Hợp tác xã ngành chế biến nông sản nỗ lực bao tiêu nông sản cho nông dân
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành chế biến nông sản nhưng các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Đồng Nai vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, nhiều cơ sở tăng dự trữ nguồn nguyên liệu để bao tiêu nông sản cho nông dân.
Không để nông sản ùn ứ
Hiện nông dân trồng sen ở H.Nhơn Trạch đang vào vụ thu hoạch hạt sen tươi. Với gần 100ha diện tích trồng sen, sản lượng hạt sen tươi cần thu hoạch trên địa bàn huyện khá lớn. Tuy nhiên, từ đầu vụ đến nay, ngay cả nông dân trồng sen trên địa bàn các xã có diện tích lớn như Long Tân, Phú Hội… cũng không lo về đầu ra vì có HTX chế biến mặt hàng này ngay tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (xã Long Tân) chia sẻ, sản xuất trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển nông sản cũng như tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, HTX vẫn nỗ lực chế biến từ 1-3 tấn sen tươi/ngày, tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm ngoái. HTX cũng đã chủ động điều chỉnh cách tổ chức sản xuất, không tập trung đông công nhân tại xưởng sản xuất mà giao khoán việc bóc hạt sen tại nhà, vừa tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch.
“May mắn là HTX đã đầu tư được hệ thống sấy, có nhà kho rộng và trước khi dịch lan rộng, HTX tiêu thụ tốt sản phẩm nên không còn nguyên liệu tồn. Dù đầu ra khó khăn, HTX nỗ lực bao tiêu hết nguồn sen trong dân, sẵn sàng tăng nguồn nguyên liệu dự trữ, không để nông dân gặp khó khăn vì không bán được sản phẩm do dịch bệnh” - bà Lệ nói.
Cùng sự nỗ lực trên, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) cho biết, vụ thu hoạch năm nay tuy ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nông dân trồng sầu riêng vẫn bán được sản phẩm với giá cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cố gắng giữ ổn định sản xuất, không để giảm sản lượng tiêu thụ so với mọi năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp, điều chỉnh sản xuất trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch bệnh để duy trì chế biến được từ 30-50 tấn trái sầu riêng tươi/ngày. Nhờ vậy, ngay cả thời điểm rộ vụ thu hoạch cũng không xảy ra tình trạng sầu riêng bị ùn ứ tại vườn. Hiện nay, hầu hết diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch xong, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất để tiếp tục thu mua sản phẩm cho những địa phương khác.
Vẫn nỗ lực tìm kiếm thị trường
Theo nhiều doanh nghiệp, HTX chế biến nông sản, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều vùng thực hiện phong tỏa, cách ly y tế đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất từ khâu thu mua, vận chuyển nguyên liệu đến tổ chức sản xuất. Trong đó có tình trạng thiếu hụt lao động do hiện nay thời gian làm việc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ kéo dài từ 6-18 giờ theo quy định phòng dịch nên không thể tổ chức tăng ca. Khó khăn lớn nhất là thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cũng thu hẹp hơn, thậm chí nhiều thời điểm đầu ra bị đình đốn vì ảnh hưởng dịch bệnh nhưng nhiều doanh nghiệp, HTX vẫn nỗ lực xoay xở, tìm cách bán hàng.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) cho biết, hiện công suất sản xuất của HTX giảm khoảng 60% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong đó, sản phẩm chế biến từ chuối và nhiều loại trái cây khác không dễ tiêu thụ. Hiện HTX chủ yếu bán và xuất khẩu chuối tươi nhưng vẫn duy trì hoạt động chế biến. Nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, HTX rất quan tâm xúc tiến thương mại, giới thiệu, kết nối với nhiều khách hàng trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, HTX Thanh Bình đang đẩy mạnh sản xuất thêm dòng sản phẩm mới là tận dụng thân cây chuối làm sản phẩm bẹ chuối khô xuất khẩu. Thị trường HTX đang tập trung kết nối là châu Âu và Nhật Bản, tuy yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao nhưng bán được với giá tốt, thị trường ổn định và rất giàu tiềm năng, lại ít rủi ro so với thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc.
Bình Nguyên/báo Đồng Nai
Tin liên quan
- Ưu tiên tiêm vaccin cho thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia chuỗi cung ứng thiết yếu
- Kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, THT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
- Nhanh chóng triển khai thực hiện Chương trình kết nối cung – cầu, tiêu thụ hàng hoá.
- Sơ đồ quy trình hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc
- Hợp tác xã ngành chế biến nông sản nỗ lực bao tiêu nông sản cho nông dân
- Đã kết nối được gần 500 hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia
- Kết nối sản phẩm HTX vào chuỗi siêu thị Saigon Co.op
- Tất cả hệ thống liên minh HTX phải vào cuộc với nhiệm vụ chăm lo cho các thành viên
- Cùng các hợp tác xã, tổ hợp tác đưa nông sản lên sàn giao dịch điện tử
- Bắc Giang: Kết nối đưa sản phẩm OCOP lên trang thương mại điện tử