Lạng Sơn:
Xúc tiến thương mại: Mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản
Với các hoạt động quảng bá, tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản thông qua các hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, những năm qua, thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh không ngừng được mở rộng, giá trị từng bước được nâng cao.
Sản phẩm Na Chi Lăng được trưng bày, giới thiệu tại Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023 tại Hà Nội
Trên địa bàn tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Những năm qua, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng các vùng trồng, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh xây dựng, phát triển được các vùng trồng nông sản chủ lực như: vùng hồi (diện tích hơn 43.000 ha), vùng ớt (1.458 ha), vùng thạch đen (3.100 ha), vùng na (4.460 ha)… và có hơn 4.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh có 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó, các sản phẩm khẳng định được chất lượng và được cấp nhãn hiệu tập thể như: na, hồng, quýt… Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 104 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao và 4 sao đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã…
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, các cấp, ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Đơn cử, ngày 24/8/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức khai mạc phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Tại đây, các sản phẩm: na, hoa hồi, thạch đen, sản phẩm dược liệu ba kích, sa nhân, mật ong… và nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày, giới thiệu. Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã tiêu thụ trên 1,5 tấn nông sản (chủ yếu là na). Đây cũng là cơ hội để các cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2022 đến nay, sở đã tổ chức, hỗ trợ trên 40 lượt chủ thể có sản phẩm OCOP và sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh tham gia 11 hội chợ triển lãm, diễn đàn, hội nghị kết nối cung – cầu. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng, quảng bá sản phẩm nông sản trên các website bằng cách đăng tải thông tin sản phẩm lên trang web nongsanlangson.com và hỗ trợ đăng các sản phẩm OCOP lên gian hàng số trên sàn thương mại điện tử posmart.vn để quảng bá, tiêu thụ. Đến nay, đã có hơn 20.000 lượt sản phẩm nông sản được đưa lên quảng bá trên sàn thương mại điện tử postmart.vn.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ chức năng của mình, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cũng đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến sản phẩm nông nghiệp. Ông Hà Xuân Thảo, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp được trung tâm chú trọng thực hiện thông qua các hội trợ triển lãm, hội nghị, hội thảo với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, trung tâm đã hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia 10 hội chợ kết nối giao thương, hội nghị xúc tiến thương mại sản sản phẩm nông sản. Trong đó, mỗi hội chợ trung bình có 30 – 35 sản phẩm nông sản chủ lực, OCOP của các chủ thể được trưng bày, quảng bá. Đồng thời, mỗi năm, trung tâm tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện, đây cũng là 1 hoạt động thiết thực để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT đã tổ chức, hỗ trợ trên 40 lượt chủ thể có sản phẩm OCOP và sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh tham gia 11 hội chợ triển lãm, diễn đàn, hội nghị kết nối cung – cầu. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, HTX tham gia 10 hội chợ kết nối giao thương, hội nghị xúc tiến thương mại sản sản phẩm nông sản. |
Thông qua các hoạt động này, giúp các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp quảng bá rộng rãi sản phẩm, kết nối giữa các chủ thể, tìm kiếm đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, huyện Tràng Định cho biết: Năm 2022, được sự hỗ trợ của các sở, ngành, chúng tôi đã tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm tại các tỉnh trong nước. Thông qua hoạt động này, giúp công ty giới thiệu sản phẩm của mình rộng rãi hơn. Đặc biệt, chúng tôi đã kết nối tiêu thụ sản phẩm bột thạch đen với Siêu thị Tứ Sơn (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm với siêu thị, dự kiến tháng 10/2023 sẽ xuất hàng.
Nhận thấy việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại là cơ hội để khai thác thị trường cho sản phẩm, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị, triển lãm trưng bày sản phẩm. Bà Ngọc Thị Quê, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Quê, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Công ty được thành lập năm 2017, đến nay, đã sản xuất ổn định sản phẩm trà bò khai và dự kiến thời gian tới sẽ phát triển mạnh các sản phẩm rượu bò khai và mì bò khai. Trong đó, trà bò khai đạt sản phẩm OCOP 3 sao, được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, ngoài ra sản phẩm đã có mặt tại thị trường nước ngoài như: Đức, Trung Quốc. Năm 2022, công ty tiêu thụ khoảng 6.000 hộp trà, doanh thu đạt 4 tỷ đồng/năm (tăng gần 1 tỷ đồng so với năm 2021). Để có được kết quả này, chúng tôi đã tận dụng tối đa cơ hội tham gia các hội nghị, hội chợ, triển lãm trưng bày hàng hóa để giới thiệu sản phẩm. Từ năm 2022 đến nay, công ty đã tham gia khoảng 10 hội nghị, hội trợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Từ những nỗ lực của cơ quan chức năng và sự chủ động của các chủ thể sản xuất sản phẩm đã góp phần đưa nông sản của tỉnh vươn xa, rộng đường tiêu thụ, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Hiện nay, một số sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ trong siêu thị lớn (BigC, Winmart…) như thạch đen, trà diếp cá Lụa Vy, mắc ca… và được xuất khẩu ra nước ngoài như: tinh dầu hồi, chè Ngọc Thúy, chè Bát Tiên, bột thạch đen, trà bò khai…
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT, về cơ bản, các sản phẩm sau khi quảng bá, xúc tiến đã được khách hàng ngoài tỉnh biết đến và tiếp cận được nhiều khách hàng và thị trường tiềm năng hơn. Từ đó, sản lượng hàng bán ra được nâng lên, doanh thu các chủ thể đều tăng từ 10 – 15%/năm.
Tin liên quan
- Công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và Doanh nghiệp Việt Nam 2020
- HTX nông nghiệp sông Đà (Phú Thọ): Thu nhập hơn 800 triệu đồng mỗi năm từ trồng măng tây
- Kinh tế hợp tác, HTX đóng góp quan trọng trong phát triển KT - XH đất nước
- Mô hình HTX chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao
- HTX Bảo hiệu: Giám đốc trẻ đưa cả làng ăn nên làm ra nhờ loài cây dại
- Đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng giá trị
- Mai Linh ra mắt mô hình HTX taxi truyền thống kết hợp công nghệ
- Khẩn trương xây dựng bộ dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã
- Quảng Bình: Thí điểm đưa cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp đại học - cao đẳng về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp
- Hợp tác xã... gom rác trên biển