Nam Định: Phát huy vai trò hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Xác định vai trò của hợp tác xã (HTX) trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, các HTX đã đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nâng cao thu nhập cho các thành viên, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Sản xuất giỏ đóng hoa quả mây tre đan đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao tại Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ Việt Tiến, xã Trực Tuấn (Trực Ninh). |
Đến cuối tháng 4/2024, toàn tỉnh có 525 HTX và Quỹ tín dụng nhân dân với tổng số 376.764 thành viên, trong đó có 395 HTX lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều HTX nông nghiệp đã tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ thiết yếu, chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, mở rộng các hoạt động dịch vụ, tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai, đầu tư máy móc thiết bị, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên. Đến nay toàn tỉnh có tổng số 32 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến sản phẩm; 89 HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Một số HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như HTX dệt may Bình Định, xã Trực Chính (Trực Ninh) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đầu tư trang bị hệ thống máy dệt tự động thay thế dần máy dệt thủ công tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn ổn định đời sống và đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước. HTX dịch vụ Trung Hiếu, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) với hoạt động chủ lực sản xuất ró cói mỹ nghệ kết nối chuỗi xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho trên 800 lao động nông thôn trong xã và các xã lân cận với thu nhập từ 5,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. HTX cũng đã xây dựng phương án tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất nước lọc tinh khiết đóng chai, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2024…
Để phát huy vai trò HTX trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các HTX còn chủ động, tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực để phát triển. Hàng năm, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động tư vấn hỗ trợ các HTX triển khai đăng ký sản xuất sản phẩm chủ lực tham gia chương trình OCOP. Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách, tư vấn cho các HTX xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng phương án chủ động tổ chức sản xuất gắn với thiết kế mẫu bao bì, tem nhãn, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Liên minh HTX tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ HTX; triển khai các chính sách hỗ trợ HTX về phương thức quảng bá, xúc tiến sản phẩm. Qua đó đã tạo điều kiện để các HTX đã phát huy nội lực, mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập gia tăng cho HTX và thành viên. Nhờ tích cực tham gia chương trình OCOP, các HTX đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh phát triển sản phẩm OCOP mới, các HTX cũng chủ động hoàn thiện, nâng hạng sao cho sản phẩm đã đạt OCOP; sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các HTX đã và đang được phân phối tại hệ thống các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 431 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó riêng khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có 120 sản phẩm, chiếm 28,2% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh. Điển hình như HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau sạch hữu cơ quy mô 20ha, sản lượng hàng trăm tấn/năm. Mô hình sử dụng 100% phân hữu cơ được ủ tại chỗ theo công nghệ Nhật Bản. HTX tổ chức sản xuất và giám sát chặt chẽ các khâu sản xuất, hàng ngày ghi nhật ký đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Toàn bộ sản phẩm được Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh và các cửa hàng thực phẩm an toàn bao tiêu. Giá tiêu thụ luôn ổn định và cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 20%. Đến nay, HTX đã có 8 sản phẩm OCOP 3 sao. Còn tại HTX Nông nghiệp Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy), kỹ sư Trần Hữu Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX đã huy động số vốn hàng chục tỷ đồng xây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao. Rau quả của HTX được trồng và chế biến theo quy trình “6 không”: không phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gen, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, 2 sản phẩm dưa hấu, dưa lê của HTX đã đạt OCOP 3 sao. HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tân (Giao Thủy) sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất lượng cao, có 8 sản phẩm OCOP 3 sao. HTX Khang Tường, xã Giao An (Giao Thủy) có 8 sản phẩm OCOP 3 sao. HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) với mô hình trồng, chế biến nấm hiệu quả, đã có 6 sản phẩm OCOP 3 sao. HTX dịch vụ Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu) liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nấm các loại, có 3 sản phẩm OCOP 3 sao. HTX nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) với chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo chất lượng cao truyền thống đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP 3 sao…
Trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các HTX còn chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, 13 HTX hoạt động chuyên trong lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, giúp cho ngày càng nhiều người dân được sử dụng nước sạch. Điển hình như: HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Bạch Long, HTX Môi trường Giao Long, HTX Nước sạch và Vệ sinh môi trường Ngô Đồng, HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Vạn Xuân (Giao Thủy); HTX Nước sạch và Môi trường Sông Đào, HTX Dịch vụ môi trường Nam Thanh (Nam Trực); HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Bình An, HTX Môi trường Hồng Đông (Hải Hậu); HTX Nông nghiệp và Môi trường xanh Trường Phát (Xuân Trường); HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ môi trường Yên Ninh (Ý Yên)...
Nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua “HTX chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025”, các HTX đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 199/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 39/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bài và ảnh: Lam Hồng/ Theo báo Nam Định
Tin liên quan
- Công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và Doanh nghiệp Việt Nam 2020
- HTX nông nghiệp sông Đà (Phú Thọ): Thu nhập hơn 800 triệu đồng mỗi năm từ trồng măng tây
- Kinh tế hợp tác, HTX đóng góp quan trọng trong phát triển KT - XH đất nước
- Mô hình HTX chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao
- HTX Bảo hiệu: Giám đốc trẻ đưa cả làng ăn nên làm ra nhờ loài cây dại
- Đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng giá trị
- Mai Linh ra mắt mô hình HTX taxi truyền thống kết hợp công nghệ
- Khẩn trương xây dựng bộ dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Quảng Bình: Thí điểm đưa cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp đại học - cao đẳng về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp
- Hợp tác xã... gom rác trên biển