“Vé thông hành” giúp HTX Hà Tĩnh tăng sức tiêu thụ sản phẩm

Hiện đã có 37 sản phẩm của HTX Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao. Đây là chiếc “vé thông hành” giúp các HTX tạo liên kết chuỗi giá trị, tăng sức tiêu thụ.

OCOP giúp HTX đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm

Khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX ở Hà Tĩnh đã tích cực tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hiện đã có 37 sản phẩm của HTX đạt sản phẩm OCOP 3 - 4 sao/tổng 72 sản phẩm OCOP của tỉnh (tỷ lệ 51,4%). Sản phẩm OCOP trở thành “vé” giúp các HTX tăng sức tiêu thụ.

“Vé thông hành” giúp HTX Hà Tĩnh tăng sức tiêu thụ sản phẩm

Giám đốc HTX Thu mua, chế biến thủy hải sản Kỳ Phú Nguyễn Thị Miện bên sản phẩm nước mắm Đỉnh Miện tại gian hàng trưng bày Đại hội Liên minh HTX tỉnh

Nếu như trước đây, nước mắm Đỉnh Miện chưa được nhiều người biết đến thì nay thương hiệu này đã quen thuộc với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Miện - Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) vui mừng: “Tham gia OCOP, nước mắm Đỉnh Miện có nhiều cơ hội phát triển. Trước đây, HTX chỉ tiêu thụ được 50.000 lít/năm thì năm 2019 (khi được công nhận OCOP 3 sao) sức tiêu thụ tăng lên 90.000 lít và năm 2020 dự kiến 150.000 lít. Đặc biệt, HTX đã bắt tay với các nhà phân phối trong cả nước với số lượng lớn. Để đáp ứng nhu cầu, chúng tôi phải mở rộng quy mô sản xuất lên nhiều lần”.

“Vé thông hành” giúp HTX Hà Tĩnh tăng sức tiêu thụ sản phẩm

Được công nhận sản phẩm OCOP, các HTX Hà Tĩnh gia tăng sức tiêu thụ

Không chỉ nước mắm Đỉnh Miện mà 36 sản phẩm OCOP còn lại của các HTX đều gia tăng sức tiêu thụ. Điển hình như: gạo Thế Cường, dưa lưới Nga Hải, Nhung hươu Hương Luật…

Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Những sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP được Nhà nước hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chuẩn hóa hệ thống bao bì, quản lý chất lượng và ATTP theo chuỗi… Thực tế cho thấy, những sản phẩm đã được công nhận OCOP có sức tăng trưởng 40 – 50% so với thời điểm trước đó. Đây là cơ hội để các HTX đầu tư hạ tầng, mở rộng quy mô, sản xuất theo hướng hàng hóa”.

Tiếp tục nâng hạng sản phẩm OCOP

“Được công nhận OCOP chưa phải là chìa khóa quyết định. Nếu HTX không chú trọng gìn giữ và nâng hạng sản phẩm thì niềm tin của người tiêu dùng dành cho mình dần sẽ bị lung lay và khó giữ được ngôi vị. Suy nghĩ đó đã thúc đẩy chúng tôi không ngừng nỗ lực nâng hạng sản phẩm. Bằng chứng rõ nhất là các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm hiện nay được chuyên giá đánh giá tăng cao so với thời điểm mới được công nhận OCOP. Đơn vị đang tiếp tục đầu tư công nghệ, hoàn thiện sản phẩm để đạt chuẩn nước mắm 4 sao” – Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Kỳ Phú Nguyễn Thị Miện cho biết thêm.

“Vé thông hành” giúp HTX Hà Tĩnh tăng sức tiêu thụ sản phẩm

HTX Mật ong Cường Nga đầu tư hệ thống máy hạ thủy phần mật ong 600 triệu đồng

Mật ong hương rừng Cường Nga của HTX Mật ong Cường Nga Hương Sơn (xã Quang Diệm) được công nhận sản phẩm 3 sao vào cuối năm 2019. “Càng được tôn vinh, chúng tôi càng thấy trọng trách của mình lớn hơn. HTX luôn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Nguồn nguyên liệu quyết định lớn đến chất lượng sản phẩm. Do vậy, HTX chỉ thu mua lượng mật ong của thành viên và các hộ dân ký hợp đồng liên kết với HTX, tuyệt đối không mua tự do bên ngoài dù giá rẻ hơn” – anh Nguyễn Văn Cường – cán bộ kỹ thuật HTX Mật ong Cường Nga Hương Sơn cho hay.

“Vé thông hành” giúp HTX Hà Tĩnh tăng sức tiêu thụ sản phẩm

Mật ong hương rừng Cường Nga được truy xuất nguồn gốc rõ ràng

Cũng theo anh Cường, để có mật ong tinh khiết, HTX đã đầu tư 600 triệu đồng mua hệ thống máy hạ thủy phần. Mật ong xử lý qua dây chuyền hiện đại ngoài giảm lượng nước, chống kết tinh thì các loại men, nấm, tạp chất được lọc sạch, tạo an toàn cho người sử dụng.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2019, cam giòn Xuân Hòa Thượng Lộc đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Anh Nguyễn Xuân Hòa – Cán bộ HTX Trà Sơn cho hay: “HTX hiện có 15 ha cam sản xuất tập trung tại xã Thượng Lộc và trên 100 ha liên kết tại các xã vùng Trà Sơn huyện Can Lộc. Độ an toàn của sản phẩm là tiêu chuẩn hàng đầu HTX hướng đến. Sản xuất theo hướng hữu cơ, “nói không với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật” là hướng đi chúng tôi lựa chọn từ năm 2015. Ngoài dùng phân chuồng, mỗi năm HTX đã chi hàng trăm triệu đồng mua chế phẩm sinh học bón cho cam”.

“Vé thông hành” giúp HTX Hà Tĩnh tăng sức tiêu thụ sản phẩm

HTX Trà Sơn đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu (ảnh NVCC).

Hiện tại, HTX Trà Sơn đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể tham gia xuất khẩu. HTX cũng đang tiến hành các thủ tục đầu tư kho lạnh, thúc đẩy thương mại - dịch vụ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Sản phẩm được chứng nhận OCOP là cả hành trình nỗ lực của các HTX. Tuy nhiên, muốn thương hiệu sản phẩm lớn mạnh, phát triển đòi hỏi các HTX luôn vận động, đổi mới. Đầu tư công nghệ cao, hoàn thiện chất lượng, nâng hạng sản phẩm OCOP, sản xuất theo hàng hóa thị trường đang là hướng đi đúng đắn của nhiều HTX hiện nay”.

Theo Báo Hà Tĩnh


Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Giấy phép số: 175/GP-TTDT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Cục Phát thanh truyền hình và TTĐT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ghi rõ nguồn: "vca.org.vn" khi phát hành thông tin từ trang này.

Copyright 2013 vca.org.vn - Technology Supported by ECPVietnam