HTX NN An Nghiệp (Phú Yên) phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
HTX NN An Nghiệp là mô hình HTX toàn xã, tại xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. HTX bước đầu hoạt động hiệu quả, đổi mới phương thức hoạt động, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Hoạt động sản xuất tại HTX NN An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên
Xã An Nghiệp thuộc huyện Tuy An, là huyện có địa hình bán sơn địa, kinh tế dựa vào nông nghiệp, ngư nghiệp, do đó, mô hình HTX cũng được Liên minh HTX tỉnh, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm, tư vấn hỗ trợ để hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
HTX NN An Nghiệp được hợp nhất từ HTX NN Nam An Nghiệp và HTX Bắc An Nghiệp (thành lập từ năm 1979) theo chủ trương của UBND huyện Tuy An và chính quyền địa phương thành HTX toàn xã, chính thức hoạt động kể từ ngày 08 tháng 12 năm 2017, có địa chỉ tại Định Phong, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
HTX có 1005 thành viên, với tổng diện tích canh tác 470ha, tổng sản lượng lúa trong năm của HTX là 3.436,7 tấn; vốn điều lệ hơn 300 triệu đồng, tổng doanh thu năm 2018 là hơn 2 tỷ đồng; thu nhập bình quân thành viên và người lao động là 3 triệu đồng/người/tháng.
HTX hoạt động sản xuất kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ và phục vụ đời sống thành viên; dịch vụ sản xuất lúa giống; thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; xây dựng và sửa chữa công trình giao thông thủy lợi; tín dụng nội bộ; Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu; Xay xát và sản xuất bột thô; Bán buôn gạo...
Hiện nay HTX nông nghiệp An Nghiệp có 02 mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị đó là: sản xuất lúa giống và sản xuất gạo chất lượng cao.
Về sản xuất lúa giống, HTX sản xuất lúa giống từ năm 2007 liên tục đến nay, sản phẩm được các đơn vị trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ. HTX đảm nhận tất cả các dịch vụ: làm đất, vật tư nông nghiệp, tưới tiêu, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm; giá thu mua lúa giống bằng 1,2- 1,3 giá lúa tại thời điểm thu hoạch. Diện tích sản xuất lúa giống: 30 ha; sản lượng từ 300- 350 tấn/năm.
Sản xuất gạo chất lượng cao, năm 2018 HTX sản xuất mỗi vụ 5 ha lúa chất lượng cao, sản lượng 30 tấn lúa để chế biến xay xát và tiêu thụ; năm 2019 sản xuất 15 ha. HTX đang từng bước xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm “Gạo chất lượng cao”.
Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX, cho biết: Để cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX hiện có 6 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cuộn rơm, 2 máy sàng lúa, 1 lò sấy. Nhờ đó, từ khâu làm đất, gieo hạt tới gặt, thu rơm…, người dân không phải bỏ sức lao động như trước kia. Thậm chí lúa từ ngoài đồng đưa thẳng về HTX sấy khô rồi cân bán tại chỗ. Giúp giảm giờ công lao động, giảm chi phí và tăng thêm thu nhập cho thành viên.
HTX đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; góp phần tích cực thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. HTX từng bước phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho thành viên và người lao động.
Đồng chí Lê Thanh Lam- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Yên: Đây là mô hình HTX toàn xã được sáp nhập tại địa phương, HTX đã từng bước xây dựng và trang bị những thiết bị hiện đại hơn so với những năm trước, đây là một điều rất đáng phấn khởi, bây giờ phải cơ giới hóa, giảm được giá thành, gia tăng giá trị và lợi nhuận cho thành viên. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Phú Yên cùng chính quyền địa phương tiếp tục tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ cho HTX phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn nữa, góp phần giải quyết việc làm cho thành viên và người lao động địa phương; tăng thu nhập cho thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho huyện Tuy An, Phú Yên.
Trung tâm Thông tin- Tuyên truyền
Tin liên quan
- HTX Môi trường xanh Đắk Nông: Hoạt động hiệu quả nâng cao đời sống cho thành viên và người lao động
- Ninh Thuận: Những hợp tác xã nông nghiệp đi đầu trong liên kết sản xuất có hiệu quả
- HTX NN An Nghiệp (Phú Yên) phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
- HTX Rạch Gầm - đơn vị kinh tế tập thể điển hình của cả nước
- Mô hình HTX gỗ mỹ nghệ Hiệp Thắng: Giải pháp tăng cường đào tạo nghề - nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- Mô hình HTX trong lĩnh vực giao thông vận tải sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW
- HTX Vật liệu xây dựng Tuổi trẻ: Chất lượng tạo dựng phát triển bền vững
- HTX Sinh Dược (Ninh Bình): Góp phần tạo việc làm, an sinh xã hội tại đại phương
- Ninh Thuận: HTX giúp thành viên nâng cao thu nhập từ sản xuất cánh đồng lớn măng tây xanh
- Trồng chè xóa nghèo ở xã vùng sâu Bản Liền