Khuyến khích các hợp tác xã liên kết sản xuất tại Tuyên Quang
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, các HTX nông nghiệp có hợp đồng liên kết đã khẳng định được vai trò điều tiết sản xuất, ổn định nguồn cung và thị trường tiêu thụ.
Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp xanh, xã Trung Môn (Yên Sơn) hoạt động tương đối rộng, từ chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản; trồng rau an toàn đến cung ứng các dịch vụ liên quan... Chị Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, tất cả các ngành hàng sản xuất đều được chị liên kết với các tổ nhóm, hộ gia đình trên địa bàn. Theo hợp đồng, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm với điều kiện các tổ, nhóm hợp tác, hộ gia đình phải sản xuất theo đúng quy trình tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Hiện tại, HTX duy trì 2.000 m2 rau xanh; trang trại 300 con lợn thịt và 3 ha ao nuôi trồng thủy sản. Theo kế hoạch, HTX sẽ liên kết để mở rộng thêm 4.700 m2 đất trồng rau xanh trong nhà lưới vào cuối năm 2019.
Người dân thôn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) liên kết sản xuất chè VietGAP
với Hợp tác xã chè Ngân Sơn.
HTX chè Ngân Sơn Trung Yên (Sơn Dương) đang liên kết với 32 hộ dân để sản xuất chè VietGAP với tổng diện tích trên 20 ha. Bình quân mỗi năm mô hình liên kết sản xuất đã mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, trừ chi phí HTX và người làm chè lãi gần 1 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Dũng, thôn Trung Long, xã Trung Yên có 4 năm liên kết với HTX chia sẻ, từ hợp tác sản xuất anh được hướng dẫn kỹ thuật trồng chè sạch; được bao tiêu sản phẩm, giá trị chè tăng hơn từ 20 - 30% so với sản xuất chè đại trà. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX chè Ngân Sơn cho biết, sản phẩm chè búp tươi sau khi thu mua từ người dân sẽ được HTX chế biến, cung ứng vào các cửa hàng, đại lý tại thành phố Tuyên Quang và siêu thị rau, quả sạch tại quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện tại có 64 HTX có hợp đồng liên kết với người nông dân, doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ 15 nhóm sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm trồng trọt, 5 sản phẩm chăn nuôi, 1 nhóm sản phẩm thủy sản và 1 nhóm sản phẩm lâm nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Ngạc, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, số lượng HTX có hợp đồng liên kết sản xuất vẫn còn quá thấp, chiếm 27,8% tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động, khuyến khích phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình UBND tỉnh về việc xây dựng Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để trình HĐND tỉnh trong thời gian tới. Từ chủ trương này, các tổ, nhóm sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có nhu cầu sẽ được tỉnh hỗ trợ thành lập HTX; các HTX xã, người dân, doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sẽ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ… Đây sẽ là cú huých cho mô hình kinh tế tập thể kiểu mới phát triển, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững.
Theo Báo Tuyên Quang
Tin liên quan
- “Vé thông hành” giúp HTX Hà Tĩnh tăng sức tiêu thụ sản phẩm
- Khấm khá nhờ trồng lạc phủ nilon theo mô hình Hợp tác xã
- Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới
- Khôi phục nghề sản xuất cá truyền thống
- Giám đốc hợp tác xã đưa dâu tây vào siêu thị, giá 200.000 đồng/kg
- Phát triển nông nghiệp hữu cơ: “Chuyến đi” không dành cho những người tư duy cũ
- Yên Phong - Bắc Ninh: Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ HTX, tổ hợp tác
- HTX Hương Xoài và HTX nông nghiệp anh toàn Chiềng Hặc – Sơn La nỗ lực xuất khẩu Xoài sang thị trường Mỹ, Trung.
- Khuyến khích các hợp tác xã liên kết sản xuất tại Tuyên Quang
- Kinh tế tập thể tạo việc làm cho gần 3.000 lao động Lộc Hà