Học người Nhật làm nông nghiệp bền vững

Việt Nam có thể học tập những kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Nhật Bản để nông sản được người tiêu dùng mặc định là an toàn.

Chiều 18/1, tại TP HCM, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Hướng tới phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững".

Nông nghiệp thu hút nhà đầu tư Nhật

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN-PTNT, thời gian qua, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, như rau củ quả và hoa tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư lĩnh vực nông nghiệp chỉ mới đạt 240 triệu USD, chiếm 0,4% vốn Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam. DN Nhật đang rất quan tâm đến ngành đồ gỗ, nội thất nên lĩnh vực này có thể thu hút vốn Nhật trong tương lai.

Học người Nhật làm nông nghiệp bền vững - Ảnh 1.
Một trang trại rau củ quả tại TP HCM đạt chuẩn hữu cơ của Nhật Bản và Mỹ, EU

Ông Masuko Yosuke, Giám đốc Pizza 4P’s - DN Nhật Bản có 12 nhà hàng tại Việt Nam theo mô hình "từ trang trại đến bàn ăn", cho biết từng hợp tác với một số nông trại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đuổi một thời gian, ông nhận thấy vài đối tác coi trọng kinh tế hơn là cống hiến xã hội nên phải dừng.

"Hiện tại, công ty đang gắn kết với trang trại Thiên Shin (Lâm Đồng) để có nguồn nguyên liệu và cùng nhau hợp tác quảng bá, gặp gỡ người tiêu dùng. Trong hợp tác, có lúc thành công, có khi thất bại nhưng phải cùng nhau chia sẻ để hướng lâu dài" - ông Masuko Yosuke nhấn mạnh.

Theo bà Niimura Michi, đại diện Công ty Good Life (xuất khẩu trái cây), với người tiêu dùng thế giới, trái cây Nhật Bản đồng nghĩa với an toàn. Để làm được điều này, phía Nhật Bản đã có sự nhất quán từ chính phủ đến người sản xuất nhằm gây dựng niềm tin của người tiêu dùng. Trong khi đó, trái cây Việt Nam vẫn còn gây nghi ngại về độ an toàn - nhất là với thị trường châu Âu, vốn rất nhạy cảm các vấn đề liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật. Đã có trường hợp trái cây Việt Nam bị tổ chức thứ 3 kiểm nghiệm phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong khi nhà vườn không sử dụng, nguyên nhân có thể là do ảnh hưởng từ các vườn lân cận. Điều này cho thấy chỉ nhà vườn nhận thức là chưa đủ, mà cần phải có sự nhất quán cả vùng trồng, từ chủ trương của cả tỉnh đến toàn quốc, mới đem lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng thế giới.

Đại diện Good Life cho biết thế giới đang rất quan tâm đến Việt Nam. Nhiều chính khách, người nổi tiếng đến Việt Nam thưởng thức các loại trái cây như: thanh long, xoài… khen ngon là dịp tốt để quảng bá sản phẩm trên toàn cầu.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Ông Kimura Yoshihisa, cố vấn chính sách NN-PTNT (chuyên gia JICA), đã tiết lộ những kinh nghiệm giúp nông nghiệp Nhật Bản phát triển như ngày nay.

Thứ nhất, Nhật Bản đã thực hiện dồn điền đổi thửa để có diện tích lớn, dễ cơ giới hóa, tiếp cận giao thông và hệ thống thủy lợi giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí. Thứ hai, thành lập ngân hàng đất nông nghiệp, giúp người có nhu cầu thuê đất dễ tiếp cận với bên có nhu cầu cho thuê. Thứ ba, thành lập các HTX nông nghiệp để nâng quy mô sản xuất, phát triển các đặc sản vùng miền. Thứ tư, phát triển những mô hình nông nghiệp tổng hợp như kết hợp chế biến, bán lẻ, du lịch để gia tăng giá trị. Thứ năm, vai trò của các chứng nhận quốc tế về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) để tạo niềm tin với người tiêu dùng, nâng chất lượng thay vì cạnh tranh giá rẻ, lợi nhuận thấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết những kinh nghiệm của Nhật Bản có thể áp dụng cho Việt Nam. Thực tế, Bến Tre đang nghiên cứu mô hình "ngân hàng đất nông nghiệp" từ quỹ đất trong dân bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả. Người có đất sẽ nhận được tiền cho thuê đất và có thời gian để làm việc khác, trong khi đất sẽ được khai thác hiệu quả từ những tổ chức, cá nhân khác.

Ông Lê Long Sơn, đại diện Công ty Esuhai, lại nhìn ra cơ hội thay đổi nông nghiệp Việt Nam theo kiểu Nhật bằng nguồn nhân lực Việt từng lao động ở lĩnh vực nông nghiệp Nhật Bản. "Tại Nhật, 2 vợ chồng già cùng vài thực tập sinh người Việt hay Trung Quốc có thể đem lại thu nhập 0,4-0,5 triệu USD/năm. Sau thời gian làm việc ở Nhật, họ có vốn, kỹ năng, ngoại ngữ…, về Việt Nam sẽ nhìn ra nhiều cơ hội và giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển. Cách làm này cũng như việc phát triển bóng đá, có thể thuê HLV ngoại hoặc cho cầu thủ thi đấu ở nước ngoài" - ông Sơn ví von.

Lợi thế giá thành

Ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, cho biết Nhật Bản là đối tác truyền thống của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Gần đây, TP HCM phát triển được việc trồng dưa lưới giống Nhật xuất khẩu nhờ lợi thế giá thành rẻ hơn so với trồng tại Nhật.

Theo DNVN


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam