Những mô hình hợp tác xã trồng rau sạch tiêu biểu ở các tỉnh phía Bắc
Những hợp tác xã này đều tận dụng tối đa đặc điểm riêng của từng địa phương, biến thành thế mạnh giúp tạo ra những sản phẩm rau sạch đảm bảo chất lượng.
Mô hình trồng rau sạch ở Thái Nguyên
Được thành lập từ tháng 5 năm 2019 với số lượng thành viên và người lao động là 58, tổng diện tích hơn 10ha chủ yếu trồng các loại cây rau màu và củ quả như su hào, súp lơ, cải canh, cải thảo, bắp cải, cà chua, cà rốt.. và một số loại cây gia vị, HTX Bình Minh, xã Nhã lộng (Phú Bình, Thái Nguyên) đã và đang cung cấp cho các siêu thị rau và hoa quả sạch trên địa bàn tỉnh như Moongreen, Ankhangfood, nhà hàng ATK, lẩu nướng xèo xèo….
Chất lượng các loại rau cung cấp ra thị trường đều đạt tiêu chuẩn rau sạch trồng theo quy trình VietGap và có tem nhãn mác trên mỗi sản phẩm được bán ra.
Chăm sóc rau màu của thành viên HTX.
Chị Nguyễn Thị Hiệp Giám đốc HTX cho biết, sau khi thành lập HTX đã tạo việc làm cho bà con nông dân, đồng thời thu nhập của các thành viên cũng tăng lên đáng kể với thu nhập mỗi thành viên trung bình hiện nay khoảng 5,5-6,8 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian tới, HTX đang có kế hoạch sẽ mở rộng diện tích trồng các loại hoa, quả như dưa hấu không hạt, nụ bí, bí ngòi và một số giống cải với tổng diện tích khoảng 5ha theo quy trình VietGap, cùng với sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh, HTX đã được tham gia các kỳ hội chợ xúc tiến thương mại để mở rộng thêm thị trường ra ngoài tỉnh. Bởi vậy các thành viên đã có thêm sự gắn bó, tin tưởng và động lực để giúp HTX phát triển bền vững hơn trong tương lai sắp tới.
HTX sản xuất và chế biến rau sạch ở Nam Định
HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Nam Cường (HTX Nam Cường), xã Yên Cường (Ý Yên, Nam Định) đã hình thành, duy trì và phát triển mô hình trồng rau sạch an toàn thực phẩm, tạo được thương hiệu riêng trên thị trường nông sản trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân địa phương.
Phát huy thế mạnh của vùng đất màu, năm 2017 HTX đã xây dựng mô hình 5 ha trồng các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap an toàn thực phẩm tạo hướng phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp. HTX còn liên kết với hơn 10 hộ nông dân khác thực hiện quy trình trồng rau sạch để đảm bảo nguồn cung ứng ra thị trường, đồng thời mở rộng diện tích trồng đa dạng các loại rau, củ, quả đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, xã Yên Cường đã có 20 ha vùng trồng rau an toàn, trong đó có 5 ha mô hình trồng rau an toàn của HTX Nam Cường đã được cấp giấy chứng nhận VIETGAP.
Các sản phẩm nông sản của HTX được đảm bảo từ khâu gieo trồng đến khâu đóng gói sản phẩm theo đúng quy trình trước khi xuất ra thị trường tiêu thụ. Các nhân công tham gia sản xuất cũng được tập huấn đầy đủ các kỹ thuật trồng rau an toàn và quy trình xử lý, đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn.
Có thời điểm HTX phải thuê 20 nhân công trở lên để thu hoạch và đóng gói sản phẩm xuất ra thị trường tiêu thụ. Mỗi nhân công có mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Mô hình trồng rau an toàn ở Phú Thọ
Thời gian qua, mô hình trồng rau của Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tu Vũ (Thanh Thủy, Phú Thọ) đang tập trung phát triển trồng rau theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Với hướng đi đó, sản phẩm của HTX từng bước tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, mang lại hiệu quả cho HTX và người dân địa phương.
Được thành lập vào năm 2017, HTX rau an toàn Tu Vũ đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư vào sản xuất. Với trên 20 ha đất canh tác, HTX chuyên sản xuất các mặt hàng rau sạch theo mùa vụ như: rau cải, cà chua, rau cần, dưa chuột, cà tím, cà pháo, mướp…
Theo Ban giám đốc HTX, để đảm bảo đạt chất lượng rau an toàn, HTX đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: thiết bị nhà xưởng phục vụ cho quá trình sơ chế, bảo đảm an toàn thực phẩm; hệ thống tưới hiện đại nhằm cung cấp đủ nước sạch để sản xuất.
Đặc biệt, sử dụng hệ thống tưới phun sẽ bảo đảm tưới đều khắp vườn rau, tạo độ ẩm thích hợp, giúp cây rau sinh trưởng và phát triển tốt; rút ngắn thời gian, tiết kiệm lượng nước tưới. Giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay mà lại tăng thu nhập cho người trồng rau, thu nhập bình quân của 1 thành viên HTX 3,5 triệu/tháng.
Rau sạch ở HTX Tu Vũ.
Thành viên khi tham gia vào Hợp tác xã đều được trải qua các lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất, xử lý các mầm bệnh có trong đất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho rau, chọn giống, chăm sóc, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau, cách xử lý và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thích hợp...cho đến lúc thu hoạch.
Mô hình này đòi hỏi các khâu phải kỹ, từ làm đất phải thật sạch đến việc nói không với phân, thuốc hóa học. Ngoài ra, Hợp tác xã còn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly, đúng liều lượng và đúng bệnh.
Chính vì vậy, mà sản phẩm rau của hợp tác xã luôn đảm bảo, không có lượng thuốc bảo vệ thực vật hay các chất hóa học khác tồn dư trong rau, củ, quả. Điều này không những bảo vệ sức khỏe trực tiếp cho xã viên trong quá trình gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ môi trường mà còn chính là điểm mạnh giúp cho sản phẩm rau an toàn Tu Vũ có chỗ đứng trên thị trường và được thu mua với giá ổn định.
Tin liên quan
- Công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và Doanh nghiệp Việt Nam 2020
- HTX nông nghiệp sông Đà (Phú Thọ): Thu nhập hơn 800 triệu đồng mỗi năm từ trồng măng tây
- Kinh tế hợp tác, HTX đóng góp quan trọng trong phát triển KT - XH đất nước
- Mô hình HTX chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao
- HTX Bảo hiệu: Giám đốc trẻ đưa cả làng ăn nên làm ra nhờ loài cây dại
- Đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng giá trị
- Mai Linh ra mắt mô hình HTX taxi truyền thống kết hợp công nghệ
- Khẩn trương xây dựng bộ dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Quảng Bình: Thí điểm đưa cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp đại học - cao đẳng về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp
- Hợp tác xã... gom rác trên biển