Ông Giang cho biết thêm, phải cấu trúc lại, điều chỉnh chương trình giảng dạy theo nhu cầu của các bên liên quan, tích hợp, hợp tác chặt chẽ giữa nghiên cứu, thực hành trong môi trường chuyên nghiệp và sử dụng đầy đủ các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và tư nhân.

Thiết lập các liên kết giữa các khoa, các trường đại học và ngành công nghiệp tạo thành mạng lưới liên kết các tổ chức cả trong và giữa các nước phát triển, đang phát triển, các trung tâm nghiên cứu và đào tạo về sư phạm nông nghiệp cũng nên tham gia vào mạng lưới này.

Theo ông Nguyễn Việt Long, giảng viên Học viện Nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng được nhu cầu phát triển nền nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam, trước hết cần phải xác định được nhu cầu nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp, điều này cần phải dựa vào mục tiêu chiến lược và phát triển của ngành.

Chương trình đào tạo phải hướng tới hệ thống giáo dục toàn diện, tránh quá chuyên sâu, tăng cường chương trình đào tạo tổng hợp, đổi mới sáng tạo và nông nghiệp thông minh để phát triển nông nghiệp giá trị cao, bền vững.

Mô hình đào tạo phải xây dựng thành công viên công nghệ nông nghiệp hay thung lũng công nghệ nông nghiệp liền kề với các trường đại học phục vụ việc tăng cường liên kết trong đào tạo. Đổi mới sáng tạo nông nghiệp, nâng cao giá trị cạnh tranh của chuỗi giá trị nông nghiệp.

Gắn đào tạo với thị trường lao động là điểm đặc biệt quan trọng trong chiến lược đào tạo của các cơ sở, xây dựng mô hình rèn nghề thực tập nông nghiệp 4.0 và đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, lập sàn giao dịch việc làm kĩ thuật số kết nối với doanh nghiệp, mời doanh nhân, cán bộ kĩ thuật nông nghiệp tham gia giảng dạy. Tăng cường sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các hoạt động thực tiễn sản xuất xảy ra thì thầy trò phải tham gia, đến tận nơi tìm hiểu chứ không thể chỉ ngồi trên giảng đường. Đây là chương trình phải có trong đào tạo của nhà trường để tạo ra nguồn nhân lực mới dồi dào đáp ứng được cho sự phát triển nông nghiệp trong thời kỳ 4.0.

Theo KTNT


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam