Hà Giang: Khắc phục sạt lở đất nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 2
Vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang khiến hàng nghìn khối đất đá bất ngờ đổ xuống, vùi lấp nhà cửa và gây chia cắt cục bộ tuyến Quốc lộ 2 đoạn Hà Giang – Tuyên Quang. Hiện nay, các lực lượng thi công và chính quyền địa phương đang đồng bộ các giải pháp để xử lý khối lượng đất đá sạt lở nhằm sớm thông tuyến sớm nhất Quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, Hà Giang.
-
Lực lượng chức năng triển khai xử lý hàng chục ngàn m3 đất đá để sớm thông tuyến Quốc lộ 2. Ảnh: TTXVN phát.
Sau khi sạt lở xảy ra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang đã triển khai các lực lượng phân luồng để tránh vị trí sạt lở. Theo đó, các phương tiện và xe ô tô tải trọng tải dưới 8 tấn, xe tải thùng trọng tải dưới 3,5 tấn, xe khách dưới hoặc bằng 29 chỗ, lưu thông trên Quốc lộ 2, khi đến Km 269 thì rẽ trái đi qua các xã Ngọc Linh, Bạch Ngọc, Thượng Bình, đến xã Kim Ngọc, sau đó rẽ phải vào Quốc lộ 279 đi thẳng và trở lại Quốc lộ 2.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cục đã chỉ đạo khu đường bộ 1, đơn vị quản lý đường bộ 2, 3 trung tất cả thiết bị, máy móc, nhân lực hiện có để đảm bảo khả năng thông tuyến nhanh nhất. Nếu thời tiết ổn định, công tác tìm kiếm cứu hộ kết thúc, dự kiến một hoặc muộn là hai ngày sẽ thông tuyến.
Những ngày qua, mưa lớn tiếp tục kéo dài, nước từ núi chảy xuống tạo thành những khối bùn đất khổng lồ, trong khi vết nứt mới gần khu vực sạt lở càng làm tăng nguy cơ sạt tiếp. Công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết xấu và địa hình phức tạp.
Bên cạnh đó, phía gần khu vực sạt lở đã xuất hiện thêm vết nứt lớn nên nguy cơ sạt lở bên trên rất cao. Quá trình cứu hộ, cứu nạn vẫn phải cử lực lượng canh gác, để đảm bảo an toàn.
Thượng tá Nguyễn Văn Tỵ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Hà Giang cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương cũng như các lực lượng giao thông sử dụng máy móc khai thông tuyến giao thông từ hai đầu đường điểm sạt lở. Bên cạnh đó, chúng tôi đã sử dụng lực lượng thủ công để cưa cây cối gãy đổ, khoan cắt bê tông... cùng với đó là cắt cử cán bộ, chiến sỉ cảnh giới các vị trí cao, dể sạt lỡ và hướng dẫn người dân đi lại được an toàn".
Hiện tuyến Quốc lộ 2 từ thành phố Hà Giang về các tỉnh miền xuôi vẫn bị ách tắc hoàn toàn. Tuy nhiên với phương án vừa tìm kiếm nạn nhân vừa tích cực san gạt đất đá, chia làm 2 mũi thi công ngành giao thông sẽ đảm bảo khả năng thông tuyến nhanh nhất.
Ông Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, Hà Giang cho biết: "Sau khi vụ sạt lở xảy ra, với phương châm “4 tại chỗ” chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ, huy động toàn bộ máy móc trên địa bàn để tập trung ứng cứu và giải phóng mặt đường. Bên cạnh đó, huyện cũng đã di dời các hộ bị sạt lỡ đến nơi an toàn và đảm bảo đời sống cho người dân”.
Tới đây, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang tiếp tục chỉ đạo tất cả đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện để khẩn trương tìm kiếm người mất tích. Dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình phức tạp, các lực lượng vẫn không ngừng nỗ lực, bám trụ hiện trường nhằm sớm hoàn thành công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích cũng như sớm thông tuyến giao thông trên Quốc lộ 2.
Trước đó, phóng viên TTXVN đã đưa tin, vụ sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 2, Km 51 thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, Hà Giang vào sáng 29/9 đã làm 2 người chết, 3 người mất tích và 8 người bị thương; 8 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và 11 ngôi nhà bị ảnh hưởng; 6 phương tiện đang lưu thông bị hàng nghìn m3 đất đá sạt đẩy xuống ta luy âm, trong đó có 1 xe khách, 2 xe tải, 3 xe con và nhiều xe máy.
Tin liên quan
- NN Tây Nguyên: Chuẩn bị 1.500ha hoa phục vụ Tết
- Xử lý dứt điểm hợp tác xã nông nghiệp yếu kém đã ngừng hoạt động lâu ngày
- Vĩnh Phúc: Ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp
- Hơn 2,1 triệu hộ dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- Năm 2019 sẽ có trên 11.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả
- Đào tạo kỹ sư nông nghiệp thời 4.0: Khó khăn và thách thức
- Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2019
- Ba thách thức của ngành nông nghiệp
- Nhân tố tích cực xây dựng nông thôn mới
- Học người Nhật làm nông nghiệp bền vững