Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có những phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh

Năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát, cả nước tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có  những phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên sự phục hồi và phát triển của HTX, LHHTX, THT ở các địa phương chưa đồng đều; một số HTX bị thua lỗ, giảm sản lượng và quy mô; nhiều HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa chú trọng liên kết chuỗi giá trị, chưa huy động được nguồn lực để đầu tư ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ lớn sản phẩm tiêu thụ chưa có truy xuất nguồn gốc, chưa đạt chất lượng.

Cùng với đó, nhiều HTX sản xuất nhỏ lẻ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường; thiếu nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo; thiếu vốn sản xuất, kinh doanh do khó tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng; gặp vướng mắc về quy hoạch vùng sản xuất, khó khăn về chi phí đầu vào tăng và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Căn cứ chủ trương của Đảng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2022 và dự báo các nhân tố ảnh hưởng; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất một số mục tiêu, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2023 trong Báo cáo Phục hồi và phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2022; đề xuất mục tiêu, giải pháp chủ yếu năm 2023 và một số kiến nghị tại Hội nghị Tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới diễn ra ngày 8/11.

Trong đó, về mục tiêu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất: Trong năm 2023 thành lập mới ít nhất 3.000 THT, 2.000 HTX, 20 LHHTX; tổng số HTX hoạt động hiệu quả trên 60%; tỷ trọng HTX liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đạt ít nhất 25% tổng số HTX; tổng số cán bộ quản lý HTX được đào tạo theo các chương trình tăng 10%; tổng số thành viên HTX, THT tăng từ 5% trở lên; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng từ 10% trở lên so với năm 2022.

Để thực hiện mục tiêu đó, một số giải pháp chủ yếu được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất như: Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy và chính quyền địa phương về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và thu hút thành viên; trọng tâm là nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW và việc triển khai Nghị quyết của các cấp, các ngành; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị về kinh tế tập thể, HTX.

Cùng với đó là xây dựng và phát triển các HTX, LHHTX quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương; tăng cường liên kết, hợp tác trong cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra với các địa phương. Đồng thời củng cố, đổi mới và tăng cường hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Xem áo cáo Phục hồi và phát triển của kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2022; đề xuất mục tiêu, giải pháp chủ yếu năm 2023 và một số kiến nghị tại đây: Download

Lê Huy


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam