Khôi phục nghề sản xuất cá truyền thống
Nhộn nhịp thương lái mua cá giống tại HTX nghề cá xã Thiệu Tâm (Thiệu Hóa).
Hiện HTX đang tạo việc làm cho 20 thành viên và nhiều hộ gia đình sản xuất cá truyền thống của xã với thu nhập từ 3 triệu đồng/thành viên/tháng trở lên.
Xuất phát từ nhu cầu của hội viên cần có mô hình hoạt động liên kết giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo Hội LHPN xã Thiệu Tâm thành lập HTX nghề cá do phụ nữ làm chủ và được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ. Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 4 tạ cá giống và phối hợp bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới cho các thành viên, qua đó, các thành viên được trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống, vốn, đầu ra sản phẩm; cấp ủy, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, địa điểm giao dịch của HTX, tìm kiếm bạn hàng... giúp các hộ tăng cường mối liên kết sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển liên kết, tập trung.
Xã Thiệu Tâm có khoảng 200 hộ có ao hồ để sản xuất cá giống và cá thịt. Trước đây, các hộ tự cải tạo ao, học hỏi kinh nghiệm để sản xuất và bán cho các thương lái. Nhiều vụ sản xuất do mưa lũ bị thiệt hại khá lớn. Từ khi thành lập, HTX nghề cá thực hiện các khâu: Dịch vụ con giống, thức ăn, thuốc phòng dịch, chuyển giao khoa học - kỹ thuật... đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các thành viên HTX và người dân. HTX là đầu mối đã thu mua con giống bảo đảm chất lượng của các hộ dân sản xuất tự do và các thành viên tập hợp về bán cho các thương lái và các đơn vị đến đặt hàng mua cá giống các loại với số lượng lớn. Để hoạt động có hiệu quả hơn, HTX nghề cá do phụ nữ làm chủ còn kết nạp thêm một thành viên nam giới để hỗ trợ khâu kỹ thuật chăm sóc cá giống nên các loại con giống của HTX luôn bảo đảm chất lượng, uy tín.
Chị Lê Thị Lan, ở thôn Đồng Tiến - thành viên HTX cho biết: Từ khi vào HTX, mỗi tháng gia đình bán được 3-4 tạ cá với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Vì có thương hiệu và con dấu pháp lý nên đã có một số đơn vị, công ty đến đặt hàng với số lượng lớn, nhất là vào dịp tết, mùa thả cá.
Đến thăm hộ ông Nguyễn Xuân Thái, thành viên HTX thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăm sóc cá giống cho các thành viên của HTX nghề cá, ông cho biết: Gia đình tôi làm nghề đã nhiều năm nay và đầu tư các bể nuôi cá giống bố mẹ, cá giống bột... Nghề sản xuất cá giống thường tập trung 1 vụ/năm (6 tháng) nên bình quân HTX sản xuất khoảng 6 tấn cá giống, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, có những đợt còn xuất bán sang Lào. Thời gian còn lại, các hộ vệ sinh bể chăm sóc cá bố mẹ...
HTX nghề cá do phụ nữ làm chủ xã Thiệu Tâm ra đời đã đáp ứng nhu cầu liên kết giữa các hộ nuôi cá về một đầu vào và thị trường tiêu thụ được mở rộng, năng lực kết nối, quảng bá sản phẩm..., từng bước phá thế sản xuất độc canh manh mún, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nói chung và hội viên, phụ nữ nói riêng, mở rộng và phát triển được nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo báo Thanh Hóa
Tin liên quan
- “Vé thông hành” giúp HTX Hà Tĩnh tăng sức tiêu thụ sản phẩm
- Khấm khá nhờ trồng lạc phủ nilon theo mô hình Hợp tác xã
- Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới
- Khôi phục nghề sản xuất cá truyền thống
- Giám đốc hợp tác xã đưa dâu tây vào siêu thị, giá 200.000 đồng/kg
- Phát triển nông nghiệp hữu cơ: “Chuyến đi” không dành cho những người tư duy cũ
- Yên Phong - Bắc Ninh: Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ HTX, tổ hợp tác
- HTX Hương Xoài và HTX nông nghiệp anh toàn Chiềng Hặc – Sơn La nỗ lực xuất khẩu Xoài sang thị trường Mỹ, Trung.
- Khuyến khích các hợp tác xã liên kết sản xuất tại Tuyên Quang
- Kinh tế tập thể tạo việc làm cho gần 3.000 lao động Lộc Hà